menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng quan tình hình kinh tế, xuất nhập khẩu tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2011

09:06 04/08/2011

Kim ngạch xuất khẩu tháng 7 ước đạt 8,4 tỷ USD, giảm 0,7% so với tháng 6 nhưng tăng 38,5% so với tháng 7/2010. Tính chung bảy tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 51,46 tỷ USD, tăng 33,5% so với cùng kỳ, trong đó, xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 23,7 tỷ USD, tăng 32,8%.
 
 


 

Theo báo cáo của Bộ Công Thương trong cuộc họp giao ban trực tuyến tháng 7/2011 ngày 1/8 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Thường trực Lê Danh Vĩnh, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7 ước tăng 9,6% so với cùng kỳ. Tính chung 7 tháng, IIP tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2010; trong đó, công nghiệp khai thác mỏ tăng 1,7%, công nghiệp chế biến tăng 11,9%; sản xuất, phân phối điện, gas, nước tăng 10%. Một số ngành có tốc độ tăng trưởng cao như: sản xuất bia tăng 15,6%; đồ uống không cồn tăng 19,1%; sản xuất sợi, dệt vải và sản xuất trang phục tăng 18,2%; sản xuất giấy, bao bì tăng 18,7%; sản xuất các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 24,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 10,3%.

 

Kim ngạch xuất khẩu tháng 7 ước đạt 8,4 tỷ USD, giảm 0,7% so với tháng 6 nhưng tăng 38,5% so với tháng 7/2010. Tính chung bảy tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 51,46 tỷ USD, tăng 33,5% so với cùng kỳ, trong đó, xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 23,7 tỷ USD, tăng 32,8%.

 

Đóng góp vào bức tranh xuất khẩu trong bảy tháng qua chính là lợi thế từ các mặt hàng chủ lực. Trong đó, đã có 13 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD là: thuỷ sản; cà phê; gạo; cao su; dầu thô; xăng dầu; sản phẩm gỗ; hàng dệt may mặc; giầy dép các loại; đá quý và kim loại quý; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; phương tiện vận tải và phụ tùng.

 

Nhìn chung, xuất khẩu vào các khu vực thị trường đều có mức tăng trưởng khá cao: xuất khẩu vào ASEAN tăng 19,0% và chiếm tỷ trọng 14,3%; xuất khẩu vào Nhật Bản tăng 23,1% và chiếm tỷ trọng 9,9%; xuất khẩu vào Trung Quốc tăng 57,7% và chiếm tỷ trọng 10,5%; xuất khẩu thị trường Mỹ tăng 20,1% và chiếm tỷ trọng hơn 17,9%; xuất khẩu vào EU tăng 47,1% và chiếm tỷ trọng 17,1%.

 

Theo ước tính, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá tháng 7 ước đạt 8,6 tỷ USD, giảm 0,2% so với tháng 6 nhưng tăng 21,2% so với tháng 7/2010.

 

Tính chung bảy tháng, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 58,1 tỷ USD tăng 26,2% so với cùng kỳ, trong đó: kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước đạt 32,69 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 56,3%; kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 25,42 tỷ USD, tăng 29,5% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 43,7% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.

 

Ước nhập siêu 7 tháng gần 6,64 tỷ USD, chiếm 12,9% kim ngạch xuất khẩu, trong đó, khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) nhập siêu hơn 1,7 tỷ USD. Tỷ lệ nhập siêu giảm dần (6 tháng là 14,95%) và chủ yếu từ các nước như Trung Quốc, ASEAN, Hàn Quốc, Đài Loan.

 

Thị trường trong nước tháng 7 ổn định, hàng hóa, dịch vụ phục vụ hè sôi động do nhu cầu mua sắm, vui chơi giải trí tăng. Nguồn cung hàng hóa đa dạng, phong phú về chất lượng và xuất xứ, đổ dồn về hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để đáp ứng nhu cầu thị trường tăng đột biến trong mùa thi đại học, cao đẳng. Vì vậy nên tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội tháng 7 ước đạt 154,4 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng 6; tính chung 7 tháng ước đạt 1.065,8 nghìn tỷ đồng, tăng 22,3% so với cùng kỳ.

 

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tiếp tục tăng 1,17% so với tháng 6 và tăng 14,61% so với tháng 12/2010; bình quân 7 tháng tăng 16,98% so với cùng kỳ.

 

Thực hiện các biện pháp quản lý giá cả; kiểm tra, kiểm soát thị trường, tháng 7 lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 12.773 vụ, xử lý 6.117 vụ vi phạm, thu được trên 20,2 tỷ đồng, trong đó: phạt vi phạm hành chính 12 tỷ; trị giá hàng tịch thu 8 tỷ và truy thu thuế trên 141 triệu đồng.

(Bao Cong Thuong)

Nguồn:Vinanet