(VINANET) - Mục tiêu xuất khẩu 8 triệu tấn gạo năm 2013 có thể khó đạt do ngày càng nhiều hợp đồng xuất khẩu bị hủy, với khối lượng hủy từ đầu năm đến nay ước tới 1 triệu tấn.
Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo trong năm nay, tương tự như năm 2012. Tuy nhiên theo thống kê của Hải quan, tính tới cuối tháng 7 lượng xuất khẩu giảm gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 4,23 triệu tấn.
Vietnam Economic Times dẫn nguồn tin từ Hiệp hội Lương thực cho biết, nguyên nhân do giá gạo thế giới giảm và Philippine – một trong những nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới – hạn chế nhập khẩu.
Số hợp đồng bị hủy gia tăng đồng nghĩa với tồn trữ lúa gạo tăng, gây áp lực thêm tới giá xuaatgs khẩu.
Những nước xuất khẩu cạnh tranh với Việt Nam như Campuchia, Myanmar và Pakistan đang được hưởng lợi từ việc khách hàng hủy bỏ hợp đồng gạo Việt Nam.
7 tháng đầu năm, doanh nghiệp Việt Nam đăng ký xuất khẩu 6,8 triệu tấn gạo. Lượng xuất thực tế lũy kế đến 15/8 đạt 4,22 triệu tấn. Tuy nhiên, khối lượng bị hủy lên đến 938.000 tấn, riêng tháng 7 là 180.000 tấn. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), đây số hợp đồng bị hủy cao nhất kể từ trước đến nay trong ngành gạo, nguyên nhân chủ yếu do phía đối tác nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc).
Đại diện một doanh nghiệp thuộc VFA cho biết phần lớn các trường hợp hủy là do các thương nhân Trung Quốc trước đây ký hợp đồng mua với giá cao nay phá vỡ cam kết vì giá giảm.
Một số ít hợp đồng là do các doanh nghiệp Việt chủ động hủy do mức giá ký thấp. Khi chủ động hủy hợp đồng, các doanh nghiệp trong nước đều bồi thường cho khách hàng nhưng không được đền bù khi hợp đồng đổ bể do đối tác.
"Đây là thị trường tiềm năng nhưng cũng đầy rủi ro. Do đó việc làm việc với họ phải hết sức thận trọng", Vnexpress dẫn lời chủ tịch VFA - Trương Thanh Phong khi nói về thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, theo ông Phong, các hợp đồng bị hủy vừa qua không ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu gạo.
Gạo 5% tấm của Thái Lan hồi cuối tháng 7/2013 giá 470 USD/tấn, giảm 17% so với cuối năm 2012, trong khi gạo 5% tấm của Việt Nam giá giảm 7% trong cùng giai đoạn. Hôm 19/6 giá gạo Việt Nam đã xuống mức thấp chỉ 360 USD/tấn.
Số khác hợp đồng đã ký với các thương nhân Philippines cũng bị hủy bởi phía đối tác ký hợp đồng nhưng không có quota nhập khẩu nên tàu không được phép cập cảng. Do đó, hầu hết các hợp đồng ký với doanh nghiệp nước này đều đã bị hủy.
Cơ quan Ngũ cốc Philippine đã tăng lượng gạo dự trữ thêm khoảng 14% trong nửa đầu năm 2013, sau khi tích cực thu mua từ nông dân trong nước để giữ giá ổn định và tránh phải nhập khẩu thêm trong trường hợp vụ mùa bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Theo Cục Thống kê Nông nghiệp Philippines (BAS), đến ngày 1/7/2013, tổng lượng gạo dự trữ của nước này đạt khoảng 2,2 triệu tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, mặc dù lượng gạo dự trữ trong tháng 7/2013 đã giảm khoảng 5% so với tháng trước trong bối cảnh nguồn cung gạo từ tháng 7 đến tháng 9 thường thấp hơn các tháng khác. BAS cho biết dự trữ gạo do các hộ gia đình nắm giữ đứng ở mức 810.000 tấn, chiếm 37% trong tổng dự trữ gạo và tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
(theo Reuters, Vnexpress, VietnamPlus)