menu search
Đóng menu
Đóng

Tình hình sản xuất, xuất khẩu than đá và dự báo

14:33 14/01/2015

Theo số liệu kết quả sản xuất - kinh doanh 11 tháng năm 2014 vừa công bố của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV), tổng sản lượng tiêu thụ than trong 11 tháng ước đạt 31,8 triệu tấn, bằng 91% kế hoạch năm và bằng 107% so với cùng kỳ năm 2013.

(VINANET) – Theo số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ Việt Nam, xuất khẩu than đá của cả nước tính từ đầu năm cho đến hết tháng 11/2014 đều giảm cả về lượng và trị giá, giảm lần lượt 41,52% và giảm 38,60% tương đương với 6,6 triệu tấn, trị giá 502 triệu USD. Tính riêng tháng 11/2014, xuất khẩu mặt hàng than đá so với tháng 10 cũng đều giảm cả lượng và trị giá, với 383,8 nghìn tấn, trị giá 33,5 triệu USD, giảm 25% về lượng giảm 12,7% về trị giá.

Việt Nam xuất khẩu than đá chủ yếu sang thị trường Trung Quốc, chiếm gần 60% tổng lượng xuất khẩu, với 3,9 triệu tấn, trị giá 236 triệu USD, tuy nhiên so với 11 tháng năm 2013 thì xuất khẩu than đá sang thị trường Trung Quốc giảm cả lượng và trị giá, giảm lần lượt 53,99% và giảm 53,56%.

Thị trường chiếm thị phần lớn thứ hai là Hàn Quốc, chiếm 16,3%, tương đương với 1 triệu tấn, trị giá 77,3 triệu USD, tăng 10,9% về lượng và tăng 1,23% về trị giá so với cùng kỳ.

Đứng thứ ba là thị trường Nhật Bản với 825,5 nghìn tấn, trị giá 102,2 triệu USD, giảm 26,91% về lượng và giảm 30,42% về trị giá.

Ngoài ba thị trường chính kể trên, mặt hàng than đá của Việt Nam còn có mặt ở các thị trường khác nữa như: Indonesia, Thái Lan, Lào, Philippin, Malaixia, Ấn Độ.

Đáng chú ý, xuất khẩu than đá trong 11 tháng 2014 so với cùng kỳ năm 2013 thiếu vắng thị trường Oxtraylia.

Nhìn chung, 11 tháng 2014 xuất khẩu than đá sang các thị trường đều có tốc độ giảm cả về lượng và trị giá, số thị trường này chiếm tới 56%.

Cơ cấu thị trường xuất khẩu than đá 11 tháng 2014 – ĐVT: %

(Nguồn số liệu: Thống kê sơ bộ của TCHQ)

Về sản xuất:

Theo số liệu kết quả sản xuất - kinh doanh 11 tháng năm 2014 vừa công bố của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV), tổng sản lượng tiêu thụ than trong 11 tháng ước đạt 31,8 triệu tấn, bằng 91% kế hoạch năm và bằng 107% so với cùng kỳ năm 2013.

Trong đó, xuất khẩu 6,6 triệu tấn; tiêu thụ trong nước 26,4 triệu tấn, đạt 98% kế hoạch năm và bằng 126% so với cùng kỳ năm 2013.

Đánh giá về năng lực sản xuất của ngành than hiện nay, Phó tổng giám đốc TKV khẳng định, thông qua việc đẩy mạnh sắp xếp lại tổ chức quản lý và đổi mới công nghệ, đến nay, sản lượng sản xuất hàng năm của ngành than đã tăng gấp 7 lần so với năm 1995. Năng suất theo đó cũng tăng gấp 4 lần, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu than trong nước và vẫn có thể dành một phần hợp lý để xuất khẩu. Tuy nhiên, ngành than vẫn phải tính toán kỹ bài toán nhập khẩu và xuất khẩu than để đảm bảo mục tiêu quan trọng nhất là cung ứng đủ cho nhu cầu sử dụng trong nước trong điều kiện ngày càng khó khi mở rộng sản xuất.

Từ năm 2011 đến nay, bình quân mỗi năm, TKV sản xuất khoảng 40 triệu tấn than sạch. Năng suất tăng lên, sản lượng khai thác cũng tăng, song cơ cấu xuất khẩu đang hướng tới giảm dần qua từng năm. Cụ thể, năm 2010, ngành than xuất khẩu đạt 18,7 triệu tấn thì đến năm nay chỉ giảm còn khoảng 6,5 triệu tấn; trong đó, TKV xuất khoảng 6 triệu tấn. Từ năm 2015 trở đi, TKV dự kiến chỉ xuất khẩu khoảng 2 triệu tấn theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trong đó, tập trung xuất khẩu đối với những loại than cục, than cám tốt trong nước, chưa có nhu cầu sử dụng để mang lại nguồn giá trị gia tăng.

Liên quan đến vấn đề nhập khẩu than, Phó tổng giám đốc TKV khẳng định, nhập khẩu than là tất yếu bởi đây là nhu cầu đã được tính toán kỹ trong quy hoạch ngành điện và quy hoạch ngành than theo cơ cấu sản lượng ngành điện sau này sẽ chuyển sang sử dụng các nhà máy nhiệt điện chạy than trên một nửa. Năm 2015, ngành than vẫn có thể đáp ứng đủ nhu cầu than trong nước, chỉ phải nhập khẩu khoảng vài trăm nghìn tấn để cho các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng, đốt lò hơi trong các nhà máy công nghiệp. Tuy nhiên, từ năm 2016 trở đi, theo TKV, dù ngành than có tăng năng lực sản xuất tối đa các mỏ hiện nay và tiếp tục đầu tư phát triển thêm các mỏ mới thì cũng chỉ có khả năng đáp ứng được 2/3 nhu cầu sử dụng để phát triển của ngành điện theo quy hoạch, phần còn lại vẫn phải nhập khẩu.

NG.Hương

Nguồn: Vinanet tổng hợp từ các nguồn: Thống kê Hải quan, Đầu tư chứng khoán

Nguồn:Vinanet