menu search
Đóng menu
Đóng

Quí I/2012, kim ngạch xuất khẩu hàng mây, tre, cói thảm tăng nhẹ so với cùng kỳ

15:35 26/04/2012

Tiếp đà tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu từ tháng 2/2012, xuất khẩu mặt hàng mây, tre, cói thảm sang tháng 3 tăng 19,85% so với tháng liền kề trước đó, nâng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này 3 tháng đầu năm 2012 lên 59,9 triệu USD, tăng 6,55% so với cùng kỳ năm 2011.
 
 

(VINANET)

Tiếp đà tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu từ tháng 2/2012, xuất khẩu mặt hàng mây, tre, cói thảm sang tháng 3 tăng 19,85% so với tháng liền kề trước đó, nâng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này 3 tháng đầu năm 2012 lên 59,9 triệu USD, tăng 6,55% so với cùng kỳ năm 2011.

Quí I/2012 này Việt Nam xuất khẩu mặt hàng mây, tre, cói thảm sang 17 thị trường trên thế giới, tuy nhiên thì kim ngạch xuất khẩu trong quí I đều giảm ở hầu khắp các thị trường. Thị trường giảm kim ngạch mạnh nhất là thị trường Hà Lan. Tháng 3/2012, Việt Nam đã xuất khẩu 313,4 nghìn USD hàng mây, tre, cói sang Hàn Lan, giảm 7,15% so với tháng 2/2012, tính chung 3 tháng đầu năm 2012, Việt Nam đã xuất khẩu 1,2 triệu USD mặt hàng này sang Hà Lan, giảm 49,49% so với cùng kỳ năm trước.

Hoa Kỳ - thị trường xuất khẩu chính mặt hàng mây tre, cói thảm của Việt Nam trong quí I này, chiếm 19,7% tỷ trọng, đạt kim ngạch trên 10 triệu USD, tăng 40,09% so với quí I/2011. Tính riêng tháng 3/2012, Việt Nam đã xuất khẩu 3,8 triệu USD hàng mây,tre, cói thảm sang Hoa Kỳ, tăng 31,36% so với tháng liền kề trước đó.

Đứng thứ hai về kim ngạch trong quí I/2012 là thị trường Nhật Bản, đạt 8,7 triệu USD, tăng 34,88% so với quí I/2011, tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu hàng mây, tre, cói thảm sang Nhật bản lại giảm so với tháng liền kề trước đó, giảm 1,72%, đạt 3,0 triệu USD.

Để hàng thủ công mỹ nghệ vào được thị trường Nhật Bản, thì khâu thiết kế sản phẩm đóng vai trò quan trọng, doanh nghiệp phải phát triển, sáng tạo những sản phẩm mới lạ, độc đáo và tìm ra nhiều ứng dụng mới cho sản phẩm. Tại thị trường Nhật Bản, các sản phẩm được làm từ nguyên liệu như mây, tre, lá… rất khó bán. Ngày nay người Nhật Bản ưa chuộng các sản phẩm thân thiện với môi trường và sản phẩm làm bằng nguyên liệu gỗ ép, gốm sứ kết hợp sơn mài, gỗ kết hợp kim loại… được người tiêu dùng mua nhiều hơn. Đồng thời, người Nhật Bản tiêu dùng sản phẩm theo mùa vụ, chu kỳ sống của sản phẩm rất ngắn, đòi hỏi doanh nghiệp phải nhanh nhạy mới đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Theo ông Hiroshi Sakamoto, chuyên gia về Hàng trang trí nội thất của AJC, hiện hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đã hấp dẫn được người tiêu dùng Nhật Bản, nhờ vào các sản phẩm mang bản sắc và đặc trưng riêng; hàng làm bằng tay rất khéo, khách hàng được quảng bá về lai lịch sản phẩm; giá cả phù hợp, có thể làm hàng tốt với giá rẻ… Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng thủ công mỹ nghệ có giá trị gia tăng cao, bằng cách mạnh dạn đổi mới nguyên liệu, mẫu mã, phát triển các sản phẩm mới và sản phẩm mang thương hiệu quốc gia.

Thị trường đạt kim ngạch đứng thứ ba sau Hoa Kỳ và Nhật Bản là Đức. Ba tháng đầu năm 2012, Việt Nam đã xuất khẩu 7,5 triệu USD mặt hàng này sang ĐỨc, giảm 3,17% so với cùng kỳ năm trước.

Đánh giá về những kết quả đã đạt được của ngành hàng TCMN Việt Nam, Phó chủ tịch Vietcraft, cho biết, dù chịu tác động từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới bắt đầu từ năm 2008, nhưng đến nay ngành hàng TCMN, đồ gỗ, đồ gia dụng và quà tặng Việt Nam đang phục hồi trở lại với nhiều cơ hội tăng trưởng. Doanh thu ngành hàng này có mức tăng trung bình khoảng 13-15%/năm; giúp tạo ra công ăn việc làm cho hàng triệu lao động ở các làng nghề trên cả nước, đem lại nguồn thu ngoại tệ cho đất nước.

Điều đáng mừng là bên cạnh nhu cầu tiêu thụ tăng, năng lực sản xuất các loại hàng trên của Việt Nam cũng rất phong phú, đa dạng. Cả nước hiện có trên 2.000 làng nghề thủ công mỹ nghệ, sản phẩm trang trí gia đình làm từ các sợi tự nhiên (mây, tre, cói, lục bình…), gốm sứ (trong nhà và ngoài trời), các mặt hàng chạm khắc gỗ, sơn mài, đèn trang trí, các sản phẩm sử dụng sợi thủy tinh, nhựa resin… Việc LifeStyle Vietnam 2012 diễn ra chính là cơ hội lớn giúp các doanh nghiệp trong ngành nắm bắt được xu hướng tiêu dùng của khách hàng, từ đó tìm hướng sản xuất những sản phẩm theo nhu cầu của khách hàng.

Hện nay xuất khẩu ngành hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đang đứng thứ 2 ở châu Á, chỉ sau Trung Quốc. Tuy nhiên, ngành hàng này của nước ta đang có lợi thế khi các nhà nhập khẩu có xu hướng muốn rời bỏ Trung Quốc để chuyển sang Việt Nam tìm kiếm nguồn cung cấp.

Cả nước hiện có hơn 2.000 làng nghề, trong đó có những nghề đã phát triển từ hàng nghìn năm trước như đúc đồng, gốm, đan mây tre…; cũng có nhiều nghề mới xuất hiện mấy chục năm gần đây như ren, dệt thảm, hoa lụa… Nhiều làng nghề thủ công truyền thống đã để lại những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao như trống đồng, điêu khắc gỗ và đá, đồ gốm... đang được lưu giữ trong các đình, chùa, bảo tàng và sưu tập cá nhân. Các sản phẩm TCMN mang lại hiệu quả kinh tế cao, có nhiều cơ hội thâm nhập vào thị trường thế giới, vì nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm TCMN ở nhiều nước rất lớn. Chẳng hạn, ở Mỹ có nhu cầu nhập khẩu khoảng 13 tỷ USD/năm, nhưng sản phẩm TCMN của Việt Nam chỉ chiếm 1,5%; EU: 7 tỷ USD (Việt Nam: 5,4%); Nhật Bản: 2,9 tỷ USD/năm (Việt Nam: 1,7%)… Theo tính toán của các chuyên gia đến năm 2017 nhu cầu về mặt hàng tre nứa của thế giới ước khoảng 17 tỷ USD và đây là cơ hội của ngành TCMN nước ta. Tuy nhiên, để đạt tốc độ tăng trưởng đều vào những năm tới, đồng thời đáp ứng nhu cầu của thế giới, các doanh nghiệp (DN) XK hàng TCMN còn phải khắc phục nhiều hạn chế.

Mẫu sản phẩm là một trong những điểm yếu của hàng TCMN Việt Nam. Người thợ TCMN của nước ta có thể làm ra nhiều sản phẩm tinh xảo, nhưng kiểu dáng thiết kế, thường làm theo mẫu (khoảng 90% các sản phẩm TCMN XK được sản xuất theo mẫu của đơn hàng). Những mặt hàng mang đặc trưng của từng địa phương còn hạn chế, chưa gây được ấn tượng cho người tiêu dùng và nhà phân phối. Đại diện Hiệp hội Mây tre đan Hà Nội cho biết, các DN thành viên vẫn chủ yếu sản xuất gia công theo mẫu đặt hàng, ít sáng tạo. Vì thế, nếu ký được hợp đồng XK, giá thường thấp hơn khoảng 30% so với các sản phẩm cùng loại của Thái Lan, Trung Quốc, Phi-líp-pin… Bên cạnh đó, nhiều DN không nắm rõ giá cả, nhu cầu, xu thế phát triển của thị trường; chưa am hiểu văn hóa, thị hiếu của người tiêu dùng nước ngoài; khả năng tiếp thị, xúc tiến thương mại còn hạn chế… Chẳng hạn, yếu tố được quan tâm hàng đầu của các nhà nhập khẩu EU là dịch vụ mà DN cung cấp như việc giao hàng đúng thời hạn, tiêu chuẩn về môi trường của phía sản xuất; người Mỹ lại thích dùng hàng chất lượng cao, còn tại Nhật Bản, vòng đời của một sản phẩm rất ngắn, đòi hỏi các DN XK hàng TCMN phải liên tục thay đổi mẫu cho phù hợp với các mùa trong năm…

 Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng TCMN, các DN nên chủ động liên kết xây dựng cụm sản xuất TCMN, hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh để đáp ứng được các đơn hàng lớn, xây dựng đội ngũ thiết kế chuyên nghiệp biết nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của khách hàng; đào tạo, bồi dưỡng cho lực lượng lao động, phát huy tính sáng tạo của đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi. Bên cạnh đó, các DN mong muốn Nhà nước có chế độ thuế riêng đối với nguyên liệu "đầu vào", không nên bắt buộc DN phải có hóa đơn tài chính với các nguyên liệu thuộc phế liệu, thứ liệu... khi mua từ nông dân, đồng thời cho phép DN sản xuất hàng TCMN mua nguyên liệu nộp thuế thay người bán...

Thị trường xuất khẩu mây, tre, cói thảm quí I/2012

ĐVT: USD

Thị trường

KNXK T3/2012

KNXK 3T/2012

KNXK 3T/2011

% +/- KN T3 so T2/2012

% +/- KN so cùng kỳ

Tổng KN

18.934.602

50.973.801

47.838.626

19,85

6,55

Hoa Kỳ

3.882.095

10.078.009

7.193.726

31,36

40,09

Nhật Bản

3.006.656

8.776.029

6.506.346

-1,72

34,88

Đức

3.084.331

7.543.934

7.790.706

33,53

-3,17

Oxtrâylia

620.475

1.904.802

1.729.237

18,74

10,15

Pháp

570.561

1.487.236

2.374.217

25,40

-37,36

Anh

527.819

1.482.348

1.659.787

30,02

-10,69

Đài Loan

635.105

1.373.904

1.601.709

48,34

-14,22

Bỉ

681.188

1.361.709

1.114.713

69,75

22,16

Italia

390.710

1.321.197

1.613.967

-34,47

-18,14

Nga

518.562

1.290.560

869.742

37,80

48,38

Hà Lan

313.451

1.282.344

2.528.626

-7,15

-49,29

Canada

405.526

1.231.249

1.032.391

47,00

19,26

Tây Ban Nha

445.666

1.194.678

1.121.445

-7,64

6,53

Hàn Quốc

520.614

1.136.957

1.165.513

152,39

-2,45

Ba Lan

477.481

1.115.110

648.412

21,72

71,98

Thuỵ Điển

285.504

797.333

827.723

-24,50

-3,67

Đan Mạch

167.367

387.187

532.916

154,36

-27,35


(L.H)

Nguồn:Vinanet