menu search
Đóng menu
Đóng

Xuất khẩu gạo - tiềm ẩn những nỗi lo

14:35 27/04/2012
Khác với sự trầm lắng trong quý 1, sang quý 2 này, xuất khẩu gạo nước ta đã sôi động hẳn lên. Trong đó, có sự đóng góp không nhỏ từ thị trường Trung Quốc. Nhưng thị trường này cũng đang tiềm ẩn những nỗi lo không nhỏ.

Khác với sự trầm lắng trong quý 1, sang quý 2 này, xuất khẩu gạo nước ta đã sôi động hẳn lên. Trong đó, có sự đóng góp không nhỏ từ thị trường Trung Quốc. Nhưng thị trường này cũng đang tiềm ẩn những nỗi lo không nhỏ.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), đến ngày 24-4, các doanh nghiệp đã đăng ký hợp đồng xuất khẩu được 4,219 triệu tấn, cao hơn tới 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, trong tháng 3 vừa rồi, lượng gạo đăng ký xuất khẩu đạt tới 1,83 triệu tấn, tăng tới 278% so với tháng 2-2012. Đây là mức kỷ lục của một tháng từ xưa tới giờ (trước đây, tháng ký xuất khẩu được nhiều nhất là 1 triệu tấn).

Trong hơn 4 triệu tấn đã ký hợp đồng, thì thị trường Trung Quốc đã chiếm gần 1 triệu tấn. Đây là một con số rất ấn tượng vì trong cả năm ngoái lượng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường chính ngạch chỉ đạt trên 200 ngàn tấn. Bên cạnh đó, đến hết quý 1, theo ước tính của ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch VFA, đã có khoảng 500 ngàn tấn gạo được xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch.

Sở dĩ hợp đồng xuất khẩu gạo sang Trung Quốc tăng mạnh một phần do sản xuất gạo ở nước này gặp bất lợi, phần khác do nhu cầu sử dụng gạo ở Trung Quốc tăng cao. Nhu cầu này trước hết đến từ áp lực gia tăng dân số ở Trung Quốc khiến cho dù là nước sản xuất gạo lớn nhất thế giới, nhưng Trung Quốc vẫn cần phải nhập khẩu thêm nhiều gạo từ bên ngoài. Mặt khác, tỷ lệ người dân Trung Quốc sử dụng gạo làm lương thực chính cũng tăng nhiều so với trước đây. Theo ông Phạm Văn Bảy, trong chuyến khảo sát vừa rồi của VFA tại Trung Quốc cho thấy, 15 năm trước, có 52% dân số Trung Quốc ăn gạo, 48% còn lại ăn bột mì. Đến nay, số dân Trung Quốc sử dụng gạo đã lên tới 60%, người sử dụng bột mì giảm xuống còn 40%. Ở một đất nước mà dân số đã tới gần 1,34 tỷ người trong năm 2011, tỷ lệ 8% dân số chuyển từ bột mì sang dùng gạo làm lương thực chính trong những năm qua là rất lớn.

Cũng theo ông Phạm Văn Bảy, trước đây, Trung Quốc ít quan tâm đến gạo Việt Nam vì họ chỉ ăn chủ yếu loại gạo hạt tròn, trong khi gạo xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là gạo hạt dài. Nhưng đến nay, dân Trung Quốc đã bắt đầu quen với gạo hạt dài của nước ta. Do đó, thay vì nhập khẩu gạo từ các nước khác, thương nhân Trung Quốc đang ngày càng quan tâm nhiều hơn tới gạo Việt Nam. Trung Quốc lại là thị trường có thể dung nạp nhiều loại gạo, từ gạo phẩm cấp thấp, phẩm cấp trung bình tới gạo cấp cao, gạo thơm. Đợt khảo sát vừa rồi của VFA cũng ghi nhận được rằng Trung Quốc vẫn đang tiếp tục có nhu cầu nhập khẩu gạo trong những tháng tới. Đó là một tin vui cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam.

Tuy nhiên khác với các nước nhập khẩu gạo khác, Trung Quốc luôn giữ bí mật lượng gạo cần phải nhập khẩu. Chính vì thế, dù bây giờ gạo Việt Nam đang "chảy” mạnh sang Trung Quốc, nhưng dòng chảy này bị phía Trung Quốc ngưng lại vào thời điểm nào, thì cả VFA lẫn các doanh nghiệp vẫn chưa thể nào biết được. Hỏi các nhà lãnh đạo VFA, không ai dám nói nhu cầu nhập khẩu gạo của Trung Quốc trong năm nay là bao nhiêu. Chỉ có một số thương nhân, qua những kênh thông tin riêng của họ, có mạnh dạn đưa ra một số dự báo, nhưng con số lại rất khác nhau. Do đều là những nguồn tin không chính thống, nên tâm lý của các doanh nghiệp đang xuất khẩu gạo sang Trung Quốc hiện nay là vừa bán, vừa nghe ngóng.

Bên cạnh đó, do chưa có truyền thống xuất khẩu gạo qua đường chính ngạch sang Trung Quốc, nên việc thanh toán giữa doanh nghiệp Việt Nam với nhà nhập khẩu gạo Trung Quốc, vẫn còn những khó khăn nhất định. Chẳng hạn như nhiều doanh nghiệp Trung Quốc chưa sử dụng hình thức thanh toán phổ biến trên thế giới là qua L/C (thanh toán tín dụng thư, được thanh toán bởi ngân hàng phát hành hoặc ngân hàng xác nhận thông qua một ngân hàng thông báo trong một khoảng thời gian xác định khi xuất trình đủ các loại chứng từ phù hợp với các điều kiện, điều khoản), mà chủ yếu thanh toán theo kiểu đưa hàng đến tận nơi cho họ thì mới giải ngân. Hình thức thanh toán này rõ ràng dễ gây rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu, như bị nhà nhập khẩu dây dưa, chậm thanh toán, thậm chí là "không thèm” thanh toán...

Chính vì vậy, việc VFA thành lập hẳn một Trung tâm xúc tiến xuất khẩu gạo cao cấp Việt Nam, mà mục tiêu hàng đầu là thị trường Trung Quốc, có thể coi là bước đi cần thiết để giúp cho hạt gạo Việt Nam thâm nhập sâu hơn và đứng vững chân trên thị trường rất gần và cũng rất có tiềm năng này. Trước mắt, Trung tâm sẽ tiến hành các hoạt động khảo sát, xúc tiến xuất khẩu vào vào các tỉnh như Quảng Đông, Phúc Kiến, Chiết Giang... vốn là khu vực có truyền thống sử dụng gạo làm lương thực chính và đã bắt đầu quen với hạt gạo Việt Nam.

(ĐĐK)

Nguồn:Tin tham khảo