Con số 10,315 tỉ USD là tổng giá trị kim ngạch XK của nước ta vào các thị trường lớn ở châu Mỹ trong 5 tháng đầu năm 2013, tăng trên 1,5 tỉ USD so với cùng kì năm 2012 (cùng kì 8,779 tỉ USD). Điều đáng mừng hơn là việc nước ta xuất siêu vào các thị trường này tới hơn 7 tỉ USD.
Theo Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2013, châu Mỹ có 8 quốc gia NK hàng hóa từ Việt Nam. Dẫn đầu là Hoa Kỳ với 8,846 tỉ USD. Đây cũng là thị trường XK lớn nhất của nước ta. Tiếp theo là Canada 508,4 triệu USD; Brazil 407,6 triệu USD; Mexico 308,7 triệu USD; Panama 85,7 triệu USD, Chile 83,8 triệu USD; Argentina 75,3 triệu USD; Colombia 62,4 triệu USD.
Xét ở từng thị trường cụ thể, nước ta vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá ở hầu hết các quốc gia. Cụ thể, Hoa Kỳ tăng 1,276 tỉ USD; Canada tăng 88,9 triệu USD; Brazil tăng 153,6 triệu USD; Mexico tăng 17,9 triệu USD; Chile tăng 26,8 triệu USD; Argentina tăng 15,3 triệu USD; Colombia tăng 26,4 triệu USD. Chỉ duy nhất thị trường Panama kim ngạch XK giảm so với cùng kì năm ngoái (giảm 6,3 triệu USD).
Dù chỉ có 8 thị trường chính, nhưng tổng kim ngạch XK vào châu Mỹ vẫn chiếm trên 20,3% tổng kim ngạch XK cả nước (5 tháng cả nước XK đạt 50,653 tỉ USD).
Đặc biệt, các thị trường ở châu Mỹ tiêu thụ rất nhiều hàng hóa thuộc nhóm nông lâm thủy sản hoặc hàng dệt may, da giày của Việt Nam. Đây là những nhóm hàng chiếm một lực lượng lao động đông đảo của nước ta. Điều này là sự khác biệt với nhiều thị trường lớn ở châu Âu hoặc một số thị trường lớn ở châu Á khi các khu vực này dành nhiều tỉ USD cho việc NK các sản phẩm tiêu dùng công nghệ cao ở nước ta như điện thoại, máy tính. Chính vì vậy, việc các nhóm hàng trên mở rộng và tạo được chỗ đứng vững chắc ở thị trường châu Mỹ có tác động không nhỏ trong việc góp phần tạo công ăn việc làm, giúp ổn định đời sống cho phần lớn người lao động trong nước.
Đơn cử như Argentina, tất cả hàng hóa NK từ nước ta đều thuộc các 2 lĩnh vực trên bao gồm: Cao su, dệt may, giày dép. Ở thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ vấn đề này càng được thể hiện rõ nét. Phần lớn các nhóm hàng “tỉ đô”, “trăm triệu đô” XK vào thị trường lớn này thuộc ngành hàng dệt may; giày dép; nông lâm thủy sản. Trong đó, dệt may đạt kim ngạch 3,24 tỉ USD, chiếm gần 50,4% tổng giá trị kim ngạch XK dệt may trong cùng thời điểm (XK dệt may cả nước 6,43 tỉ USD). Giày dép đạt 1,035 tỉ USD, chiếm gần 32,3% tổng giá trị kim ngạch mặt hàng này của cả nước (tổng kim ngạch XK ngành hàng này 3,208 tỉ USD). Các mặt hàng khác XK lớn vào Hoa Kỳ như gỗ và sản phẩm gỗ 710 triệu USD; thủy sản 470 triệu USD; túi xách, ví, vali, mũ và ô dù 317,6 triệu USD; cà phê 175,4 triệu USD; hạt điều gần 173 triệu USD…
Cũng theo Tổng cục Hải quan, đết hết tháng 5, cả nước có 15 thị trường XK từ 1 tỉ USD trở lên gồm: Hoa Kỳ (8,846 tỉ USD); Nhật Bản (5,289 tỉ USD), Trung Quốc (4,948 tỉ USD), Hàn Quốc (2,646 tỉ USD), Đức (1,95 tỉ USD), Malaysia (1,917 tỉ USD), Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (1,598 tỉ USD), Anh (1,425 tỉ USD), Thái Lan (1,36 tỉ USD), Hồng Kông- Trung Quốc (1,325 tỉ USD), Campuchia (1,27 tỉ USD), Australia (1,258 tỉ USD), Hà Lan (1,137 tỉ USD), Singapore (1,035 tỉ USD), Ấn Độ (1,021 tỉ USD). Tổng giá trị kim ngạch của 15 thị trường này chiếm tới 73,09% tổng giá trị kim ngạch XK cả nước trong 5 tháng đầu năm (37,025 tỉ USD/50,653 tỉ USD).
Nhìn vào cơ cấu trên ta thấy sự phân bố khá đồng đều khi có 4/5 châu lục (trừ châu Phi) có thị trường lớn từ 1 tỉ USD trở lên của Việt Nam. Nếu xét về số lượng, châu Á là khu vực có số lượng bạn hàng lớn nhiều nhất của Việt Nam với 10 quốc gia, vùng lãnh thổ; tiếp đến là châu Âu có 3 quốc gia, còn lại 1 ở châu Mỹ, 1 thuộc châu Đại Dương.
(HQ)
Nguồn:Hải quan Việt Nam