Tăng trưởng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước chỉ đạt 4,3%, còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài lại có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ở mức 36,4%.
Khu vực FDI: Xuất khẩu vượt trội
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 4-2012 ước tính đạt 8,6 tỷ USD, giảm 9,3% so với tháng trước và tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2011. Tính chung 4 tháng đầu năm 2012, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 33,4 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước chỉ đạt 12,8 tỷ USD, với mức tăng trưởng khiêm tốn là 4,3%; trong khi đó khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) lại đạt 20,6 tỷ USD, tăng tới 36,4%.
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên khối doanh nghiệp FDI đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vượt trội hơn hẳn doanh nghiệp trong nước như vậy.
Số liệu của Tổng cục Thống kê vào quý I-2012 cũng cho thấy: Quý I-2012, xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước có xu hướng chậm lại, chỉ đạt 8,98 tỷ USD (tương đương cùng kỳ 2011). Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp FDI đạt kim ngạch xuất khẩu trên 15,54 tỷ USD, tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 4-2012 của khối doanh nghiệp FDI đạt 17,5 tỷ USD. Như vậy, tính đến tháng 4-2012, khu vực FDI đã xuất siêu 9 tháng liên tiếp.
FDI: Nắm giữ nhiều lợi thế
Một số mặt hàng xuất khẩu đạt mức tăng trưởng cao như điện thoại các loại và linh kiện (đạt 3,5 tỷ USD, tăng 154% so với cùng kỳ năm trước); điện tử, máy tính và linh kiện (đạt 2,1 tỷ USD, tăng 98,6%)... đã phần nào lí giải cho tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao của doanh nghiệp FDI.
Thế nhưng, theo phân tích của các chuyên gia, nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp FDI đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao hơn hẳn các doanh nghiệp trong nước là nhờ những ưu thế vượt trội mà khối doanh nghiệp này đang nắm giữ.
Trong khi các doanh nghiệp trong nước “oằn mình” vì lãi suất cho vay cao ngất ngưởng 18-20% thì khối doanh nghiệp FDI lại được hưởng mức lãi suất chỉ từ 3-4%/năm. Lí do là các doanh nghiệp FDI có thể tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại ngoài nước, còn các doanh nghiệp trong nước thì ngược lại.
Mặt khác, những lợi thế hơn hẳn về thị trường tiêu thụ cộng thêm những ưu đãi về thuế, về đất đai… khi các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam đã “chắp thêm cánh” cho các doanh nghiệp này cất cánh, bất chấp bức tranh kinh tế Việt Nam còn nhiều khoảng tối.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Bích cho biết: “Dù thành phần kinh tế nào tham gia vào xuất khẩu thì cũng là tích cực. Điều quan trọng là phải thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ để tăng cường tỉ lệ nội địa hóa, nâng cao giá trị xuất khẩu”. Nhưng kết quả xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2012 cũng thêm một lần gióng lên hồi chuông báo động về tình hình “sức khỏe” của doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia cuộc chơi toàn cầu rộng lớn.
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 4-2012 ước tính đạt 9 tỷ USD, giảm 0,6% so với tháng trước và xấp xỉ cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 33,6 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2011, bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 16,1 tỷ USD, giảm 11,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 17,5 tỷ USD, tăng 25,9%.
Nhập siêu tháng 4 ước tính 400 triệu USD, bằng 4,7% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Nhập siêu bốn tháng đầu năm là 176 triệu USD, bằng 0,5% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.
(HQ)
Nguồn:Hải quan Việt Nam