menu search
Đóng menu
Đóng

Thực trạng thị trường và tình hình nhập khẩu phân bón 5 tháng 2014

14:39 25/06/2014

Tính từ đầu năm cho đến hết tháng 5/2014 cả nước đã nhập khẩu trên 1,4 triệu tấn phân bón các loại, trị giá 453,9 triệu USD, giảm 5,53% về lượng và giảm 27,03% về trị giá so với 5 tháng 2013.

(VINANET) - Tính từ đầu năm cho đến hết tháng 5/2014 cả nước đã nhập khẩu trên 1,4 triệu tấn phân bón các loại, trị giá 453,9 triệu USD, giảm 5,53% về lượng và giảm 27,03% về trị giá so với 5 tháng 2013.

Tính riêng tháng 5/2014, nhập khẩu 288,5 nghìn tấn phân bón, trị giá 92,8 triệu USD, giảm 21,7% về lượng và giảm 15,6% về trị giá so với tháng 4/2014.

Trong 5 tháng đầu năm nay, các chủng loại phân bón được nhập khẩu là Kali, SA, DAP, NPK và Urê, trong đó phân Kali được nhập khẩu về nhiều nhất, 437,6 nghìn tấn, chiếm 30,5% thị phần, tương đương với 437,6 nghìn tấn, trị giá 149,8 triệu USD, tăng 15,88% về lượng nhưng giảm 12,95% về trị giá so với cùng kỳ.

Chủng loại được nhập về nhiều thứ hai là SA, với 435,8 nghìn tấn, chiếm 30,3% thị phần, tương đương với 435,8 nghìn tấn, trị giá 60,8 triệu USD, tăng 7,66% về lượng nhưng giảm 26,42% về trị giá; Phân DAP nhập 334,5 nghìn tấn, trị giá 149,4 triệu USD, tăng 2,26% về lượng và giảm 15,16% về trị giá.

Đối với chủng loại phân NPK và Urê, 5 tháng đầu năm nay, hai chủng loại này nhập khẩu đều giảm cả về lượng và trị giá so với 5 tháng 2013, giảm lần lượt : NPK: 77,62% về lượng và giảm 79,50% về trị giá – đây cũng là chủng loại phân bón nhập khẩu có tốc độ giảm mạnh nhất, với 43,6 nghìn tấn, trị giá 19,4 triệu USD; Urê: giảm 64,85% về lượng và giảm 68,35% về trị giá tương đương 34,1 nghìn tấn, trị giá 11,4 triệu USD.

Thống kê sơ bộ của TCHQ về tình hình nhập khẩu phân bón 5 tháng 2014

ĐVT: lượng (tấn); Trị giá (USD)

 Chủng loại
NK T5/2014
NK 5T/2013
% so sánh
lượng
trị giá
lượng
trị giá
lượng
trị giá
Phân bón các loại
1.436.736
453.973.353
1.520.818
622.099.102
-5,53
-27,03
-Phân Kali
437.609
149.896.395
377.651
172.195.886
15,88
-12,95
-Phân SA
435.815
60.838.525
404.788
82.680.322
7,66
-26,42
-Phân DAP
334.518
149.407.486
327.135
176.100.992
2,26
-15,16
-Phân NPK
43.632
19.439.610
194.919
94.826.492
-77,62
-79,50
-Phân Ure
34.102
11.409.857
97.013
36.051.486
-64,85
-68,35

Thời gian gần đây, phân bón giả, kém chất lượng "hoành hành" đã ảnh hưởng không nhỏ đến những nhà sản xuất chân chính; nghiêm trọng hơn là khiến cho cây trồng chậm phát triển, năng suất giảm, gây tổn thất nặng nề cho bà con nông dân. Mặc dù các cơ quan quản lý thường xuyên ra quân kiểm tra, song thực trạng trên chẳng những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng.

Trước vấn nạn sản xuất, kinh doanh phân bón giả hiện nay, Cục Quản lý thị trường (QLTT) đã chỉ đạo Chi cục QLTT các tỉnh, thành phố tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón theo quy định của pháp luật. Theo ông Ðỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục QLTT (Bộ Công thương), trong quý I- 2014, lực lượng QLTT đã phát hiện, xử lý 88 vụ vi phạm, xử phạt hành chính 1,26 tỷ đồng, với các hành vi vi phạm là kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, quá hạn sử dụng, không thuộc danh mục được phép kinh doanh; phân bón nhập lậu.

Để kiểm soát được vấn nạn kinh doanh phân bón giả, kém chất lược cần sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp. Ngày 27-11-2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 202/2013/NÐ-CP về quản lý phân bón. Theo Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội phân bón Việt Nam Nguyễn Hạc Thúy, đó là hành lang pháp lý thuận lợi cho các ngành chức năng áp dụng thực hiện. Nhưng ngành sản xuất phân bón lại lo ngại, nếu các lực lượng: Công an, QLTT, Hải quan, Thanh tra nông nghiệp không thực hiện quyết liệt thì Nghị định không phát huy tác dụng.

Vì vậy, để đưa Nghị định vào cuộc sống, xóa bỏ tình trạng phân bón giả, kém chất lượng, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng thông qua sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, trao đổi thông tin về sai phạm giữa các cơ quan, các lực lượng. Trên cơ sở đó tổ chức và hoàn thiện cơ chế phối hợp, huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành trong phòng ngừa, đấu tranh chống nạn phân bón nhập lậu, phân bón giả, kém chất lượng. Làm tốt công tác dự báo thị trường, làm rõ phương thức, thủ đoạn, rút ra các quy luật hoạt động để có các phương án kiểm tra, kiểm soát hữu hiệu. Bố trí đủ lực lượng có kiến thức và bản lĩnh trực tiếp kiểm tra, kiểm soát các hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh phân bón.

Bên cạnh đó, cần triển khai đồng bộ các giải pháp cả trước mắt và lâu dài, trong đó tập trung vào các vấn đề: Hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến sản xuất, kinh doanh phân bón; tăng cường sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với việc chấp hành các quy định của luật pháp; làm tốt công tác tuyên truyền để người dân không tham gia hoặc tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật; việc xử lý vi phạm phải bảo đảm tính răn đe. Lực lượng kiểm tra, kiểm soát cần phối hợp chặt chẽ các cơ quan thông tin đại chúng trong việc đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật thông qua việc cung cấp thông tin, biểu dương người tốt, việc tốt, phê phán đối tượng làm ăn phi pháp; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức QLTT có chuyên môn, nghiệp vụ vững, tác phong làm việc chuyên nghiệp. Có như vậy mới ngăn chặn được nạn sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng như hiện nay. Bà con nông dân mới được hưởng lợi từ những cây trồng được sử dụng sản phẩm tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2013, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 4.689 vụ, phát hiện xử lý 1.483 vụ vi phạm (tăng 31% so với năm 2012), xử phạt hành chính 14,5 tỷ đồng, tịch thu 813.881 kg, 11.830 gói và 1.165 chai phân bón các loại. Phân bón giả, kém chất lượng được phát hiện chủ yếu tại các tỉnh Nam Bộ như An Giang, Long An, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang, chiếm 80% vụ vi phạm phân bón giả trên cả nước.

NG.Hương

Nguồn: Vinanet/nhandan.org.vn

 

Nguồn:Vinanet