menu search
Đóng menu
Đóng

Doanh nghiệp cần biết: Tìm hiểu thị trường cà phê và chè Đức

16:04 13/10/2009
Trong những năm qua, Việt Nam đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu cà phê và chè sau Brazil. Trong số các thị trường nhập khẩu, Đức là một đối tác nhập khẩu cà phê và chè lớn của Việt Nam. Theo số liệu của Tổ chức Thương mại thế giới, trong các năm từ 2004 đến 2007, Đức là đối tác nhập khẩu cà phê và chè hàng đầu của Việt Nam. Bài viết này sẽ giúp bạn tìm hiểu về tình hình tiêu thụ và sản xuất cà phê và chè tại Đức, xu hướng phát triển của thị trường cũng như cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Đối với mặt hàng chè và cà phê, doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm kiếm nhiều cơ hội kinh doanh  tại thị trường Đức do:
  • Đức là nước tiêu thụ cà phê lớn nhất EU, chiếm 21% trong tổng mức tiêu thụ cà phê của toàn EU. Mức tiêu thụ cà phê bình quân đầu người của Đức cao hơn mức trung bình của EU.
  • Mặc dù mức tiêu thụ chè theo đầu người của Đức vẫn còn thấp, Đức vẫn là thị trường tiêu thụ chè lớn thứ ba EU. Tuy nhiên, mặt hàng trà thảo dược đang được tiêu dùng ngày càng rộng rãi và đã chiếm một thị phần lớn trên thị trường.
  • Hơn nữa, Đức là thị trường kinh doanh cà phê lớn nhất.
  • Các nước đang phát triển đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp cà phê và chè trên thị trường thế giới.
Tình hình tiêu thụ cà phê và chè trên thị trường Đức
Người tiêu dùng trên thị trường Đức đặc biệt quan tâm đến các mặt hàng thực phẩm hữu cơ. Mặc dù vẫn còn nhỏ so với mặt hàng truyền thống, nhưng thị trường này đang phát triển rất nhanh. Để tiếp cận thị trường dễ dàng hơn, nhà xuất khẩu sản phẩm hữu cơ ở các nước đang phát triển cần có các chứng nhận cho sản phẩm của mình. Theo Viện nghiên cứu nông sản hữu cơ (FiBL), Đức là thị trường tiêu thụ thực phẩm hữu cơ lớn nhất EU và vẫn đang tiếp tục tăng trưởng. Năm 2006, mỗi người Đức tiêu thụ khoảng 56 euro cho các sản phẩm hữu cơ và sản phẩm hữu cơ chiếm 2,7% thị phần. Năm 2006, doanh thu của thị trường sản phẩm hữu cơ là 4,6 tỷ euro trong khi ở Anh là 2,8 tỷ euro (Theo FiBL, 2008).
So với năm 2006, năm 2007, doanh số bán lẻ của các sản phẩm có chứng nhận thương mại công bằng tăng 29%, đạt 142 triệu euro.
Tiêu thụ cà phê
Theo Tổ chức cà phê quốc tế (ICO), Đức là nước tiêu thụ cà phê lớn nhất EU, với thị phần 21% (Theo ICO, 2008). Tổng lượng tiêu dùng cà phê mỗi năm không đều, tuy nhiên từ năm 2003 đến năm 2007 Đức giảm tiêu thụ cà phê trung bình mỗi năm khoảng 2,4%, đến năm 2007, Đức tiêu thụ khoảng 518 nghìn tấn. Tiêu thụ cà phê theo đầu người của Đức giảm đáng kể, còn 6,3 kg/người vào năm 2007.
Mặt hàng cà phê hữu cơ chiếm từ 2% đến 3% thị phần (Theo Hiệp hội cà phê Đức, Deutscher Kaffeeverband, 2007). Từ năm 2003 đến năm 2007, tiêu thụ cà phê thương mại công bằng tăng 11% mỗi năm, đến năm 2007 đạt 4,4 nghìn tấn (Theo Tổ chức Thương mại Quốc tế ITC, 2009).
Theo Euromonitor, một công ty nghiên cứu thị trường của châu Âu, trong các năm 2006 - 2007, chuỗi các cửa hàng cà phê tiếp tục được mở rộng. Ngoài ra, người Đức cũng có thói quen uống các loại cà phê như espresso và cappuccino tại nhà.
Tiêu thụ chè
Theo Hiệp hội chè quốc tế (ITC), năm 2007, Đức là nước tiêu thụ chè lớn thứ ba EU, sau Anh và Ba Lan với thị phần là 9,9%. Từ năm 2003 đến năm 2007, tổng lượng tiêu thụ chè của Đức giảm 2,6%, còn 24 nghìn tấn (Theo ITC, 2008). Tiêu thụ chè bình quân đầu người ở Đức khá ổn định, ở mức khoảng 0,26kg/người (Theo ITC, 2007).
Người Đức có xu hướng chuyển từ dùng các loại trà truyền thống sang trà hoa quả và thảo dược. Trà thảo dược có tác dụng tốt cho sức khỏe. Theo các nguồn tin của ngành, tiêu dùng sản phẩm này tăng rất nhanh trên thị trường Đức. Sản phẩm trà này có nhiều hương vị khác nhau và có chứa các chất chiết xuất từ thảo dược như cúc La Mã (chamomile).
Theo Hiệp hội chè Đức, Deutscher Teeverband, các cửa hàng bán lẻ thực phẩm là nguồn cung cấp chè quan trọng nhất cho người tiêu dùng, chiếm gần 57% doanh số bán sản phẩm này. Các cửa hàng chuyên bán trà đang ngày càng chiếm phần quan trọng và nắm giữ thị phần khoảng 19,7%, cao hơn các cửa hàng chiết khấu (17%). Người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến các cửa hàng bán trà do họ có nhiều sự lựa chọn hơn về hương vị. Người tiêu dùng Đức ngày càng có xu hướng coi trà như một thứ đồ uống thư giãn.
Chè xanh chiếm 23% thị phần, tuy nhiên đến năm 2007, chè đen được nhiều người ưa chuộng hơn, chiếm 77% lượng tiêu thụ chè tại Đức. Lượng tiêu thụ trà thảo dược không được tính ở đây, nhưng cũng rất quan trọng trên thị trường Đức. Người tiêu dùng đặc biệt quan tâm đến chè đen do hương vị đa dạng của loại chè này.
Trà hữu cơ tăng nhẹ, chiếm khoảng 3,9% thị phần. Thị trường trà thương mại công bằng ở Đức hiện nay khá ổn định. Từ năm 2002 đến năm 2006, tiêu thụ loại trà này tăng 1%, đến năm 2006 đạt 163 tấn, chiếm 0,5% thị phần (Theo FLO, 2007).
Xu hướng
  • Tiêu thụ mặt hàng cà phê và chè thương mại công bằng tại Đức có xu hướng tăng. Một vài nguồn thông tin cho rằng sản phẩm này có thể vượt qua các sản phẩm hữu cơ.
  • Trên thị trường cà phê Đức, tiêu thụ mặt hàng cà phê espresso tăng nhanh chóng. Các loại cà phê hòa tan cũng tăng về doanh số (Theo Hiệp hội cà phê Đức, 2007).
  • Sản phẩm cà phê (hữu cơ) có thêm gia vị (như vị bạch đậu khấu) và các hương vị phụ thêm (như vỏ cam) cũng có xu hướng tăng trên thị trường này.
Trong tất cả các loại chứng nhận cho các sản phẩm hữu cơ và thương mại công bằng, chứng nhận không có khí CO2 được người tiêu dùng Đức quan tâm. Hiện trên thị trường tiêu dùng Đức, đã có loại chứng nhận này cho mặt hàng cà phê. Đó là chứng nhận Impatto Zero (http://www.impattozero.it) của Italia.

Nguồn:Vinanet