Theo kết luận của Chủ tịch Trương Thanh Phong tại cuộc họp BCH Hiệp hội Lương thực Việt Nam đầu tháng 6/2013 có một số nội dung chủ yếu sau:
Đánh giá tình hình xuất khẩu gạo trong tháng 5/2013 với 648.359 tấn, trị giá FOB là 273,449 triệu USD, trị giá CIF là 292,052 triệu USD, giá xuất khẩu bình quân FOB là 421,76 USD/tấn. So với tháng 4/2013 về số lượng giảm 7,5%, trị giá FOB giảm 9,2% và giá bình quân cũng giảm 7,91 USD/tấn. So với cùng kỳ năm 2012 về số lượng giảm 17,7%, trị giá FOB giảm 20,6% và giá bình quân giảm 15,57 USD/tấn.
Xuất khẩu gạo trong tháng 5/2013 chỉ đạt 86% kế hoạch đề ra do tiến độ giao hàng chậm so với hợp đồng đã ký kết, xuất phát từ tồn kho nơi đến còn nhiều, tiêu thụ chậm và xu hướng giá thị trường sụt giảm, khách hàng trì hoãn nhập hàng.
Tuy nhiên, tính đến ngày 31/5/2013 số lượng gạo đã xuất đạt 2,787 triệu tấn, trị giá FOB 1,211 tỷ USD, trị giá CIF 1,268 tỷ USD và giá bình quân FOB đạt 434,4 USD/tấn. So với cùng kỳ năm 2012 về số lượng tăng 10,1%, trị giá FOB tăng 4,6%, trị giá CIF tăng 7,3% nhưng giá bình quân đã giảm 22,81 USD/tấn. Như vậy, tính chung 5 tháng đầu năm 2013 số lượng xuất khẩu gạo vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm 2012 nhưng giá trị tăng thấp hơn do giá xuất khẩu giảm đáng kể. Hợp đồng tập trung chiếm 14,1% và hợp đồng thương mại chiếm 85,9%.
Thị trường xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2013 gồm có: khu vực châu Á chiếm 62,3%, châu Phi chiếm khoảng 22%, châu Mỹ chiếm 10,8%, châu Âu chiếm 3,4%, còn lại là các khu vực khác.
Các quốc gia nhập khẩu chính gồm có: Trung Quốc, các nước châu Phi, Cu ba, Philippines, Malaysia, Hong Kong.
Chất lượng gạo xuất khẩu gồm: gạo trắng cao cấp chiếm 35,6%, loại trung bình chiếm 26,3%, loại cấp thấp chiếm 11,2%, tấm chiếm 6,6%, gạo thơm chiếm 12,8%, nếp chiếm gần 6%, gạo đồ 1,2% và lúa chiếm khoảng 0,4%.
Giá gạo xuất khẩu giao dịch trong tháng 5/2013 khá ổn định so với tháng trước. Giá xuất khẩu bình quân trong 5 tháng đầu năm 2013 đã giảm gần 23 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2012.
Hợp đồng đăng ký trong tháng 5/2013 là 736.254 tấn gạo các loại, tăng 0,55% so với tháng trước và tăng 105,6% so với cùng kỳ năm 2012. Tính chung đến ngày 31/5/2013 hợp đồng đăng ký là 4,766 triệu tấn, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2012, gồm cả 483.000 tấn của năm 2012 chuyển sang (sau khi đã trừ số lượng hợp đồng không thực hiện). Số lượng hợp đồng còn lại giao hàng từ tháng 6/2013 là 1,979 triệu tấn, trong đó hợp đồng tập trung là 254.000 tấn và hợp đồng thương mại là 1,725 triệu tấn. Như vậy, hợp đồng chưa giao hàng còn nhiều, nhưng cũng còn rủi ro hủy nhiều hợp đồng do thị trường biến động.
Giá lúa gạo trong nước trong tháng 5/2013 tiếp tục giảm nhưng loại gạo hạt dài chỉ giảm nhẹ trong khi giá gạo loại thường giảm nhiều, nhất là lúa đầu vụ Hè Thu chất lượng kém, giá lúa tại ruộng chưa xử lý giảm mạnh. Ngày 31/5/2013, giá lúa hạt dài bình quân là 5.289 đồng/kg và giá lúa thường bình quân là 5.043 đồng/kg, so với giá thành bình quân lúa vụ Hè Thu năm 2013 toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Tài chính công bố là 4.142 đồng/kg.
Theo đánh giá của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tình hình thị trường gạo thế giới vẫn tiếp tục xu hướng sụt giảm do cung cấp thừa. Tình hình chung là các quốc gia xuất khẩu tiếp tục tăng sản lượng và tồn kho lớn do các chính sách trợ giá, kích thích sản xuất như Thái Lan và Ấn Độ, một số nước khác như Campuchia, Myanmar tích cực cải cách, thúc đẩy đầu tư khai thác tiềm năng nông nghiệp, làm tăng sản lượng và xuất khẩu gạo.
Trong khi đó, các quốc gia nhập khẩu chính cũng đẩy mạnh sản xuất trong nước để giảm nhập khẩu và tiến đến tự túc lương thực như Phlippines và Indonesia, cho dù giá thành sản xuất cao hơn giá nhập khẩu. Tình hình này sẽ tác động đến thị trường gạo trong vài năm sắp tới nếu không có những yếu tố điều chỉnh mới.
Yếu tố tích cực hiện nay là nhập khẩu tăng từ Trung Quốc và châu Phi. Trái với nhiều dự báo trước đây là nhập khẩu của Trung Quốc và châu Phi sẽ giảm do năm 2012 nhập nhiều và tồn kho gối đầu còn lớn, tiến độ nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm 2013 cho thấy lượng nhập khẩu của 2 thị trường này tăng mạnh và dự báo sẽ cao hơn năm trước.
Trung Quốc nhập khẩu tăng do chênh lệch nhiều giữa giá quốc tế và nội địa, ngoài ra, vấn đề gạo trong nước bị ô nhiễm cũng kích thích nhu cầu nhập khẩu. Châu Phi nhu cầu tiêu thụ tăng trong khi sản lượng sụt giảm nên nhập khẩu cũng sẽ cao hơn. Nhưng trong 2 thị trường này thì Trung Quốc giá thấp mới nhập, còn châu Phi cũng giá thấp mới cạnh tranh được với Ấn Độ.
Philippines và Indonesia vẫn còn là ẩn số và phải chờ đến quý III/2013 để xác định sản lượng và nhu cầu nhập khẩu.
Việt Nam tiếp tục giữ tiến độ xuất khẩu ổn định, chủ yếu dựa vào 2 thị trường chính là Trung Quốc và châu Phi, nhưng giá thấp do đặc điểm nhu cầu của 2 thị trường này và phải cạnh tranh để bán ra. Vấn đề tiêu thụ lúa gạo 6 tháng cuối năm 2013 sẽ tùy thuộc nhiều vào nhu cầu nhập khẩu thêm từ Philippines và kế hoạch nhập khẩu của Indonesia.
Căn cứ vào tình hình ký kết hợp đồng và khả năng giao hàng, Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự kiến kế hoạch xuất khẩu gạo trong tháng 6/2013 khoảng 750.000 tấn, tính chung quý II/2013 là 2,1 triệu tấn; quý I/2013 đã xuất khẩu 1,45 triệu tấn. Như vậy 6 tháng đầu năm 2013 dự kiến xuất khẩu được 3,55 triệu tấn (giảm khoảng 100.000 tấn so với kế hoạch của tháng trước).
Hiệp hội Lương thực Việt Nam sẽ điều hành xuất khẩu trong thời gian tới theo hướng sau: Tập trung đẩy mạnh tiến độ xuất khẩu và hoàn thành kế hoạch xuất khẩu quý II/2013, chuẩn bị tiêu thụ lúa gạo vụ Hè Thu năm 2013 trọng điểm vào tháng 7 và 8 năm 2013.
Để tạo điều kiện tiêu thụ lúa gạo vụ Hè Thu 2013, loại chất lượng thấp vào đầu vụ thu hoạch, điều chỉnh giá sản xuất khẩu như sau: gạo 25% tấm giá 365 USD/tấn, gạo 35% tấm giá 360 USD/tấn FOB Cảng Việt Nam. Các loại gạo khác do thương nhân tính toán hiệu quả và quyết định giá bán. Chuẩn bị triển khai kế hoạch mua tạm trữ lúa, gạo vụ Hè Thu năm 2013 khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 15/6 đến ngày 31/7/2013.
Về thị trường Iraq, trong khi chờ chương trình họp của Ủy ban liên chính phủ về xuất khẩu gạo vào Iraq theo hợp đồng tập trung, các thương nhân có thể giao dịch bán gạo vào Iraq thông qua nhập khẩu tư nhân.
Trong tình hình sản xuất loại gạo hạt dài thừa so với nhu cầu và giá thấp hiện nay, Hiệp hội Lương thực Việt Nam kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu khuyến khích trồng các giống gạo hạt tròn Japonica, có thể phát triển ở Việt Nam để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ còn nhiều và giá tốt, nâng cao hiệu quả sản xuất và xuất khẩu.
Cũng tại cuộc họp lần này, BCH Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã thống nhất kết nạp các hội viên mới đủ điều kiện theo quy chế kết nạp hội viên, trong đó có 2 doanh nghiệp ở tỉnh Long An được kết nạp là Hội viên chính thức đó là: Công ty TNHH Dương Vũ - Long An và Doanh nghiệp tư nhân Khánh Tâm – Long An./
(SCT Long An)
Nguồn:Tin tham khảo