Với kim ngạch XK giảm cả lượng và giá trị, hầu hết các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam đã có sự khởi đầu không mấy thuận lợi trong năm 2014.
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tháng 1-2014, giá trị XK các mặt hàng nông sản chính ước đạt 1,17 tỷ USD, giảm 17,9% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch XK hầu hết các mặt hàng nông sản giảm mạnh cả về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Đứng đầu danh sách là mặt hàng cao su với lượng XK đạt 90 nghìn tấn, giá trị đạt 199 triệu USD, giảm 17,5% về lượng và 32,8% về giá trị. Tiếp ngay sau đó là mặt hàng cà phê với tổng lượng XK đạt 165 nghìn tấn, giảm 24,7% về lượng và 29% về giá trị.
Không mấy khả quan còn có các mặt hàng khác như tiêu, chè, hạt điều. Đối với tiêu, mặc dù dự báo vẫn sẽ giữ vững vị trí đứng đầu thế giới về sản lượng cũng như XK nhưng tổng giá trị XK trong tháng 1 chỉ đạt 63 triệu USD, giảm 21,4% về lượng và 20,3% giá trị. XK chè với giá trị đạt 17 triệu USD cũng giảm 15,9% về lượng và 11,3% về giá trị. Với mặt hàng điều kim ngạch XK có giảm nhưng ở mức nhẹ hơn - giảm 3,2% về lượng và 1,3% về giá trị.
Trái ngược hẳn với tình trạng giảm sút trên, trong tháng 1, riêng mặt hàng gạo có kim ngạch XK tăng. Cụ thể, khối lượng gạo XK tháng 1 ước đạt 517 nghìn tấn với trị giá 243 triệu USD, tăng 16,4% về lượng và 19,5% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc tiếp tục là thị trường XK gạo lớn nhất của Việt Nam với 31,17% thị phần. Khối lượng gạo XK sang thị trường này trong năm 2013 tăng 3,2% về lượng và 0,38% về giá trị. Trong khi đó nhiều thị trường lớn khác lại sụt giảm cả về lượng và giá trị như Malaysia giảm 39,06% về lượng và 42,59% về giá trị; Philippines giảm 54,64% về lượng và 52,57% về giá trị,... Đáng lưu ý là, giá XK gạo bình quân năm 2013 chỉ đạt 435 USD/tấn, giảm 5% so với năm 2012. Trong khi đó, giá XK gạo đầu năm 2014 lại có xu hướng giảm so với đầu năm 2013.
Nhìn nhận về tình hình XK nông sản trên, chuyên gia nông nghiệp Võ Tòng Xuân cho rằng: Mặc dù các con số đều thể hiện sự giảm sút, song cũng chưa có gì đáng lo ngại bởi kết quả 1 tháng chưa thể hiện điều gì nhiều. Thông thường, trong tháng đầu năm, lượng XK vẫn có xu hướng giảm hơn và sẽ nhích dần lên ở những tháng sau đó. Nguyên nhân thường thấy là do ảnh hưởng của 2 kỳ nghỉ Tết liên tiếp tại Việt Nam cũng như nghỉ Giáng sinh và nghỉ tết Dương lịch tại các thị trường NK. Lịch nghỉ kéo dài dẫn tới lượng nông sản XK giảm mạnh, kéo kim ngạch XK của các mặt hàng giảm so với cùng kỳ năm trước.
Chuyên gia Võ Tòng Xuân đánh giá, 2014 sẽ là một năm nhiều khó khăn đối với các mặt hàng nông sản XK khi các thị trường NK có nhiều biến động và Việt Nam ngày càng hội nhập, tham gia sâu hơn vào sân chơi kinh tế thế giới. Do đó, các DN XK cần nắm bắt thị trường kịp thời và điều chỉnh hợp lý để đứng vững trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Riêng đối với mặt hàng chủ lực truyền thống của Việt Nam là gạo, ông Phạm Văn Bảy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo, năm 2014 tình hình XK, tiêu thụ lúa gạo sẽ khó khăn hơn. Giá XK cũng có xu hướng sụt giảm do nguồn cung của thế giới đang ở mức cao. Các quốc gia XK gạo lớn nhất như Ấn Độ, Thái Lan vẫn còn lượng tồn kho lớn. Bên cạnh đó, những nhà NK lớn của Việt Nam như Philippines, Indonesia, Malaysia đang dần chủ động vào lương thực, giảm đi nhiều sự lệ thuộc vào NK. Mới đây, Ban chấp hành VFA cũng đã thống nhất quyết định điều chỉnh giá sàn XK gạo cấp thấp xuống còn 265 USD/tấn (FOB), thay cho mức giá trước đây là 275 USD/tấn.
Theo Báo Hải Quan