Số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan cho biết, nửa đầu tháng 7, cả nước nhập siêu khoảng 200 triệu USD. Nhìn bức tranh xuất nhập khẩu của các tháng đầu năm 2014, có thể thấy đây là thời điểm con số nhập siêu giảm sâu nhất (trong 6 tháng đầu năm, xuất siêu của Việt Nam đạt gần 1,51 tỷ USD).
Điều đó cũng có nghĩa, những nỗ lực của nhà quản lý trong việc tìm ra "phương thuốc” giảm lệ thuộc cho nền kinh tế đang phát huy hiệu quả.
Bức tranh xuất nhập khẩu cải thiện rõ rệt
Cụ thể, theo con số thống kê của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 7 (từ 1 đến 15-7), kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt gần 5,82 tỷ USD, giảm 11,2% so với kỳ 2 tháng 6. Tuy nhiên, lũy kế từ đầu năm đến ngày 15-7, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt gần 76,75 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2013. Tong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong kỳ 1 tháng 7 đạt gần 6,02 tỷ USD, giảm 6,9% so với kỳ trước. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15-7 đạt 75,28 tỷ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, cũng tính kim ngạch xuất nhập khẩu của nửa đầu tháng 5 - 2014, các nhà làm công tác thống kê chỉ ra, nửa đầu tháng 5, nhập siêu của cả nước ở con số 996 triệu USD.
Những con số nói trên cho thấy, nhập siêu của Việt Nam đã giảm khá mạnh. Riêng đối với thị trường Trung Quốc, theo Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2014, giá trị xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Trung Quốc đạt 7,4 tỷ USD, tăng 20%. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc đạt 19,87 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng nếu chỉ tính riêng tháng 6 năm 2014, giá trị xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Trung Quốc đạt 1,2 tỷ USD, tăng 1,1%. Trong khi đó, nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc 3,47 tỷ USD. Con số này nếu so với tháng 5, có thể thấy xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Trung Quốc giảm 1,6%; chiều ngược lại Việt Nam đã giảm nhập khẩu từ Trung Quốc đến 13,5%.
Nhìn bao quát bức tranh xuất nhập khẩu của cả nước, có thể khẳng định, những nỗ lực của các nhà quản lý cũng như cộng đồng DN trong việc giảm lệ thuộc kinh tế đã và đang phát huy hiệu quả khi mà, Việt Nam đã tăng được xuất khẩu và giảm nhập khẩu một cách rõ rệt, đặc biệt là đối với thị trường Trung Quốc.
Nông sản Việt Nam đang dần làm chủ thị trường nội địa.
Cả nhà quản lý và doanh nghiệp cùng chủ động
Nói về sự lệ thuộc, có lẽ bộc lộ rõ nhất chính là ngành dệt may khi mà thời gian qua, ngành dệt may của ta đang phải nhập khẩu một số lượng lớn nguyên liệu từ Trung Quốc. Chính bởi vậy, dù kim ngạch xuất khẩu của ngành này thường ở top đầu trong nhóm "tỷ đô”, song lợi nhuận đạt được lại không cao bởi, chúng ta phải nhập đến 70% nguyên phụ liệu. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, các DN ngành dệt may, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đã nỗ lực trong việc tìm kiếm thị trường mới cũng như nỗ lực chủ động nguồn nguyên liệu để đạt được hai mục đích: Vừa tránh lệ thuộc vừa tăng được giá trị xuất khẩu.
Với mục tiêu đó, Vitas đã kêu gọi DN trong ngành chủ động tìm kiếm các thị trường tiềm năng để nhập khẩu nguyên phụ liệu thay vì chỉ dựa vào một thị trường duy nhất là Trung Quốc như trước đây. Theo đó, DN có thể nhập xơ từ Thái Lan, Hàn Quốc, Indonesia, nhập sợi từ Ấn Độ, nhập vải từ Hàn Quốc, Malaysia… Ngoài việc tìm kiếm thị trường mới để tránh lệ thuộc vào một thị trường, các DN trong ngành cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng đó là phải tăng tỷ lệ nội địa hóa. Bởi vậy, để chủ động nguồn cung nguyên phụ liệu, toàn ngành dệt may đã và đang tập trung khá mạnh vào lĩnh vực sợi, dệt, nhuộm… từng bước giảm nhập khẩu. Được biết, Tập đoàn Dệt May Việt Nam đang có kế hoạch đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng triển khai các dự án nguyên liệu mới và nguyên liệu nguồn trồng bông, trồng cây bạch đàn để làm bột gỗ DWP dùng sản xuất xơ viscose, len lông cừu từ nay cho đến năm 2020… Tất cả đều với mục tiêu duy nhất: Không phải trông chờ từ nguồn cung nguyên phụ liệu bên ngoài.
Tương tự, các ngành khác như thủy sản, da giày, nông sản cũng đang nỗ lực tìm kiếm thị trường mới, chủ động hơn trong nguồn nguyên liệu. Cụ thể, nhiều DN ngành cá tra cho biết, việc phải phụ thuộc nguồn thức ăn chăn nuôi của nước ngoài (trong đó có Trung Quốc) đang làm giảm chất lượng con cá tra, đây là nguy cơ khiến cho cá tra xuất khẩu sang thị trường thế giới gặp nhiều rào cản. Chính bởi vậy, các DN trong ngành đã rất nỗ lực xây dựng nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi để chủ động nguồn cung, không phụ thuộc nguyên liệu thức ăn chăn nuôi từ bên ngoài.
Đối với ngành rau quả, xu hướng tìm kiếm thị trường mới cũng đã được khởi xướng một thời gian khá dài. Theo ông Đinh Văn Hương, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, từ năm 2013 đến nay, với vai trò là đầu mối xúc tiến thương mại quốc gia trong lĩnh vực rau quả, Hiệp hội đã tăng cường đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại thông qua việc tham gia các Hội chợ quốc tế về rau quả, đặc biệt là Hội chợ rau quả thường niên tại Hồng Kông, qua đó đã thiết lập và mở rộng được hàng loạt các thị trường với nguồn cung ổn định. Điều này đã giúp các DN chủ động tham gia tích cực các hội chợ quốc tế, từ đó khai thông thị trường xuất khẩu rau quả. Ông Hương cũng cho rằng, việc làm ăn với nước ngoài thường xuyên bị "lật kèo”, đặc biệt trong vấn đề xuất khẩu qua đường tiểu ngạch (với Trung Quốc) đã khiến các DN trong Hiệp hội cảnh giác cao độ. Bởi thế, họ đã tích cực hơn trong việc tìm kiếm thị trường mới. Theo ông Hương, hiện nay nhiều thị trường mới như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… rất quan tâm đến nguồn cung rau quả của Việt Nam.
Không chỉ các DN đã và đang không ngừng tìm kiếm thị trường mới, chủ động nguồn nguyên phụ liệu để tránh phụ thuộc, các nhà quản lý cũng đang chung sức cùng cộng đồng DN thực hiện mục tiêu này. Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, với tình hình hiện nay, Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện được mục tiêu "không lệ thuộc” bởi chúng ta đang có quan hệ giao thương với hàng trăm nước, đã có các hiệp định thương mại tự do với nhiều nước và vẫn đang tiếp tục đàm phán ký kết. Ông Hải cho biết, Bộ Công thương vẫn đang tích cực đàm phán Hiệp định với Liên minh thuế quan Nga – Kazakhstan - Belarus, Hiệp định với EU, Hiệp định với Hàn Quốc, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình dương (TPP)... Đây sẽ là những điều kiện thuận lợi để Việt Nam mở rộng thêm đối tác, tăng cường xuất khẩu tới nhiều thị trường. "Không phải hiện nay vì tình hình biến động mà Chính phủ, các bộ, ngành…, trong đó có Bộ Công thương mới nghĩ đến việc chúng ta phải đa đạng hóa các thị trường cả về xuất khẩu và nhập khẩu. Điều này đã được chúng ta xúc tiến từ lâu” - ông Hải khẳng định.
Ngoài ra, theo ông Hải, các DN cũng cần chú trọng với thị trường nội địa bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm để phù hợp với thị hiếu của người Việt Nam. 90 triệu dân Việt Nam - đây là thị trường rộng lớn mà các DN cần chú ý hướng tới. Do đó, Bộ Công thương đã và đang tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Nguồn: Daidoanket.vn
Nguồn:Tin tham khảo