I. Đánh giá chung
Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong tháng 6/2013 đạt 21,73 tỷ USD, giảm 9,1% so kết quả thực hiện của tháng trước; trong đó, xuất khẩu đạt hơn 11 tỷ USD, giảm 5,7% và nhập khẩu là 10,72 tỷ USD, giảm 12,3%. Với kết quả này, cán cân thương mại hàng hóa tháng 6 có mức thặng dư nhẹ 287 triệu USD.
Như vậy, tính từ đầu năm đến hết tháng 6 năm 2013,tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt hơn 124 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu đạt 61,54 tỷ USD, tăng 15,1% và nhập khẩu là 62,47 tỷ USD, tăng 15,6%. Kết quả là cán cân thương mại hàng hoá của Việt Nam tính trong 6 tháng năm 2013 có mức thâm hụt 933 triệu USD, chỉ bằng 1,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Biểu đồ 1: Diễn biến kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu và cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm giai đoạn 2005 đến 2013
Đối với khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tổng trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu trong 6 tháng/2013 là 72,29 tỷ USD, tăng mạnh 26,6% và chiếm 58,3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước; trong đó, xuất khẩu đạt 37,16 tỷ USD, tăng mạnh 27,5% và nhập khẩu là gần 35,13 tỷ USD, tăng mạnh 25,7% so với kết quả thực hiện của cùng kỳ năm trước.
Đối với khối doanh nghiệp trong nước, tổng trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu trong 6 tháng/2013 là 51,72 tỷ USD, tăng 2,6% và chiếm 41,7% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam; trong đó, xuất khẩu đạt gần 24,38 tỷ USD, chỉ tăng nhẹ 0,3% và nhập khẩu là 27,34 tỷ USD, tăng 4,9% so với kết quả thực hiện trong nửa đầu năm 2012.
Một số nhóm hàng xuất khẩu chính
Điện thoại các loại & linh kiện: xuất khẩu trong tháng đạt 1,88 tỷ USD, giảm 13% so với tháng trước, qua đó nâng tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 6 tháng lên 9,98 tỷ USD, tăng 98,4% so với thực hiện của cùng kỳ năm 2012. Những đối tác chính nhập khẩu điện thoại các loại & linh kiện của Việt Nam trong 6 tháng qua là Liên minh châu Âu (EU) với hơn 4 tỷ USD, tăng mạnh 82,2% và chiếm hơn 40% tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước. Đối tác nhập khẩu điện thoại lớn tiếp theo là Tiểu vương quốc Arập Thống nhất: 1,67 tỷ USD, gấp hơn 3 lần; Ấn Độ: 538 triệu USD, gấp 3,2 lần; Hồng Kông: 414 triệu USD, tăng 69,6%... so với cùng kỳ năm 2012.
Máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện: trị giá xuất khẩu trong tháng 6/2013 đạt gần 863 triệu USD, tăng 9,1%, qua đó nâng tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này trong 6 tháng đầu năm 2013 lên 4,77 tỷ USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2012. Trung Quốc vẫn là đối tác lớn nhất nhập khẩu nhóm hàng này của Việt Nam trong 6 tháng qua với 1,14 tỷ USD, tăng 31,1%; tiếp theo là thị trường EU: gần 1,05 tỷ USD, tăng 84,6%; Hoa Kỳ: 636 triệu USD, tăng 52,6% và Malaysia: 515 triệu USD, tăng 72,5%... so với cùng kỳ năm trước.
Hàng dệt may: xuất khẩu nhóm hàng dệt may trong tháng 6/2013 đạt 1,49 tỷ USD, tăng 2,8% so với tháng trước, qua đó nâng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 6 tháng/2013 lên 7,89 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó: kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Hoa Kỳ đạt 3,98 tỷ USD, tăng 14,2%; sang thị trường EU đạt 1,17 tỷ USD, tăng 4,9%; sang Nhật Bản đạt 1,03 tỷ USD, tăng 16,8%;…
Biều đồ 2: Kim ngạch xuất khẩu dệt may, giày dép sang 3 thị trường lớn EU, Hoa Kỳ và Nhật Bản 6 tháng/2013 so với 6 tháng /2012
Giày dép các loại: kim ngạch xuất khẩu trong tháng đạt 789 triệu USD, giảm 8,4% so với tháng 5. Tính đến hết tháng 6/2013, xuất khẩu nhóm hàng giày dép đạt gần 4 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2012; trong đó, trị giá xuất khẩu sang thị trường EU là 1,39 tỷ USD, tăng 7,1% và chiếm 35% kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước. Tiếp theo là xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt 1,27 tỷ USD, tăng 20,1%; sang Nhật Bản đạt 184 triệu USD, tăng 15,6%; sang Trung Quốc đạt 169 triệu USD, tăng 9,9%... so với cùng kỳ năm 2012.
Dầu thô:lượng xuất khẩu dầu thô trong tháng là 814 nghìn tấn, tăng 6,1% so với tháng 5/2013 với trị giá là 677 triệu USD, tăng 5,5%. Tính từ đầu năm đến hết tháng 6/2013, lượng dầu thô xuất khẩu của cả nước đạt 4,29 triệu tấn, tăng nhẹ 1,3% về lượng nhưng kim ngạch lại giảm 4,3% (đạt 3,68 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước do giá xuất khẩu bình quân mặt hàng này giảm 78 USD/tấn.
Dầu thô của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang Nhật Bản: 1,27 triệu tấn, giảm 19,5%; sang Ôxtrâylia: 749 nghìn tấn, tăng 3,4%; sang Malaysia: 709 nghìn tấn, tăng 37,3%; sang Hàn Quốc: 492 nghìn tấn, tăng 167% so với cùng kỳ năm 2012.
Máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng khác: trong tháng 6/2013, xuất khẩu đạt 472 triệu USD, giảm 4,9%, qua đó nâng tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 6 tháng/2013 lên 2,65 tỷ USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2012.
Tính đến hết tháng 6/2013, xuất khẩu nhóm hàng này sang Nhật Bản là 575 triệu USD, giảm 4,4%; sang Hoa Kỳ: 448 triệu USD, giảm 7,6%; sang EU: 335 triệu USD, tăng 8,4%; sang Trung Quốc: 160 triệu USD, giảm 5%; sang Hồng Kông: gần 160 triệu USD, tăng 8,3%… so với cùng kỳ năm trước.
Hàng thủy sản: trị giá xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tháng 6/2013 đạt 534 triệu USD, giảm 9,9% so với tháng trước, qua đó nâng tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này trong 6 tháng/2013 lên 2,82 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến hết tháng 6/2013, hàng thủy sản của Việt Nam đã xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt trị giá 579 triệu USD, tăng 4,2%; thị trường EU: 501 triệu USD, giảm 9,5%; Nhật Bản: 481triệu USD, giảm 4,1%; Hàn Quốc: 189 triệu USD, giảm 20,3%…
Gỗ & sản phẩm gỗ: xuất khẩu trong tháng đạt 431 triệu USD, giảm 4,4% so với tháng trước, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng/2013 lên 2,45 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2012.
Trong nửa đầu của năm 2013, nhóm hàng gỗ & sản phẩm gỗ xuất sang Hoa Kỳ đạt 876 triệu USD, tăng 6,4%; sang Trung Quốc: 412 triệu USD, tăng 16,6%; sang Nhật Bản: 369 triệu USD, tăng 18,4%; sang thị trường EU: 311 triệu USD, giảm 3,3%… so với cùng kỳ năm 2012.
Cao su: lượng xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng đạt 83 nghìn tấn, trị giá gần 188 triệu USD, tăng 15,6% về lượng và tăng 10,2% về trị giá so với tháng trước. Tính trong 6 tháng/2013, lượng xuất khẩu cao su của cả nước là 385 nghìn tấn, giảm 4,4%, kim ngạch đạt 971 triệu USD, giảm 19,5%.
Trung Quốc vẫn là đối tác chính nhập khẩu và tiêu thụ cao su của Việt Nam với 183 nghìn tấn, giảm 13,2% so với 6 tháng/2012 và chiếm 47,4% lượng cao su xuất khẩu của cả nước. Tiếp theo là các thị trường: Malaysia: 75,7 nghìn tấn, tăng 16,9%; Ấn Độ: 20,6 nghìn tấn, tăng 20,9%…
Gạo:trong tháng này, lượng gạo xuất khẩu đạt 643 nghìn tấn, trị giá là 277 triệu USD, giảm 8,7% về lượng và giảm 11,5% về trị giá so với tháng trước. Tính đến hết tháng 6/2013, lượng xuất khẩu mặt hàng này của cả nước đạt 3,58 triệu tấn, trị giá đạt 1,58 tỷ USD, giảm 6,4% về lượng và giảm 9,9% về trị giá so với 6 tháng/2012.
Trong nửa đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đạt 1,29 triệu tấn, tăng 19,7%; Philiipin: 294 nghìn tấn, giảm 44,5%; Bờ Biển Ngà: 211 nghìn tấn, giảm 0,7%; Malaysia: 195 nghìn tấn, giảm 41,4%; Singapore: 169 nghìn tấn, tăng 48,8%; Ghana: 162 nghìn tấn, tăng 13%...
Hạt điều:lượng hạt điều xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 6/2013 đạt hơn 21,5 nghìn tấn, trị giá gần 137 triệu USD, giảm 13,4% về lượng và giảm 14,2% về trị giá so với tháng trước, nâng tổng lượng xuất khẩu nhóm hàng này trong 6 tháng/2013 đạt 110 nghìn tấn, tăng 10,6% và trị giá đạt 689 triệu USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước.
Hoa Kỳ vẫn là thị trường dẫn đầu về nhập khẩu và tiêu thụ hạt điều của Việt Nam với 34,4 nghìn tấn, tăng 21% và chiếm gần 1/3 lượng điều xuất khẩu. Tiếp theo là thị trường Trung Quốc với gần 18 nghìn tấn, giảm 1,9%; Hà Lan với 10,9 nghìn tấn, giảm 2,3%; Ôxtrâylia với 5,3 nghìn tấn, giảm 11,8%; Ấn Độ: hơn 5 nghìn tấn, gấp 2,56 lần...
Than đá: trong tháng 6/2013, lượng xuất khẩu than đá đạt 1,4 triệu tấn, tăng nhẹ 2,8% nhưng trị giá đạt 92 triệu USD, giảm 13,4% so với tháng 5. Như vậy, trong 6 tháng/2013, tổng lượng than xuất khẩu của cả nước là 7,72 triệu tấn, tăng 6,3% nhưng đơn giá xuất khẩu bình quân giảm 20% nên kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này đạt 650 triệu USD, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2012.
Trung Quốc tiếp tục là đối tác lớn nhập khẩu than đá của Việt Nam với 6,19 triệu tấn, tăng 8,8% và chiếm hơn 80% tổng lượng xuất khẩu mặt hàng này của cả nước. Tiếp theo là thị trường Nhật Bản: 596 nghìn tấn, tăng 6% và Hàn Quốc: 572 nghìn tấn, tăng 3,1%…
Một số nhóm hàng nhập khẩu chính
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng đạt 1,36 tỷ USD, giảm 13,7% so với tháng trước. Trong 6 tháng/2013, nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước là 8,5 tỷ USD, tăng 49,8%; trong đó nhập khẩu của khu vực FDI là 7,84 tỷ USD, tăng 56,9% và nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước là 663 triệu USD, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước.
Hàn Quốc tiếp tục là đối tác lớn nhất cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam với trị giá nhập khẩu là 2,47 tỷ USD, tăng mạnh 81,5%; tiếp theo là các thị trường: Trung Quốc: 2,09 tỷ USD, tăng 48,5%; Singapore: 1 tỷ USD, gấp 2,2 lần; Nhật Bản: 765 triệu USD, tăng 5,1%; Ailen: 643 triệu USD, gấp 2,1 lần… so với cùng kỳ năm 2012.
Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác: trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng là 1,51 tỷ USD, giảm 8,9% so với tháng trước, nâng trị giá nhập khẩu trong 6 tháng/2013 lên 8,46 tỷ USD, tăng 7,9% so với 6 tháng/2012; trong đó khối các doanh nghiệp FDI nhập khẩu gần 5 tỷ USD, tăng 22,9% và khối các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu gần 3,48 tỷ USD, giảm 8,1%.
Trong 6 tháng qua, trị giá nhập khẩu nhóm hàng này từ Trung Quốc đạt 2,76 tỷ USD, tăng 11,6%; Hàn Quốc: 1,35 tỷ USD, tăng mạnh 62,7%. Một số các thị trường khác có tốc độ giảm như: Nhật Bản: 1,44 tỷ USD, giảm 10,8%; Đài Loan: 394 triệu USD, giảm 6,3%; Đức: 380 triệu USD, giảm 12,1%…
Điện thoại các loại và linh kiện: trong tháng 6/2013, Việt Nam đã nhập khẩu 652 triệu USD nhóm hàng này, giảm 18,4% so với tháng trước, qua đó nâng tổng trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong 6 tháng/2013 lên gần 3,77 tỷ USD, tăng 85,2% về số tương đối và tăng 1,73 tỷ USD về số tuyệt đối.
Nhập khẩu nhóm hàng này vào Việt Nam trong 6 tháng/2013 chủ yếu có xuất xứ từ: Trung Quốc với 2,61 tỷ USD, tăng 85%; Hàn Quốc: 1,09 tỷ USD, tăng 119%. Tính chung trị giá nhập khẩu từ hai thị trường này chiếm 98,3% tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước.
Xăng dầu các loại:lượng xăng dầu nhập khẩu trong tháng là gần 608 nghìn tấn, trị giá là 543 triệu USD, giảm 13% về lượng và giảm 13,3% về trị giá. Tính đến hết tháng 6/2013, tổng lượng xăng dầu nhập khẩu của cả nước là 3,75 triệu tấn, giảm 24%. Đơn giá nhập khẩu bình quân của nhóm hàng này giảm 4,1% nên trị giá nhập khẩu đạt 3,52 tỷ USD, giảm 27,1% về số tương đối và giảm 1,31 tỷ USD về số tuyệt đối, trong đó phần trị giá giảm do yếu tố lượng giảm là 1,16 tỷ USD và giảm do yếu tố giá giảm là 150 triệu USD.
Lượng nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam trong 6 tháng qua giảm mạnh chủ yếu từ thị trường chính là Singapore với lượng nhập khẩu đạt 1,1 triệu tấn, giảm 45%. Lượng nhập khẩu từ một số thị trường khác như: Trung Quốc: 597 nghìn tấn, giảm 7,6%; Đài Loan: 583 nghìn tấn, giảm 17%; Cô Oét: 408 nghìn tấn, tăng 35,2%; Malaysia: 337 nghìn tấn, tăng 68,8% ...
Nguyên vật liệu ngành dệt may, da, giày: trị giá nhập khẩu nhóm hàng nguyên vật liệu cho ngành dệt, may, da, giày trong tháng đạt 1,21 tỷ USD, giảm 20,5% so với tháng trước. Tuy trị giá nhập khẩu trong tháng của bông, vải, sơ xợi, nguyên phụ liệu đều có mức giảm khá nhưng tính chung trong 6 tháng thì trị giá nhập khẩu của các nhóm hàng này đều tăng. Cụ thể: trị giá nhập khẩu vải: 3,94 tỷ USD, tăng 16,3%; nguyên phụ liệu: 1,76 tỷ USD, tăng 16,3%; xơ, sợi: 724 triệu USD, tăng 5,7%; bông: 577 triệu USD, tăng 29,6%.
Các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu nhóm hàng này chủ yếu từ các thị trường thuộc châu Á như: Trung Quốc: 2,56 tỷ USD, tăng 24,8%; Hàn Quốc: 1,23 tỷ USD, tăng 18%; Đài Loan: 1,02 tỷ USD, tăng 4,5%; Nhật Bản: 378 triệu USD, giảm 10,4%...
Sắt thép các loại: lượng nhập khẩu sắt thép trong tháng đạt 821 nghìn tấn, với trị giá là 573 triệu USD, giảm 13,2% về lượng và giảm 16,3% về trị giá so với tháng trước, nâng tổng lượng nhập khẩu sắt thép của cả nước trong 6 tháng/2013 lên gần 4,88 triệu tấn, trị giá là 3,51 tỷ USD, tăng 28,5% về lượng và tăng 13,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2012.
Biểu đồ3: Diễn biến lượng nhập khẩu sắt thép các loại theo tháng
từ tháng 1/2010 đến tháng 6/2013
Sắt thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam trong 6 tháng qua chủ yếu có xuất xứ từ: Trung Quốc: 1,78 triệu tấn, tăng 65,4%; Nhật Bản: 1,37 triệu tấn, tăng 41%; Hàn Quốc: 708 nghìn tấn, giảm 8,5%; Đài Loan: 466 nghìn tấn, tăng 21,3%... so với 6 tháng/2012.
Thức ăn gia súc và nguyên liệu:trong tháng 6/2013, cả nước nhập khẩu 287 triệu USD nhóm hàng thức ăn gia súc & nguyên liệu, giảm 4,2% so với tháng trước. Tính đến hết 6 tháng/2013, cả nước nhập khẩu gần 1,5 tỷ USD nhóm hàng thức ăn gia súc & nguyên liệu, tăng 40,2% so với 6 tháng/2012.
Việt Nam nhập khẩu thức ăn gia súc & nguyên liệu trong 6 tháng qua chủ yếu từ các thị trường lớn sau: Achentina: 352 triệu USD, tăng 61,4%; Ấn Độ: 247 triệu USD, tăng 36,1%; Hoa Kỳ: 229 triệu USD, tăng 76,8%; Italia: 111 triệu USD, tăng 73,1%; Brazil: 105 triệu USD, giảm 8,5%… so với 6 tháng/2012.
Phế liệu sắt thép: trong tháng 6/2013, cả nước nhập khẩu gần 361 nghìn tấn, trị giá là 144 triệu USD, tăng 38,5% về lượng và tăng 37,6% về trị giá so với tháng trước. Tính đến hết 6 tháng/2013, cả nước nhập khẩu gần 1,63 triệu tấn với trị giá gần 653 triệu USD, tăng 14,3% về lượng và tăng nhẹ 1% về trị giá so với 6 tháng/2012.
Các thị trường chính cung cấp phế liệu sắt thép cho Việt Nam như: Hoa Kỳ: 279 nghìn tấn, tăng 74,9%; Nhật Bản: 243 nghìn tấn, gấp gần 3,4 lần; Hồng Kông: 128 nghìn tấn, gấp 3,1 lần… so với cùng kỳ năm 2012.
Kim loại thườngkhác: lượng nhập khẩu trong tháng 6/2013 là hơn 67 nghìn tấn, trị giá 238 triệu USD, giảm 4,2% về lượng và giảm 5,8% về trị giá so với tháng trước. Tính đến hết tháng 6/2013, tổng lượng nhập khẩu kim loại thường khác của Việt Nam là 382 nghìn tấn, tăng 20,3%, trị giá là 1,4 tỷ USD, tăng 14,2%.
Việt Nam nhập khẩu nhóm hàng này trong 6 tháng qua chủ yếu có xuất xứ từ: Trung Quốc: 89,9 nghìn tấn, gấp 2 lần; Hàn Quốc: 83,8 nghìn tấn, tăng 22,5%; Ôxtrâylia: 44,5 nghìn tấn, tăng 14,4%; Đài Loan: 36,7 nghìn tấn, giảm 5,1%;… so với 6 tháng/2012.
Chất dẻo nguyên liệu: lượng nhập khẩu trong tháng 6/2013 là 261 nghìn tấn, trị giá là 462 triệu USD, giảm 11,7% về lượng và giảm 13,3% về trị giá so với tháng trước. Tính đến hết tháng 6/2013, tổng lượng nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu của Việt Nam là 1,51 triệu tấn, tăng 17,9%, kim ngạch nhập khẩu là 2,7 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 6 tháng qua, Việt Nam nhập khẩu nhóm hàng này chủ yếu từ các thị trường: Ả rập Xê út: 336 nghìn tấn, tăng 22,5%; Hàn Quốc: 312 nghìn tấn, tăng 33%; Đài Loan: 212 nghìn tấn, tăng 11,4%; Thái Lan: 149 nghìn tấn, tăng 16,8%… so với cùng kỳ năm 2012.
Hóa chất: trong tháng 6/2013, Việt Nam nhập khẩu 216 triệu USD nhóm hàng hóa chất, giảm 27% so với tháng trước, nâng tổng trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong 6 tháng/2013 lên gần 1,39 tỷ USD, giảm 3,2% so với kết quả thực hiện của 6 tháng đầu năm 2012.
Việt Nam nhập khẩu hóa chất trong 2 quý đầu của năm 2013 chủ yếu từ các thị trường: Trung Quốc: 395 triệu USD, tăng 1,5%; Đài Loan: 182 triệu USD, giảm 11,2%; Hàn Quốc: 164 triệu USD, tăng 12,4%; Thái Lan: 106 triệu USD, giảm 27,8%;… so với 6 tháng/2012.
Phân bón các loại: lượng phân bón nhập khẩu trong tháng là 438 nghìn tấn, trị giá gần 167 triệu USD, tăng 1,1% về lượng và giảm 6% về trị giá so với tháng trước. Tính đến hết 6 tháng/2013, tổng lượng phân bón các loại nhập khẩu vào Việt Nam lên đến 1,96 triệu tấn, trị giá là 788 triệu USD, tăng 28% về lượng và tăng 16,4% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp phân bón cho Việt Nam trong 6 tháng/2013 với 826 nghìn tấn, tăng 8,6% và chiếm 42,2% tổng lượng phân bón cả nước nhập về; tiếp theo là Philippin: 177 nghìn tấn, tăng 25,7%; Ixraen: 143 nghìn tấn, gấp 2,6 lần; Canada: 127 nghìn tấn, tăng 44,9%… so với cùng kỳ năm 2012.
Ô tô nguyên chiếc: lượng nhập khẩu ô tô trong tháng 6 đạt hơn 3,6 nghìn chiếc, tăng 5,8% so với tháng trước. Như vậy, trong 6 tháng/2013, tổng lượng ô tô nguyên chiếc nhập về là gần 17,1 nghìn chiếc, tăng 22,2%, trị giá là 314 triệu USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2012.
Trong nửa đầu năm 2013, nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc nhiều nhất vẫn là ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống với hơn 8,9 nghìn chiếc, tăng 12,5%; ô tô tải: 6,86 nghìn chiếc, tăng 41,1%; ô tô trên 9 chỗ ngồi: 265 chiếc (cùng kỳ năm trước chỉ nhập 76 chiếc); ô tô loại khác: 1,02 nghìn chiếc, giảm 7,7% so với 6 tháng/2012.
Biểu đồ 4: Diễn biến lượng và trị giá nhập khẩu ô tô nguyên chiếc các loại
từ tháng 1/2012 đến tháng 6/2013
Hàn Quốc tiếp tục là thị trường chính xuất khẩu ô tô nguyên chiếc các loại cho Việt Nam với 8,45 nghìn chiếc, tăng mạnh 38,8% so với cùng kỳ năm 2012 và chiếm 49,5% tổng lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu của cả nước; tiếp theo là Thái Lan: 3,3 nghìn chiếc, tăng 42,8%; Trung Quốc: 2,06 nghìn chiếc, giảm 1,7%; Nhật Bản: 868 chiếc, tăng 45,4%…