menu search
Đóng menu
Đóng

Ba kịch bản cho xuất khẩu hàng nông sản

11:40 25/05/2009
Do suy thoái toàn cầu, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm đơn hàng và ký các hợp đồng xuất khẩu nông sản. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra 3 kịch bản cho hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam.
Theo đó, với cả 3 kịch bản (kinh tế dần phục hồi, kết thúc khủng hoảng vào cuối năm 2009 và khủng hoảng tiếp tục lún sâu) đều dẫn tới hệ quả xuất khẩu nông sản Việt Nam giảm từ 13 – 15,3 tỷ USD. Như vậy dù ở kịch bản nào, sản xuất và xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam đều gặp khó khăn trong thời gian tới. 
Giá trị xuất khẩu hàng nông sản giảm được cho là do giá các mặt hàng nông sản trên thế giới đang có xu hướng đi xuống. So với quý III/2008, giá nông sản thế giới đầu năm 2009 đã giảm đột biến, giá cao su giảm mạnh tới 50%, cà phê giảm 32%, kế đó là giá lúa mỳ giảm 30%, ca cao 29%, bông 27%, đường 15%... 
Theo phân tích của TS Ngô Thị Tuyết Mai (ĐH Kinh tế Quốc dân), nguyên nhân chủ yếu đẩy hàng nông sản mất giá là do khi khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra, kim ngạch xuất khẩu giảm sút nên nhiều quỹ đầu tư rút vốn khỏi hoạt động đầu tư nông sản, cộng với việc nhiều quốc gia tăng trợ cấp nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực khiến giá nông sản giảm. Mặt khác, nhiều thị trường nhập khẩu chính như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản… đã cắt giảm chi tiêu, dẫn đến giá nông sản xuống thấp.    

Theo tính toán trong báo cáo “Biến động và triển vọng giá nông sản trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu” của Trung tâm Thông tin phát triển Nông nghiệp nông thôn, nhu cầu nhập khẩu cà phê của Hoa Kỳ giảm từ 1-2%, hồ tiêu giảm 0,2-0,35%; đối với Đức, cà phê có thể giảm 1,8%; ở Nhật, cà phê giảm từ 0,6-1.3%... Những biến động của giá cả nông sản thế giới đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức cạnh tranh của hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam. 
Hơn nữa, do hàng nông sản của chúng ta chủ yếu xuất ở dạng thô, sơ chế nên phần giá trị gia tăng thấp và dễ gặp rủi ro khi thị trường thế giới biến động. Các nông sản như gạo, cà phê, hạt tiêu… tuy đứng đầu hoặc trong nhóm đứng đầu thế giới nhưng chưa có vai trò chi phối, điều tiết giá cả quốc tế, thường bị bán thấp hơn sản phẩm cùng loại của các đối thủ cạnh tranh.

Do đó, vấn đề mấu chốt để hạn chế sự thua thiệt về giá là cần chú trọng hơn nữa việc nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản, bắt đầu từ khâu chọn giống, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến và dự trữ… Đồng thời chú trọng công tác thú y, bảo vệ thực vật, quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, đào tạo nhân lực. Đây là các biện pháp hỗ trợ nông nghiệp trong nước theo mô hình “hộp xanh” có tác dụng khuyến khích xuất khẩu hàng nông sản, nhưng lại không vi phạm cam kết WTO.
Thua thiệt vì tỷ giá
Xuất khẩu nông sản suy giảm do cung lớn hơn cầu là nguyên nhân dễ thấy, tuy nhiên theo TS Phạm Đỗ Chí – Phó Giám đốc điều hành VinaCapital còn có một nguyên nhân sâu xa từ nội tại nền kinh tế, do đa số các nước xuất khẩu nông sản trong đó có Việt Nam đều thu về bằng ngoại tệ USD nên việc giảm giá nông sản tính theo USD đã ảnh hưởng xấu đến nguồn thu từ xuất khẩu. 
Tuy nhiên có một khía cạnh khác của vấn đề tỷ giá ít được nhắc tới đó là tỷ giá của đồng tiền các nước này so với USD. Nếu đồng nội tệ giảm so với đồng USD sẽ thúc đẩy xuất khẩu và ngược lại. Tất nhiên, việc điều chỉnh tỷ giá còn phụ thuộc vào các cán cân vĩ mô khác chứ không thể phá giá tùy tiện để thúc đẩy xuất khẩu.
Số liệu cho thấy các nước xuất khẩu nông sản lớn trên thị trường thế giới cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam ở các mặt hàng nông sản mũi nhọn như gạo, cà phê, cao su, hồ tiêu, điều như Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ, Braxin, Colombia… đều giảm giá mạnh đồng tiền so với đồng USD từ 13-33%. Trong khi đó, con số này với Việt Nam chỉ ở mức 5%. Như vậy, sự giảm giá đồng tiền đã vô hình chung giúp các nước này hạn chế thiệt hại do nông sản thế giới mất giá.Ví dụ với Thái Lan, ngay cả khi hàng nông sản xuất khẩu giảm giá đến 17% thì khi quy đổi ra đồng Baht vẫn tương đương như mức trước đây. Dễ hiểu vì sao hàng nông sản của chúng ta gặp bất lợi về cạnh tranh giá so với Thái Lan.
Cái mà doanh nghiệp và người nông dân cần là một chính sách tiền tệ ổn định để có phương án kinh doanh vững vàng trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Nguồn:Tin kinh tế hàng ngày