menu search
Đóng menu
Đóng

Giá gạo trong nước tăng nhẹ trở lại

10:18 16/04/2009
Trong tuần 2 của tháng 4/2009, tại ĐBSCL giá gạo nguyên liệu và gạo xuất khẩu đồng loạt tăng 100 đ/kg so với tuần trước, cụ thể gạo nguyên liệu là 6.600 đ/kg, thành phẩm 5%: 7.400 đ/kg, thành phẩm 10%: 7.200 đ/kg, thành phẩm 25%: 6.500 đ/kg.

 Giá gạo xuất khẩu 5% tấm của nước ta vẫn không thay đổi so với tuần trước đó và đang giao dịch ở mức 450-460 USD/T (FOB), còn gạo 25% tấm vẫn vững ở mức 400 USD/T. Giá gạo xuất khẩu của Việt nam có thể tăng trong thời gian tới, đó là thời điểm các doanh nghiệp được tiếp tục ký kết các hợp đồng xuất khẩu mới (tính đến hết tháng 6). Hơn nữa, Đại sứ Nigeria tại Việt nam ông Sani Bako cho biết: Nigeria (nước nhập khẩu gạo chính của Thái Lan) sẽ nhập khẩu một lượng lớn gạo Việt Nam.

Trong khi đó, tại Thái Lan tình hình xuất khẩu gạo không mấy khả quan khi khách hàng chính là Nigeria đã ngừng đặt mua hàng vì vậy giá gạo 5% tấm tiếp tục giảm và hiện đang chào bán ở mức 520 USD/T (FOB), giảm 5 USD/T so với tuần trước đó. Trong tuần tới, Bộ trưởng thương mại Thái Lan sẽ đến Nigeria và Nam Phi để đàm phán các hợp đồng bán gạo cho các nước châu Phi. Hiện Nigeria và Nam Phi là hai thị trường nhập gạo lớn nhất của Thái Lan trong năm 2008 (Nigeria nhập 900 nghìn tấn và Nam Phi nhập từ 600 nghìn tấn).

Lý giải về việc ngừng ký kết hợp đồng xuất khẩu: Tính trong 3 tháng đầu năm các doanh nghiệp trong nước đã ký kết hợp đồng được gần 4 triệu tấn gạo. Chính vì vậy, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã có công văn gửi các doanh nghiệp đề nghị giãn thời gian xuất khẩu gạo, cụ thể là chỉ ký tiếp các hợp đồng xuất khẩu gạo có thời hạn giao hàng từ tháng 7 đến tháng 9/2009. Tuy nhiên, việc này lại khiến nhiều doanh nghiệp và nông dân hiểu lầm, cho rằng đây là yêu cầu ngừng xuất khẩu gạo đến hết tháng 6/2009 mà chỉ là điều chỉnh và giãn các hợp đồng xuất khẩu do:

Thứ nhất do khả năng cung cấp lượng gạo hàng hoá dành cho xuất khẩu 6 tháng đầu năm chỉ đạt khoảng 3,3 triệu tấn, khó có thể đáp ứng đủ lượng gạo đã ký trong các hợp đồng.

Hai là chất lượng gạo vụ hè thu thường thấp hơn so với vụ đông xuân. Vì vậy, cần thiết phải để dành một  lượng gạo trữ sang vụ sau, nhằm đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của các hợp đồng xuất khẩu. Nếu chúng ta không cân nhắc kỹ sẽ dễ dẫn đến tình trạng ùn tắc các hợp đồng xuất khẩu hoặc tranh mua tranh bán, đẩy giá lúa gạo trong nước lên cao.

Nguồn:Vinanet