menu search
Đóng menu
Đóng

Cơ hội cho xuất khẩu gạo Việt Nam

09:54 30/11/2009
Giá gạo thế giới tăng nhanh trong thời gian gần đây và dự báo xu hướng tăng còn tiếp tục do nhu cầu nhập khẩu của một số nước tăng mạnh. Đây được xem là cơ hội lớn cho ngành xuất khẩu gạo Việt Nam.

             Giá  gạo thế giới trong thời gian gần đây liên tục tăng nhờ thông tin về Philippines liên tiếp mở thầu mới. Cụ thể, sau khi tổ chức buổi thầu ngày 4-11 với số lượng 250.000 tấn gạo, Philippines đã công bố ba buổi thầu trong tháng 12-2009. Số lượng mua mỗi đợt đấu thầu là 600.000 tấn.

      Các  động thái nhập khẩu của các nước Philippines và  Ấn Độ sẽ có ảnh hưởng lớn đến giá gạo thế giới. Dự báo, giá gạo thế giới sẽ tiếp tục tăng nhờ nhu cầu nhập khẩu của hai nước này. Tuy nhiên, giá gạo trên thị trường thế giới sẽ không tăng quá mạnh do Philippines và Ấn Độ đều chủ trương tìm cách nhập khẩu gạo với mức giá hợp lý, nếu như giá quá cao, họ có thể bỏ thầu.

      Riêng với Thái Lan, nếu Thái Lan đẩy mạnh xuất khẩu gạo vào lúc này, giá gạo sẽ giữ ổn định ở  mức cao. Việc Thái Lan quyết định mở kho dự trữ sẽ gây sức ép làm giảm giá gạo, tuy nhiên, nhu cầu cao từ Philippines và Ấn Độ sẽ nâng đỡ giá gạo Thái Lan.

      Như  vậy tính đến thời điểm này, lượng gạo Philippines nhập khẩu cho năm 2010 trong năm nay có thể lên tới 2,05 triệu tấn. Đây là một số lượng nhập khẩu kỷ lục trong một khoảng thời gian ngắn như vậy.

      Philippines cũng cho biết nhập khẩu gạo của nước này sẽ đạt ít nhất là 2,35 triệu tấn vào năm tới do ảnh hưởng nặng nề từ các đợt mưa bão. Và trong tình huống xấu nhất, sản xuất gạo có thể tiếp tục bị ảnh hưởng bởi thời tiết thất thường cùng hiện tượng El Nino, nước này có thể nhập đến 3 triệu tấn gạo.

      Ngoài Philippines, Ấn Độ cũng sẽ trở thành nước nhập khẩu gạo lần đầu tiên trong hai thập kỷ  qua và số lượng gạo nhập khẩu có thể  lên tới 3 triệu tấn. Bộ trưởng Bộ Công thương Ấn Độ Anand Sharma, ngày 17-11-2009, đã xác nhận về kế hoạch nhập khẩu gạo để bù vào sự thiếu hụt sản xuất do ảnh hưởng bởi hạn hán và lụt lội vừa qua. Như vậy, các động thái nhập khẩu của Philippines và Ấn Độ sẽ có ảnh hưởng lớn đến giá gạo thế giới. Giá gạo thế giới dự báo tiếp tục tăng nhờ nhu cầu từ hai nước này.

      Giá  gạo thế giới đang trong xu hướng tăng, nhưng dự  báo không tăng quá mạnh do nguồn cung dồi dào từ  Thái Lan và Việt Nam. Thêm vào đó Philippines và  Ấn Độ đều chủ trương tìm cách nhập khẩu gạo với mức giá hợp lý, nếu như giá quá cao họ có thể bỏ thầu.

      Hiện nay dự trữ gạo của Chính phủ Thái Lan đang ở mức kỷ lục, tăng hơn ba lần so với mức 2 triệu tấn của năm ngoái. Và nước này đang có  kế hoạch bán ra một phần trong lượng gạo dự trữ 6-7 triệu tấn. Các thương nhân Thái Lan cho rằng đây là thời điểm thích hợp để chính phủ giảm lượng tồn kho do nhu cầu cao từ Philippines và Ấn Độ sẽ giữ cho gạo Thái Lan không bị giảm giá mạnh.

      Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, tồn kho gạo thế giới trong năm 2009 ở mức 85,9 triệu tấn, giảm 5,29% so với 2008 nhưng tăng mạnh so với mức dự trữ của năm 2006 và 2007 (tăng 6,84% và 14,38%). Mức dự trữ này có thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ gạo của thế giới trong khoảng 71 ngày.

      Như vậy nhu cầu cần nhập thêm gạo của Philippines và Ấn Độ khá rõ ràng. Trong bối cảnh giá gạo Việt Nam vẫn đang còn thấp hơn so với giá gạo Thái Lan, đây sẽ là một lợi thế đối với gạo Việt Nam trong việc giành các hợp đồng với Philippines và Ấn Độ. Thêm vào đó, nhờ áp lực giảm giá gạo Thái Lan từ nguồn dự trữ kỷ lục của chính phủ nước này, giá gạo Việt Nam sẽ có cơ hội rút ngắn khoảng cách với giá gạo Thái Lan, xuống còn 10-15 USD/tấn.

      Tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý đối với Việt Nam là phải thúc đẩy quan hệ với các nước Ấn Độ và Philippines để tăng khả năng giành hợp đồng. Đặc biệt, hiện nay Ấn Độ đang rất chú trọng đến vấn đề giá cả và Thái Lan, nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đã bắt đầu tìm cách xuất khẩu gạo cho Ấn Độ qua các hợp đồng chính phủ.

      Tình hình sản xuất và thị trường trong nước

      Ngày 23-11 giá gạo lứt được các doanh nghiệp xuất khẩu thu mua ở mức 7.500 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg so với cuối tuần trước. Trong khi đó gạo xuất khẩu  đang chào giá gạo 5% tấm xấp xỉ 500 USD/tấn.Tính đến ngày 20-11, xuất khẩu gạo của VN đạt trên 5,57 triệu tấn, trị giá hơn 2,2 tỉ USD.

      Theo giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang cho biết, khoảng một tuần nữa hầu hết các tỉnh phía Nam sẽ thu hoạch vụ thu đông và vụ mùa. Tại An Giang, vụ thu đông năm nay xuống giống 92.000ha, nhiều nhất trong các tỉnh ĐBSCL. Dự báo nông dân sẽ trúng mùa lớn với năng suất ước tính lên tới 5,5 tấn/ha. Như vậy đầu tháng 12-2009 chỉ riêng An Giang sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 500.000 tấn lúa.

      Hiện giá lúa tại tỉnh này là 5.600 đồng/kg, nhiều khả năng sẽ đạt mức 6.000 đồng/kg khi vào vụ thu hoạch. Đây là mức giá cao nhất từ trước tới nay.

      Tại Tiền Giang, hơn 40.000ha lúa thu đông cũng bắt đầu chín, đầu tháng 12-2009 sẽ thu hoạch rộ. Sở NN&PTNT ước tính năng suất thấp nhất cũng đạt 4 tấn/ha, nên sẽ cung cấp cho thị trường 160.000 tấn lúa chất lượng cao. Nhiều tỉnh khác cũng sẽ thu hoạch rộ vào đầu tháng tới do ba tháng trước xuống giống đồng loạt để “né” rầy. Nếu trung bình mỗi tỉnh thu hoạch khoảng 150.000 tấn lúa thì chắc chắn sẽ đủ cung cấp cho các doanh nghiệp thu mua dự trữ xuất khẩu.

      Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA) cho hay, vụ lúa thu đông, mùa và đông xuân tới chắc chắn sẽ bán được với giá rất tốt theo mặt bằng giá hiện nay. Trước tình hình nhu cầu gạo thế giới tăng cao, cả VFA và Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đều khẳng định Viêt Nam sẽ không lo thiếu gạo trong cả năm tới.

      Hiện lượng gạo tồn kho của Việt Nam khoảng 1,7-1,8 triệu tấn. Ngoài ra từ nay đến tháng 3-2010 ĐBSCL liên tục thu hoạch các vụ lúa thu đông, vụ mùa, vụ đông xuân sớm và vụ đông xuân chính với tổng lượng lúa lên tới trên 10 triệu tấn.

      Cụ  thể, vụ thu đông sẽ thu hoạch xong trong tháng 11 với sản lượng khoảng 2 triệu tấn lúa. Tiếp đến, vụ lúa mùa sẽ thu hoạch trong và sau Tết Nguyên  đán cung cấp thêm khoảng 900.000 tấn. Vụ đông xuân sớm cho thu hoạch vào tháng giêng năm 2010 với trên 1,4 triệu tấn lúa. Và đến tháng 3-2010, ĐBSCL sẽ thu hoạch vụ đông xuân chính với diện tích 1,3 triệu ha, dự kiến vụ lúa này có sản lượng gần 8 triệu tấn. 

 

 

Nguồn:Vinanet