Nhu cầu tiêu thụ giảm trong khi sản lượng và lượng đường tồn kho liên tục tăng cao đã khiến giá đường xuất xưởng giảm gần 10% so với thời điểm giáp tết. Trước áp lực lãi suất và tồn kho lớn, Hiệp hội mía đường Việt Nam đã đề nghị Chính phủ cấp hạn ngạch xuất khẩu 250.000 tấn đường trong năm nay.
Tồn kho lớn
Ông Đỗ Thành Liêm, Phó chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam cho hay, do suy thoái kinh tế nên sức tiêu thụ đường trong năm nay dự báo chỉ đạt khoảng 1,3 triệu tấn, trong khi đó, nguồn cung đường lại liên tục tăng cao.
Theo hiệp hội, nguồn cung đường niên vụ 2011-2012 ước đạt 1,6 triệu tấn, trong đó có khoảng 100.000 tấn tồn kho do vụ trước chuyển sang. Mặt khác, lượng đường nhập lậu từ Thái Lan ngày càng tăng, khoảng 200.000-300.000 tấn mỗi năm.
Hiện tại, tuy mới vào vụ chính nhưng lượng đường tồn kho tại các nhà máy đã vượt 200.000 tấn, trong khi khác với mọi năm, các công ty thương mại năm nay chỉ thu mua đường theo nhu cầu tiêu thụ trước mắt. Điều này khiến các nhà máy đường phải tự lực tồn trữ gây quá tải về kho chứa và gánh nặng về lãi suất ngân hàng.
Giám đốc một công ty sản xuất đường tính toán việc tồn kho 1 kg đường mỗi tháng sẽ phát sinh số lãi vay 200 đồng nên áp lực bán tháo đường là rất lớn. Tại thời điểm giáp tết, giá đường bán buôn gồm thuế giá trị gia tăng (VAT) tại nhà máy có giá trên 18.000 đồng/kg nhưng đến nay chỉ còn trên dưới 16.300 đồng/kg, giảm gần 10%.
Chuyên gia ngành mía đường Hà Hữu Phái cho hay, với giá bán đường hiện nay thì các nhà máy mía đường ở các tỉnh phía Bắc còn có lãi, còn các doanh nghiệp ở phía Nam sẽ gặp nhiều khó khăn, do giá mía nguyên liệu ở các tỉnh phía Bắc được thu mua phổ biến từ 900.000 - 1.000.000 đồng/tấn, trong khi tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, giá mía nguyên liệu thường ở mức 1 - 1,2 triệu đồng/tấn. Hơn nữa, trữ lượng đường của cây mía tại miền Bắc cũng cao hơn so với các tỉnh miền Nam.
Đề nghị giải pháp
Hiệp hội mía đường dự báo nguồn cung niên vụ 2011-2012 sẽ thừa khoảng 300.000 tấn (chưa bao gồm lượng đường nhập lậu), trong đó sản lượng trong lưu thông là 50.000 tấn.
Trước tình hình khó khăn hiện nay, hiệp hội đã đề nghị được phép xuất khẩu 250.000 tấn đường chính ngạch và tiểu ngạch.
Ngoài ra, hiệp hội cũng đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ các nhà máy đường về vốn và lãi suất để các nhà máy thực hiện việc tồn trữ, bình ổn thị trường đường với số lượng 10-20% sản lượng đường của nhà máy trong thời gian 6 tháng, từ tháng 2 đến tháng 8-2012. Đây là thời gian không sản xuất nhưng vẫn phải dự trữ đường để cung ứng ra thị trường.
Phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay bộ đã có công văn số 237/BNN-CB ngày 8-2 gửi Bộ Công Thương và đang chờ phê duyệt.
Mặc dù giá đường xuất kho liên tục giảm trong thời gian qua, nhưng theo khảo sát tại các siêu thị và các cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội, giá bán lẻ 1 kg đường tinh luyện dao động khoảng 22.000-23.000 đồng/kg, tức không thay đổi trong thời gian qua.
Nguồn:Thời báo kinh tế Sài Gòn