menu search
Đóng menu
Đóng

TPP và tác động đối với xuất khẩu cá ngừ Việt Nam

16:00 18/03/2015
Năm 2014, XK cá ngừ tiếp tục giảm hơn 8% so với năm 2013, đạt hơn 484 triệu USD. Các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam được xuất sang 99 thị trường, thu hẹp hơn so với năm 2013. XK sang 2 thị trường chủ lực chiếm 41% tổng cá ngừ XK của Việt Nam là Mỹ và Nhật Bản đều giảm mạnh trong năm 2014.

Năm 2014, XK cá ngừ của Việt Nam tiếp tục giảm hơn 8% so với năm 2013, đạt hơn 484 triệu USD. Các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam được xuất sang 99 thị trường, thu hẹp hơn so với năm 2013. XK sang 2 thị trường chủ lực chiếm 41% tổng cá ngừ XK của Việt Nam là Mỹ và Nhật Bản đều giảm mạnh trong năm 2014.

Năm 2014, XK cá ngừ vẫn giảm do những khó khăn thị trường ngày càng tăng. DN chế biến và XK làm ăn khó khăn dẫn đến thiếu vốn. Các thị trường NK ngày càng khắt khe hơn đối với nguồn gốc của các sản phẩm. Cạnh tranh tại các thị trường ngày càng tăng. Trong khi các nước đối thủ như Ecuador và Philippines đã đạt được những kết quả nhất định trong việc đàm phán thương mại với thị trường lớn như EU, thì tiến trình đàm phán của Việt Nam vẫn còn tiếp tục.

Tháng 1/2015, XK cá ngừ Việt Nam đạt 33,2 triệu USD, giảm 21,8% trong đó XK cá ngừ sang Mỹ và Nhật Bản tiếp tục giảm mạnh hơn và tỷ trọng XK cá ngừ sang 2 thị trường này giảm xuống còn 29%.

Tháng 1/2015, XK cá ngừ Việt Nam sang Nhật Bản đạt 1,5 triệu USD, giảm 50,2% so với cùng kỳ 2014 và chiếm 4,5% tổng XK cá ngừ Việt Nam trong khi XK sang Mỹ đạt 8,2 triệu USD, giảm 53,3% và chiếm 24,7%.

Trong bối cảnh XK khó khăn, các thỏa thuận đàm phán các Hiệp định Thương mại tự do với các nước như Đàm phán Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) được coi như một tín hiệu đáng mừng đối với các DNXK cá ngừ của Việt Nam. Lý do chủ yếu là vì trong TPP có Hoa Kỳ và Nhật Bản – các thị trường NK quan trọng của cá ngừ Việt Nam.

Cơ hội

Hiện đang có 12 nước tham gia đàm phán Hiệp định TPP, bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam.

Nếu TPP được đàm phán thành công, thuế XK sang Nhật Bản sẽ giảm. Hiện nay, thuế NK đối với cá ngừ của Việt Nam sang Nhật Bản khoảng từ 6,4-7,2% trong khi đó Thái Lan và Philippines XK sản phẩm này sang thị trường Nhật Bản có mức thuế 0%. Sự mất lợi thế này sẽ kéo theo các DNXK cá ngừ Việt Nam khó có lãi, giá thu mua nguyên liệu của ngư dân không thể cao hơn.

Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam cho rằng, TPP không chỉ mang lại sự cạnh tranh bình đẳng cho các DNXK cá ngừ sang Nhật khi thuế suất giảm bằng 0%, mà quan trọng hơn sẽ tác động đến thu nhập của ngư dân khai thác cá ngừ 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, nơi có trên 1.800 tàu câu cá ngừ đại dương.

Cũng theo Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, TPP có hiệu lực còn tháo gỡ một nút thắt khác đó là thuế suất NK nguyên liệu để chế biến. Theo ước tính, mỗi năm có khoảng 10.000 tấn cá ngừ đại dương được NK. Thuế suất NK giảm bằng 0% là một lợi thế đối với các DN.

Đối với thị trường Mỹ, khi tham gia TPP, các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận với thị trường này, cũng như thị trường của các nước thành viên khác.

Phần lớn các dòng thuế quan hiện đang áp dụng đối với các sản phẩm thủy sản NK đã tương đối thấp (thuế quan trung bình là 0,3% đối với các loại thủy sản sống; 4,7% đối với thủy sản chế biến), tuy vậy TPP sẽ giúp giảm thuế xuống mức 0% cũng sẽ làm tăng lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm cá ngừ Việt Nam trên thị trường này.

Thách thức

DN của ta sẽ phải vất vả hơn trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm SPS, các hàng rào kỹ thuật TBT (yêu cầu về bao bì đóng gói, ghi nhãn, vận chuyển….) hoặc các biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp…).

Tham gia TPP, DNXK được hưởng lợi thế với thuế suất 0% tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, lợi thế đó lại đi kèm thách thức đối với nghề khai thác cá ngừ của Việt Nam, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngàn gia đình vùng biển.

Khi các rào cản thuế quan được loại bỏ nhờ TPP, rất có khả năng các biện pháp bảo hộ trá hình sẽ xuất hiện nhiều hơn. Như thế, hàng rào này đổ thì hàng rào khác lại dựng lên, với mục tiêu bảo vệ bằng một cách khác cho sản xuất trong nước.

Yêu cầu đối với DN

Các DNXK cá ngừ của chúng ta cần có sự hội nhập, sự chuẩn bị sâu hơn nữa trong sản xuất, chất lượng (bao bì, vệ sinh an toàn thực phẩm), sản lượng ổn định để có thể tận dụng ưu thế sau khi đàm phán TPP thành công.

Chúng ta cần phải chuẩn bị năng lực cạnh tranh để đáp ứng được các yêu cầu XK, thực thi nghiêm túc các cam kết khi đàm phán thành công Hiệp định.

Trong một tương lai có TPP, để tồn tại và phát triển, DNXK cá ngừ Việt Nam vẫn sẽ phải chủ động, sẵn sàng, tự tin vào năng lực thực tế của mình để tăng kim ngạch XK.

Nguồn: vasep.com.vn

Nguồn:Vasep