VINANET - Trong năm 2012, EU đã nhập khẩu gần 4,5 tỉ USD sản phẩm tôm, giảm 30,5% so với năm 2011. Đây là mức giảm kỷ lục kể từ năm 1995.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sự suy thoái kinh tế khu vực đồng Euro và giá tiêu dùng gia tăng, cùng với biện pháp thắt lưng buộc bụng ở một số nước đã ảnh hưởng đến thị trường tôm EU.
Nhập khẩu của EU từ một số nguồn chính trong năm 2012 giảm đáng kể. Ecuador – nguồn cung cấp lớn nhất – giảm 13,9% về kim ngạch so với 631,4 triệu USD năm 2011, xuống còn 543,5 triệu USD năm 2012. Nguồn cung từ Ấn Độ và Thái Lan cũng giảm 11,2% và 35,4% theo thứ tự lần lượt.
Năm 2012, Việt Nam xếp vị trí thứ 7 trong số những nhà cung cấp tôm chính sang EU với kim ngạch xuất khẩu 220 triệu USD, giảm 41,9% so với cùng kỳ năm 2011.
Thị trường tôm EU được dự đoán không có dấu hiệu cải thiện trong nửa đầu năm 2013, do các khu vực chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế và suy giảm nguồn cung từ một số nước sản xuất chính như Thái Lan do tôm bị nhiễm bệnh.
Theo báo cáo từ Globefish, sau khi thị trường trong vài tháng qua trầm lắng, thị trường tôm châu Âu cho thấy dấu hiệu cải thiện đáng kể từ cuối tháng 2/2013. Nhập khẩu từ châu Á ngày càng gia tăng.
Đề cập số liệu thống kê từ Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), kim ngạch nhập khẩu tôm vào EU trong 3 tháng đầu năm 2013 đạt 883 triệu USD, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2012.
Tuy nhiên, nhập khẩu từ một số nước châu Á vào EU tăng đáng kể. Trong nửa đầu năm 2013, hoạt động mua vào từ Ấn Độ đạt trị giá 103,7 triệu USD, tăng 6,59% so với 96,89 triệu USD cùng kỳ năm 2012. Tôm từ Bangladesh tăng 7,69% so với 59 triệu USD lên 63,9 triệu USD.
Những nhà cung cấp tôm khác như Ecuador, Thái Lan và Việt Nam tiếp tục giảm 14,1%; 22,7% và 15,1% theo thứ tự lần lượt.
Với sự tăng trưởng tích cực trong 3 tháng đầu năm 2013, Ấn Độ đã vượt Ecuador là nhà cung cấp hàng đầu vào thị trường EU.
Ấn Độ và Bangladesh tiếp tục tăng xuất khẩu vào khu vực này khi họ có lợi thế hơn so với các nhà cung cấp khác.
Các nhà xuất khẩu tôm Bangladesh vào EU đã được hưởng mức thuế 0% do các nước đạt được Hệ thống ưu đãi phổ cập EU (GSP). Vụ thu hoạch tôm chân trắng của Ấn Độ đã tăng trong mấy năm gần đây, giúp mở rộng thị phần tại thị trường nhập khẩu chủ yếu như EU và Mỹ. Trong 3 tháng đầu năm 2013, nhập khẩu tôm của Mỹ từ Ấn Độ tăng 69,2% so với cùng kỳ năm 2012.
Việt Nam và Thái Lan sẽ thấy khó khăn để thúc đẩy xuất khẩu tôm vào EU trong năm 2013 khi sản xuất tôm của hai nước này vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
The Fishsite
Nguồn:Internet