menu search
Đóng menu
Đóng

Hiệp hội Da giày khuyến nghị: DN cần tìm kiếm thị trường mới trong khi EU gặp khó khăn

08:44 01/07/2008

Hiệp hội Da giày Việt Nam khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu da giày cần phải áp dụng đồng bộ các phương pháp quản lý mới nhằm tiết giảm chi phí, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường mới, coi đây như là giải pháp cần thiết để duy trì khả năng cạnh tranh trong điều kiện thị trường EU gặp khó khăn như hiện nay.
Theo Bộ Công Thương, ANCI đang có kế hoạch yêu cầu EU gia hạn thuế chống bán phá giá mới cho các loại giày da non – athletic có xuất xứ Trung Quốc và Việt Nam nhập vào khối thương mại này (sẽ hết hạn vào ngày 7/10/2008).
Chủ tịch ANCI cho biết, ANCI (gồm 850 công ty thành viên) muốn yêu cầu đánh thuế thêm 5 năm nữa. Theo kế hoạch, đến ngày 7/7/2008, các nhà sản xuất giày phải yêu cầu EU gia hạn mức thuế này và EU có 12-15 tháng kể từ ngày hết hạn (7/10/2008) để thực hiện cuộc điều tra chống bán phá giá.
Năm 2006, sau một “cuộc chiến” dài hơi, ANCI và các tập đoàn thương mại tại 13 nước châu Âu đã thuyết phục EU áp đặt thuế nhập khẩu giày da. Mặc dù phải chịu thuế chống bán phá giá, nhưng xuất khẩu giày dép của Việt Nam vào thị trường EU năm 2007 vẫn có mức tăng đáng kể. Theo số liệu của EC, tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang EU năm 2007 đạt 2,17 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm 2006. Chủ tịch ANCI cho biết, ANCI đang chuẩn bị tài liệu để đệ trình EC, yêu cầu gia hạn mức thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm da giày của Việt Nam và Trung Quốc. Đến thời điểm này, chưa có phản ứng nào từ các doanh nghiệp Việt Nam về tuyên bố của ANCI, bởi các doanh nghiệp xuất khẩu giày dép của Việt Nam vẫn còn đang quan tâm tới “vấn đề GSP”.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso), có thể sẽ có một số đối tác di dời đơn hàng sang nước khác để được hưởng GSP. Mặc dù theo Lefaso, số lượng đơn hàng này có thể không nhiều, song rõ ràng, quyết định của EC sẽ có ảnh hưởng nhất định tới người lao động làm việc trong ngành sản xuất giày dép xuất khẩu của Việt Nam.
Theo tính toán của Bộ Công Thương, mục tiêu xuất khẩu da giày trong năm 2008 của Việt Nam sẽ đạt 4,5 tỷ USD, tăng 12,7% so với năm 2007. Trong đó, riêng xuất khẩu vào EU tăng 7-8% (giảm so với năm 2007).
Năm 2006, trước tác động của thuế chống bán phá giá của EC, nhiều doanh nghiệp Việt Nam hy vọng sau khi kết thúc thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá vào thị trường EU (tháng 10/2008), EC sẽ xem xét lại các quyết định của mình. Tuy nhiên, trong khi EC vừa tuyên bố bãi bỏ GSP đối với giày dép xuất khẩu của Việt Nam, thì tuyên bố của ANCI đã đẩy ngành xuất khẩu giày dép của Việt Nam vào cảnh “hoạ vô đơn chí”.
Lúc này mới thấy khuyến nghị của Lefaso có ý nghĩa thiết thực: “Các doanh nghiệp trong ngành áp dụng đồng bộ các phương pháp quản lý mới nhằm tiết giảm chi phí, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường mới, coi đây như là giải pháp cần thiết để duy trì khả năng cạnh tranh trong điều kiện thị trường EU gặp khó khăn như hiện nay”.

Nguồn:Vinanet