Cùng với Thái Lan, Nhật Bản là một trong những thị trường NK cá ngừ tươi và đông lạnh lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, nếu Thái Lan NK cá ngừ chủ yếu để làm nguyên liệu cho ngành đồ hộp, thì Nhật Bản chủ yếu NK cá ngừ tươi và đông lạnh chất lượng cao phục vụ cho thị trường sashimi cao cấp.
Có thể nói cá ngừ là nét đặc trưng trong thói quen ẩm thực của người Nhật Bản. Người tiêu dùng nước này chủ yếu ăn cá ngừ tươi dưới dạng sashimi, (cá ngừ luộc sấy khô bào mỏng), các loại fushi khác (philê cá ngừ hun khói và phơi khô), và đồ hộp
Trong các loại cá ngừ thương phẩm, cá ngừ vây xanh phương nam và cá ngừ mắt to là nguyên liệu chế biến sashimi chất lượng cao nhất. Cá ngừ vây vàng vừa dùng làm sashimi vừa dùng để đóng hộp. Cá ngừ vây dài chủ yếu dùng để đóng hộp và một tỷ lệ nhỏ làm sashimi. Cá ngừ vằn thường được dùng để chế biến katsuobushi và các loại fushi khác, ngoài ra còn dùng để đóng hộp và tận dụng làm nguyên liệu chế biến sashimi (takami).
Cách thức tiêu thụ sashimi ở Nhật Bản đã thay đổi theo thời gian. Thực tế là từ những năm 1985 - 1990, việc chế biến sashimi từ cá ngừ vây xanh đánh bắt tự nhiên chất lượng cao đã có xu hướng giảm do nguồn lợi cá ngừ vây xanh ngày càng giảm và các lệnh cấm khai thác đã hạn chế nguồn cung cấp cá ngừ đánh bắt tự nhiên. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng kinh tế vào những năm 1990 đã dẫn đến xu hướng hạn chế chi tiêu cho thực phẩm cao cấp. Do đó, thị trường Nhật Bản chuyển sang sử dụng các loài khác để chế biến sashimi, từ cá ngừ mắt to chuyển sang cá ngừ vây vàng và thậm chí là những loài nhỏ hơn như cá ngừ vây dài và cá ngừ vằn; và gần đây là cá ngừ vây xanh nuôi. Một điều thú vị là người tiêu dùng hiện nay ngày càng đánh giá cao cá ngừ phẩm cấp sashimi không thuộc loài vây xanh, do thịt các loại cá ngừ này có hàm lượng chất béo thấp hơn và nạc hơn, đặc biệt là cá ngừ vây xanh nuôi.
Giá cá ngừ phẩm cấp sashimi tại thị trường Nhật Bản có sự thay đổi rất lớn, phụ thuộc vào các thời điểm tiêu thụ nhiều như Tuần lễ Vàng trong tháng 5, lễ hội Ôbôn từ tháng 7 đến tháng 8 và Năm mới. Đặc biệt, thời điểm tiêu thụ chính ở Nhật Bản là cuối năm cũng là thời điểm giá cá ngừ để chế biến sashimi đạt mức cao nhất. Đây cũng là lúc thu hoạch cá ngừ vây xanh nuôi tại các nước.
Khối lượng và giá trị NK cá ngừ tươi vào Nhật Bản cũng vì thế mà thường tăng đột biến vào thời điểm cuối năm (tháng 11). Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, năm 2011 nước này tiêu thụ khoảng 270 nghìn tấn cá ngừ, tương đương 1,4 tỷ yên, trong đó trung bình NK hơn 2.000 tấn cá ngừ tươi và hơn 15.000 tấn cá ngừ đông lạnh mỗi tháng. Với con số này, có thể nói Nhật Bản là thị trường tiêu thụ cá ngừ lớn nhất thế giới. Ngay cả ở Mỹ, nơi có hơn 10.000 nhà hàng Nhật, cũng chỉ tiêu thụ bằng 17% lượng cá ngừ tiêu thụ của Nhật Bản, Hàn Quốc 8,5%, Trung Quốc 3%, Đài Loan 2,9% và Châu Âu 2,4%.
Hiện tại, để đối phó tình trạng thiếu hụt cá ngừ vây xanh nguyên liệu, Nhật Bản đã tăng cường NK cá ngừ mắt to và cá ngừ vây vàng từ các nước. Năm 2011, Nhật Bản NK hơn 12.000 tấn cá ngừ mắt to tươi, tương đương 130.735 USD, trong đó 5 nước XK cá ngừ mắt to nhiều nhất vào Nhật Bản là Inđônêxia (72.123 USD, chiếm 55%), Palau (9.736 USD - 7,4%), Xri Lanka (8.801 USD – 6,7%), Việt Nam (7.929 USD - 5,2%), Thái Lan (3.864 USD - 3,2%).
Bên cạnh đó, năm qua Nhật Bản cũng NK hơn 13.600 tấn cá ngừ vây vàng tươi, tương đương 140.250 USD, nhiều nhất từ Inđônêxia (49.626 USD, chiếm 35,3%), Thái Lan (21.042 USD – 15%), Đài Loan (12.217 USD – 8,7%), Xri Lanka (9.924 USD – 7%), Ôxtrâylia (9.362 USD – 6,7%). Việt Nam đứng thứ 6 trong 6 nước XK lớn nhất cá ngừ tươi sang thị trường này, đạt 7.742 USD, chiếm 5,5%.
Hai tháng đầu năm 2012, Nhật Bản đã NK từ Việt Nam hơn 236 tấn cá ngừ mắt to tươi, trị giá 3.361 USD, tăng 58% và 303 tấn cá ngừ vây vàng tươi, trị giá 4.275 USD, tăng 100% so với cùng kỳ năm ngoái. Do thuận lợi về vị trí địa lý so với các nước khác nên XK cá ngừ tươi của Việt Nam sang thị trường này tuy còn khiêm tốn nhưng đang ngày càng tăng.
Theo Hải quan Việt Nam, ba tháng đầu năm nay, XK cá ngừ của Việt Nam sang Nhật tăng 99,5% so với cùng kỳ năm 2011, tương đương 26,443 triệu USD. Trong đó, giá trị XK cá ngừ tươi/đông lạnh/khô (mã HS03) chiếm tới hơn 94%, đạt 24,923 triệu USD, tăng 101, 8 % so với cùng kỳ năm 2011.
Với những con số nêu trên, có thể nói XK cá ngừ của Việt Nam sang Nhật Bản ngày càng có xu hướng khả quan. Tuy nhiên, vẫn rất cần sự chủ động nỗ lực từ phía DN trong các khâu sản xuất, chế biến XK, sự hỗ trợ hiệu quả về chính sách đầu tư của các cơ quan nhà nước liên quan, đặc biệt là việc tích cực triển khai tiếp các bước đi nhằm phát triển nghề nuôi cá ngừ đại dương ở nước ta. Bởi chỉ có như vậy mới hy vọng có thể tháo gỡ được bài toán nan giải về “thiếu nguyên liệu” của ngành cá ngừ Việt Nam nói riêng và cả ngành thủy sản nói chung. Đồng thời, chúng ta cũng sẽ mở rộng được cơ hội hợp tác với các nhà đầu tư Nhật Bản đang quan tâm tới ngành.
Nguồn:Tin tham khảo