menu search
Đóng menu
Đóng

Nghịch lý xuất khẩu trái cây ở ĐBSCL– Nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu

14:38 07/07/2009
Hàng năm, cả nước có khoảng 6,5 triệu tấn trái cây, trong đó, ĐBSCL chiếm hơn 46%. Gần đây, một số loại trái cây đặc sản của vùng ĐBSCL đã thâm nhập vào những thị trường nước ngoài như Mỹ, EU, Nhật Bản...Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) triển vọng tiêu thụ trái cây nhiệt đới cho thập kỷ tới sẽ tăng 24%. Trong khi đó, mặc dù đã mở ra được thị trường tiêu thụ trái cây với sản lượng lớn nhưng nhiều nhà vườn ở ĐBSCL lại lo không đủ sản lượng để cung ứng cho khách hàng.
Dự tính, tổng nhu cầu nhập khẩu của thế giới khoảng 3,6 triệu tấn trái cây vào năm 2014, trong đó 81% (2,6 triệu tấn) được xuất từ các nước phát triển. Mỹ được dự báo là quốc gia có nhu cầu nhập khẩu lớn nhất, tiếp theo là EU, hai thị trường này chiếm 70% nhu cầu nhập khẩu của thế giới, kế đến là Nhật Bản. Đây là cơ hội rất lớn cho trái cây Việt Nam, đặc biệt là vùng ĐBSCL...Trong khi đó, mặc dù đã mở ra được thị trường tiêu thụ trái cây với sản lượng lớn nhưng nhiều nhà vườn ở ĐBSCL lại lo không đủ sản lượng để cung ứng cho khách hàng.
* Nhiều loại trái cây đạt tiêu chuẩn xuất khẩu
       Trong 9 loại cây ăn trái đặc sản được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) qui hoạch phát triển ở vùng ĐBSCL, có 5 loại gồm: bưởi Năm Roi, cam sành Tam Bình (Vĩnh Long), bưởi da xanh ruột hồng, sầu riêng Ri-6 và sầu riêng cơm vàng hạt lép Chín Hóa (Bến Tre), xoài cát Hòa Lộc (Tiền Giang) được Cục Sở hữu Công nghiệp cấp giấy chứng nhận “bảo hộ thương hiệu hàng hóa”.
Hợp tác xã (HTX) bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long), hoạt động từ tháng 4-2007 với 47 hộ xã viên và 50 ha chuyên canh bưởi Năm Roi. Tháng 5-2007, Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) phối hợp với Công ty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam cùng tổ chức GTZ (Đức) hỗ trợ HTX sản xuất bưởi Năm Roi theo tiêu chuẩn Eurep GAP (Global GAP). Qua nhiều lần kiểm tra nghiêm ngặt, vừa qua, Tổ chức đánh giá thẩm định tiêu chuẩn quốc tế (SGS) tại Việt Nam đã chính thức cấp cho HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa chứng nhận đạt tiêu chuẩn Global GAP đối với 26 hộ tham gia trên diện tích 23,49 ha.
       Ở HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), để đạt tiêu chuẩn Global Gap, Sở Khoa học- Công nghệ tỉnh Tiền Giang, Công ty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam đã đầu tư hơn 1,2 tỉ đồng hướng dẫn nông dân trồng vú sữa theo tiêu chuẩn an toàn, sạch và có hệ thống kho lạnh bảo quản sau thu hoạch... và đã được Hiệp hội trái cây châu Âu trao giấy chứng nhận đạt chuẩn Global Gap. Mới đây, HTX được Bộ Nông nghiệp Mỹ ký duyệt và trao chứng nhận nhà máy đóng gói đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ. Đây là nhà máy đóng gói đầu tiên của vùng ĐBSCL đạt tiêu chuẩn này, hiện cả nước mới có 5 nhà máy đóng gói đạt tiêu chuẩn xuất sang thị trường Mỹ. Đây là những tin vui cho việc phát triển và xuất khẩu trái cây của vùng ĐBSCL.
       Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho biết: “Cây ăn trái đặc sản vùng ĐBSCL chỉ chiếm 7,24% về diện tích và gần 8% về sản lượng cây ăn trái cả nước. Tại Việt Nam, xuất khẩu xoài rất được quan tâm hỗ trợ, tuy nhiên vẫn chưa tiếp cận được với các vùng tiêu thụ chính trên thế giới”. Theo Bộ NN&PTNT, do những đảm bảo sản lượng và an toàn trong sản xuất, bảo quản sau thu hoạch, chi phí vận chuyển cao nên xoài Việt Nam chưa tiếp cận được những thị trường trên. Hiện xoài được trồng nhiều nhất ở tỉnh Tiền Giang (5.320 ha)…Mặc dù, ở ĐBSCL có 5 loại trái cây được xây dựng thương hiệu hẳn hoi, nhưng việc đáp ứng đơn đặt hàng lớn chẳng dễ dàng gì.
          Tại nhiều diễn đàn về xuất khẩu trái cây, Chủ tịch Hiệp hội trái cây Việt Nam đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, đầu ra trái cây còn nhiều nhưng sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu đơn hàng từ nhà nhập khẩu nước ngoài. Trong khi đó, hiện nay, ở các vùng sản suất trái cây đặc sản của ĐBSCL đạt tiêu chuẩn Global Gap đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức như: sản lượng hạn chế, khó mở rộng diện tích, tập quán sản xuất cũ vẫn tồn tại trong một bộ phận nông dân, thiếu vốn đầu tư...
Trong khi tháng 9-2009 tới đây, các tổ chức thẩm định quốc tế sẽ đánh giá và sát hạch lại tiêu chuẩn Global Gap (do chứng nhận chỉ có giá trị trong 1 năm).
Do vậy, để đáp ứng đơn đặt hàng lớn cùng tiêu chuẩn khắt khe là vấn đề mà hầu hết các vùng chuyên canh cây ăn trái ở ĐBSCL rất lo ngại. Có trái cây chất lượng, nhưng số lượng lại hạn chế.
* Giải pháp nào?
Theo Cục Trồng trọt, sự suy giảm tốc độ phát triển cây ăn trái là do ngành hàng này đang chịu sự cạnh tranh khá mạnh về mặt diện tích của các loại cây trồng khác đang có lợi thế về giá trong những năm gần đây như lúa, sắn, cao su, tiêu, cà phê… Bên cạnh đó, nhiều vườn cây ăn trái đã bị nhiễm dịch hại nặng (vàng lá trên cây có múi) trong nhiều năm và không còn khả năng phòng trị. Ở ĐBSCL (vùng trồng cây ăn trái quan trọng nhất ở các tỉnh phía Nam), quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết, ít trồng chuyên canh, chưa có hệ thống tiêu thụ chuyên nghiệp…, nên việc sản xuất cây ăn trái ở khu vực này còn thiếu ổn định và ẩn chứa nhiều rủi ro.
       Theo Cục Trồng trọt, để phát triển cây ăn trái một cách bền vững và thực sự hiệu quả, cần phải xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản tập trung ở 2 vùng ĐNB và ĐBSCL. Từng địa phương cần phải chọn ngay 1 hoặc 2 giống cây chủ lực để xây dựng mỡ rộng diện tích để thành những vùng chuyên canh trọng điểm. Bên cạnh đó, việc quản lý sản xuất và tiêu thụ giống cây ăn trái cũng cần được kiểm soát chặt chẽ. Các địa phương cần phải thành lập ngay đơn vị kiểm định chất lượng giống cây ăn trái, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra quy trình sản xuất giống. Cây giống trước khi đưa ra thị trường phải được kiểm định và chứng nhận chất lượng. Xây dựng hệ thống nhân giống cây có múi đảm bảo sạch bệnh… Trên cơ sở VietGAP vừa được ban hành, trong 2 năm 2009 - 2010 sẽ tiến hành xây dựng quy trình GAP cho các cây ăn trái chủ lực và triển khai ra sản xuất. Đầu tư cho công nghệ sau thu hoạch. Chỉnh sửa, bổ sung để hệ thống pháp lý về cây ăn trái được hoàn chỉnh và không phù hợp với thực tế…
 

Nguồn:Vinanet