menu search
Đóng menu
Đóng

Báo động gian lận C/O

11:39 28/11/2008
Theo đánh giá của VCCI, hiện nay tại Việt Nam đang có nhiều hình thức gian lận thương mại qua C/O và số lượng ngày một gia tăng, trong đó phổ biến nhất là hình thức làm giả trong nước, thậm chí được làm giả từ ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Để giảm thiểu các vụ làm giả C/O, thời gian qua VCCI đã có nhiều biện pháp như phối hợp với các bộ, ngành; thường xuyên nhắc nhở các tổ cấp C/O tăng cường việc kiểm tra chặt chẽ trước khi cấp cho các sản phẩm nhạy cảm, cấp theo địa bàn... đặc biệt là việc truyền số liệu hàng ngày cho Hải quan Czech, Slovakia, Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ, văn phòng kinh tế văn hóa Đài Bắc...

Theo Phó Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) hiện nay mặt hàng được làm giả C/O nhiều nhất là hàng dệt may XK sang các nước EU, Hoa Kỳ; hàng nông sản XK sang Đài Loan; một số sản phẩm khác như mật ong, thủy sản, cà phê, vòng khuyên kim loại, bóng đèn tiết kiệm năng lượng... Đa số các gian lận này được làm giả trong nước dưới các hình thức trước khi cấp C/O, cung cấp bằng chứng sai (chứng từ giả) hoặc sửa chữa chứng từ, hóa đơn, bảng kê...

Việc phát hiện C/O giả cũng được cán bộ cấp C/O phát hiện trong hoặc sau khi cấp C/O với các hình thức hàng hóa không đáp ứng tiêu chuẩn hoặc DN thay thế hoặc bổ sung chứng từ đã sửa chữa hoặc quay vòng sử dụng  nhiều lần.

Đại diện cho Cục điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan cũng cho biết, với mục đích tránh thuế chống bán phá giá, quota, hưởng ưu đãi thuế dành cho Việt Nam... các DN thường nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam rồi tái xuất sang nước thứ ba. C/O được làm giả ở Việt Nam hoặc chính nước XK, sử dụng photo màu bản in để làm giả giấy chứng nhận XK. Thậm chí có hình thức trộn lẫn sản phẩm có xuất xứ Việt Nam và sản phẩm có xuất xứ từ nước ngoài, thay đổi bao bì, nhãn mác...

Trên thế giới các nước đều xử lý rất nghiêm các trường hợp làm giả C/O. Ví dụ Hải quan Hoa Kỳ khi phát hiện ra những trường hợp gian lận thương mại trong chuyển tải, DN Việt Nam sẽ bị đưa vào danh sách "đen" các nhà chuyển tải bất hợp pháp, danh sách sẽ được cập nhật thường xuyên và thông báo vào tháng 3 và tháng 9 hằng năm. Ngoài ra, Hải quan Hoa Kỳ cũng sẽ gửi thông điệp cảnh báo đến nhà sản xuất, gửi về cơ quan có thẩm quyền Việt Nam, thậm chí Hoa Kỳ sẽ ngừng vận chuyển bằng tàu thủy và từ chối cho phép tàu đi. Các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ sẽ tra cứu trong danh sách này trước khi ký kết hợp đồng, làm ăn với khách hàng các nước.

Lưu ý các DN, vấn đề C/O liên quan tới chính sách thuế, chính sách thương mại của một quốc gia và của quốc gia đó đối với quốc gia khác, do vậy DN cần tuân thủ để bảo vệ lợi ích lâu dài của DN, tránh tình trạng bị điều trần, áp dựng các biện pháp chống bán phá giá. Các hình thức gian lận C/O có thể do đối tác nước ngoài lợi dụng DN Việt Nam để kinh doanh với nước thứ ba, có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh với các quốc gia khác tại thị trường Việt Nam, do vậy DN cần thận trọng trong đàm phán về điều khoản C/O để tránh phiền phức liên quan.

Theo VCCI để có thể hạn chế được gian lận thương mại qua C/O rất cần sự hợp tác và nhận thức đúng đắn từ phía DN. Trên thực tế nhiều DN chưa hợp tác tốt trong việc cung cấp chứng từ, bằng chứng để chứng minh xuất xứ của sản phẩm, ngoài ra việc chưa có chế tài xử phạt nghiêm minh  nên chưa có tính răn đe DN vi phạm, mặc dù đã có nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thương mại số 06/2008/NĐ - CP nhưng theo các DN chế tài này còn chưa đủ sức răn đe, vì chỉ bị phạt tiền từ 5 triệu đến 20 triệu. Tuy nhiên trên thực tế quy định nay đến nay chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện.

Nguồn:Diễn đàn doanh nghiệp