Giá thành thức ăn chiếm tới 65-70% chi phí trong chăn nuôi, nhưng nhiều năm nay Việt Nam vẫn thường xuyên phải NK lượng lớn thức ăn chăn nuôi (TACN) cũng như các nguyên liệu sản xuất TACN. Theo nhiều chuyên gia, đây đang là điểm yếu lớn mà nếu không kịp thời khắc phục, ngành chăn nuôi sẽ ngày càng tiến nhanh hơn tới “vực thẳm”.
NK liên tục tăng
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2014, giá trị NK nhóm mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu đã lên tới 375 triệu USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2013. Đặc biệt, kim ngạch NK các mặt hàng như ngô, đậu tương cũng liên tục tăng cao. Cụ thể, khối lượng ngô NK trong 2 tháng đầu năm đạt 1,26 triệu tấn, giá trị NK đạt 326 triệu USD, tăng gần gấp 7 lần về lượng và tăng hơn 4 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Còn với đậu tương, khối lượng NK trong 2 tháng đầu năm đạt 211 nghìn tấn, giá trị NK 123 triệu USD, tăng 52,9% về lượng và 44,7% về giá trị.
Theo Bộ NN&PTNT, nguyên liệu TACN trong nước còn thiếu. Hàng năm, Việt Nam phải NK trung bình 5,84 triệu tấn nguyên liệu TACN. Trong giai đoạn 2006-2012, tốc độ tăng trưởng NK nguyên liệu thức ăn chăn nuôi là 16,38%/năm. Chỉ tính riêng nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu trong năm 2013, giá trị NK cũng lên tới 3,0 tỷ USD, tăng 22,3% so với năm 2012. Thị trường NK chính của nhóm mặt hàng này là Argentina (chiếm 34% thị phần), Hoa Kỳ (12,7%) và Ấn Độ (10,8%)
Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi đánh giá: Việc dựa dẫm quá nhiều vào TACN NK là điểm yếu của ngành chăn nuôi nhiều năm qua. Bình quân mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 12,5 triệu tấn TACN, nhưng phải nhập tới 9 triệu tấn nguyên liệu, chiếm 72%. Điều này khiến cho giá thành sản xuất trong chăn nuôi của Việt Nam cao hơn nhiều nước trong khu vực. Trong bối cảnh, Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp được ký kết, thuế NK nhiều mặt hàng thịt sẽ bằng 0, nếu vẫn giữ nguyên thực trạng hiện tại, ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ không đủ sức cạnh tranh.
Ông Lịch nhấn mạnh, là một đất nước nông nghiệp, phát triển chăn nuôi nhiều năm mà Việt Nam vẫn phải NK lượng lớn ngô là điều khó chấp nhận được. Diện tích trồng ngô quá ít và năng suất cũng còn quá thấp so với các nước trên thế giới. Theo thống kê của Cục Trồng trọt, hiện cả nước mới trồng hơn 1 triệu ha ngô, năng suất trung bình chỉ khoảng 4 tấn/ha, trong khi trên thế giới đạt năng suất 8 tấn/ha trở lên.
Đầu tư cho khoa học công nghệ
Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT): Việt Nam chưa thể hoàn toàn tự chủ nguồn nguyên liệu TACN. Bởi, trong cơ cấu NK hiện nay bao gồm nhóm các nguyên liệu giàu năng lượng (như ngô, đậu tương...) và nhóm thức ăn bổ sung (thường gọi là Premix). Trong đó, Việt Nam chưa sản xuất được nhóm thức ăn bổ sung nên bắt buộc phải NK. Tuy nhiên, nhóm thức ăn giàu năng lượng hoàn toàn có thể chủ động được nguồn nguyên liệu tại chỗ nếu tăng sản lượng cho các cây trồng như ngô, đậu tương...
Đồng tình với quan điểm này, ông Ngô Anh Tuấn, chuyên gia tư vấn của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) bổ sung: Muốn sản xuất được TACN, đối với từng đối tượng cụ thể như thủy sản, gia súc, gia cầm thì phải có những nghiên cứu dinh dưỡng khác nhau. Điều này đòi hỏi trình độ khoa học, công nghệ nhất định mà trong nước chưa đáp ứng nổi. Đây là gót chân “asin” của ngành chăn nuôi Việt Nam nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung. “Muốn dần giải quyết được bài toán TACN, đặc biệt là tái cơ cấu ngành chăn nuôi đạt hiệu quả, quan trọng nhất là đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ”, ông Tuấn nói.
Ông Nguyễn Văn Trọng cho biết, để hạn chế phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nước ngoài, Bộ NN&PTNT chủ trương sẽ khuyến khích mở rộng diện tích trồng đậu tương, ngô… trong nước. Dự thảo Chiến lược phát triển ngành trồng trọt đến năm 2020 đã đề xuất ưu tiên tăng diện tích trồng ngô từ 1,1 triệu ha lên 1,5- 2 triệu ha, có áp dụng thâm canh, đưa tiến bộ kỹ thuật, giống mới vào sản xuất. Theo đó, sẽ chuyển một phần diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng ngô, đồng thời điều chuyển thời vụ cây trồng vụ hè thu, tăng diện tích ngô đông sớm. Với vùng ĐBSCL, Đông Nam bộ, nơi có năng suất ngô cao, khả năng cạnh tranh được với ngô NK, có thể chuyển một phần diện tích lúa vụ đông xuân sang chuyên canh ngô.
Liên quan tới vấn đề này, ông Lê Bá Lịch bổ sung: Cũng cần phải nghiên cứu thêm xem có nên kêu gọi DN, nhất là DN TACN sang các nước láng giếng như Lào, Campuchia trồng ngô, thu hoạch rồi đưa về Việt Nam hay không.
Nguồn: Báo Hải quan
Nguồn:Hải quan Việt Nam