menu search
Đóng menu
Đóng

Xuất khẩu gạo sôi động, nguồn cung hạn chế

14:17 22/07/2009
Tuần qua, thị trường lúa gạo tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trở nên sôi động, giá liên tục tăng.
Hiện nông dân đang bán lúa hè thu giống IR 50404 với giá 3.800 – 4.000đ/kg, lúa hạt dài loại tốt 4.350 – 4.500đ/kg. Giá gạo loại một khoảng 5.600 đồng/kg, gạo loại hai khoảng 5.300-5.400 đồng/kg. Giá gạo 5% tấm từ 7.000 - 7.020 đồng/kg, gạo 15% tấm khoảng 6.500 đồng/kg. Giá thu mua gạo tăng chủ yếu do doanh nghiệp tập trung thu mua để giao hàng những hợp đồng đã ký.
Tổng số lượng gạo mà doanh nghiệp đã ký từ đầu năm đến nay là 5,2 triệu tấn, trong đó đã giao 3,86 triệu tấn, số còn lại 1,34 triệu tấn sẽ được giao vào những tháng cuối năm.
Cục Quản lý giá dự báo giá gạo xuất khẩu Việt Nam trong sáu tháng cuối năm sẽ tăng so với những tháng trước, do nhu cầu các nước nhập khẩu gạo Việt Nam đang tăng trở lại. Một trong những nguyên nhân là do Chính phủ Thái Lan tạm hoãn bán ra 2 triệu tấn gạo dự trữ do đồng baht tăng giá so với USD, khiến giá gạo Thái Lan gần đây cao hơn nhiều so giá gạo Việt Nam.
Chỉ tính 15 ngày đầu tháng 7, doanh nghiệp đã ký bán 195.000 tấn gạo, nâng tổng số lượng gạo đã ký từ đầu năm đến nay lên 5,2 triệu tấn; trong đó giao 3,85 triệu tấn, đạt giá trị 1,8 tỉ USD (CIF), còn lại 1,4 triệu tấn sẽ giao trong các tháng cuối năm. VFA khẳng định, so với chỉ tiêu dự kiến xuất khẩu 6 triệu tấn năm nay, thì số lượng gạo chưa ký hợp đồng chỉ còn 600.000 tấn.
Như vậy, yếu tố kích giá lúa gạo tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua, chủ yếu là do doanh nghiệp tập trung thu mua để giao hàng những hợp đồng đã ký. Bên cạnh đó, việc thương nhân Campuchia đang đổ xô mua vét gạo thơm và gạo trắng 5% xuất ngược sang Thái Lan cũng góp phần làm thị trường sôi động.
Thị trường thuận lợi
Theo dự báo những tháng tới, thị trường gạo thế giới cho dù sức mua chậm lại, nhưng nhu cầu vẫn còn khá lớn. Ngày 22.7 , Philippines sẽ mở thầu nhập 75.000 tấn để làm khung giá chuẩn cho lô hàng khoảng 700.000 tấn dự kiến mua từ đây đến cuối năm.
Thông tin giá gạo từ một số nước xuất khẩu chính như Thái Lan, Ấn Độ đang đưa đến lợi thế cho doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu lô hàng này và toàn bộ số lượng gạo còn lại mà nước này sẽ dự kiến nhập. Một nguồn tin cho hay, hiện doanh nghiệp Thái Lan không thể bỏ thầu giá gạo trắng 5% tấm dưới 600 USD, vì mức giá này được Chính phủ mua trợ giá cho nông dân, chưa tính lãi suất, thời gian lưu kho.
Cũng chính vì giá thành gạo mua vào quá cao, trong khi xu hướng giá thế giới năm nay giảm, đứng ở mức thấp nên thời gian qua, doanh nghiệp Thái Lan không thể bán ra 7 triệu tấn gạo (4 triệu tấn đang được Chính phủ mua thêm). Hơn 1 triệu tấn gạo mà Ấn Độ dự kiến bán cũng bị neo lại, một phần do giá mua dự trữ cao, phần vì bất ổn chính trị.
Không chỉ có Philippines, từ đầu năm đến nay, nước láng giềng Malaysia mới mua của Việt Nam 500.000 tấn, còn 100.000 tấn theo kế hoạch nhập vào cuối năm nay, và dự kiến sẽ mua gạo của Việt Nam. Châu Phi, Trung Đông, Cuba, Hàn Quốc, Nhật… cũng còn nhu cầu trong những tháng cuối năm, đưa đến điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp bán hết gạo.
Lo không đủ gạo bán
Theo tính toán, những tháng còn lại của năm 2009, sau khi trừ dự trữ giống, ăn, chăn nuôi, an ninh lương thực, sản lượng gạo hàng hoá còn lại có thể bán ra khỏi đồng bằng sông Cửu Long là 2 triệu tấn.
Dù lượng lúa hàng hoá cần bán khá lớn, nhưng hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, tiến độ ký hợp đồng xuất khẩu mới thời gian gần đây đã tăng khá mạnh như kể trên.
Thị trường xuất khẩu gạo sôi động đang đặt ra vấn đề là doanh nghiệp phải biết điểm dừng khi ký hợp đồng mới, nếu không sẽ hết gạo để giao hàng.
Chân hàng trong kho doanh nghiệp hiện còn ít để chuẩn bị giao thêm 1,4 triệu tấn đã ký cho khách hàng trong những tháng tới đây. Lượng gạo chưa giao này, phụ thuộc hoàn toàn vào năng suất, sản lượng, phẩm cấp lúa hè thu, thu đông và vụ mùa, dự kiến có khoảng 2 triệu tấn gạo.
Tuy nhiên, nhiều địa phương báo cáo diện tích lúa chất lượng thấp IR 50404 gieo sạ khá cao, có nơi lên tới 25 – 30%, trong khi số gạo đã ký hợp đồng và nhu cầu các nước những tháng cuối năm lại cần gạo cấp cao.
Số lượng lúa chất lượng cao còn lại, doanh nghiệp cũng không dễ dàng mua vì còn phải cạnh tranh với thương nhân Campuchia. Hơn nữa, nếu doanh nghiệp mua và ký bán hết lượng gạo này (2 triệu tấn), thì sẽ không còn chân hàng để ký bán cho những tháng đầu năm 2010.

Nguồn:Vinanet