menu search
Đóng menu
Đóng

Xuất khẩu gạo trong tháng 5/2009 giảm nhẹ về lượng và trị giá

10:08 20/07/2009
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục hải quan, lượng gạo các loại xuất khẩu của nước ta trong tháng 5 đạt 664,79 nghìn tấn với kim ngạch 333,21 triệu USD, giảm nhẹ 6,51% về lượng và 4,19% về kim ngạch so với tháng 4/2009, so với cùng kỳ năm 2008 giảm 24,92% về kim ngạch nhưng lại tăng 18,76% về lượng. Như vậy, tổng lượng gạo Việt Nam xuất khẩu được trong 5 tháng đầu năm trên 3,15 triệu tấn, đạt kim ngạch 1,49 tỉ USD, đều tăng 41,12% về lượng và 18,36% về kim ngạch so với 5 tháng đầu năm 2008.
Từ giữa tháng 5 đến đầu tháng 6, thị trường gạo trong nước trở lên trầm lắng, giá gạo giảm mạnh do nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã mua đủ gạo thực hiện hợp đồng nên hạn chế lượng gạo mua vào. Bên cạnh đó, hai nước xuất khẩu gạo lớn là Ấn Độ, Thái Lan đã thông báo tung ra thị trường khoảng 5 triệu tấn gạo khiến giá gạo giảm mạnh. Như giá gạo trắng 5% tấm có lúc đã giảm dần xuống dưới ngưỡng 400 USD/T, thậm chí có lúc chỉ còn 380 USD/T, so với giá xuất khẩu 460 USD/T hồi đầu năm. Tuy nhiên, những ngày vừa qua giao dịch mua bán gạo Việt Nam đã sôi động trở lại, giá tăng từ 5-10 USD/T, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đã tăng lên mức 410 USD/T.
Về diễn biến sản xuất lúa gạo trong nước: Hiện nay, lúa vụ Đông Xuân các tỉnh tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch xong. Giá lúa hiện đang đứng ở mức 4.100-4.300 đ/kg tuỳ theo chất lượng và tuỳ theo từng địa phương. Giá gạo nguyên liệu loại 1 hiện khoảng 5.600-5.630 đ/kg, giá gạo nguyên liệu loại 2 khoảng 5.100-5.200 đ/kg. Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì khoảng 6.850-6.900 đ/kg, gạo 15% tấm khoảng 6.400-6.500 đ/kg, gạo 25% tấm ở mức 5.600-5.650 đ/kg. Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, đến cuối tháng 6 nông dân Đồng bằng sông Cửu Long theo kế hoạch sẽ gieo sạ hết 1,6 triệu ha  lúa hè. Dự kiến, sẽ có khoảng 2 triệu tấn gạo hàng hoá cần tiêu thụ trong quý III/2009.
Vừa qua, để đảm bảo không chia cắt thị trường lưu thông và hoạt động kinh doanh lúa gạo trong nước cũng như xuất khẩu, Thủ tướng đã có quyết định không giao chỉ tiêu xuất khẩu gạo hàng năm cho các tỉnh. Công tác điều hành các hoạt động liên quan đến tiêu thụ, xuất khẩu gạo phải bám sát các yêu cầu như: tiêu thụ hết, không để tồn đọng gạo hàng hoá, đảm bảo giá có lời cho nông dân và bình ổn giá lương thực hợp lý trong nước. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, khách hàng xuất khẩu với giá hiệu quả nhất. Như vậy, đây là điều kiện sẽ tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp chủ động đàm phán ký hợp đồng, mua hết lúa cho nông dân. Do đó, lượng gạo xuất khẩu trong năm nay có thể lên tới 6 triệu tấn chứ không dừng lại ở con số 4-4,5 triệu tấn như dự kiến ban đầu.
Về thị trường xuất khẩu: Trong tháng 5/2009, xuất khẩu gạo sang thị trường Philippine vẫn duy trì đạt kim ngạch cao nhất, trên 213,37 triệu USD với lượng gạo trên 389,83 nghìn tấn, đều tăng 13,71% về lượng và 13,37% về kim ngạch so với tháng 4/2009, tuy có giảm nhẹ 7,06% về kim ngạch nhưng lại tăng 39,93% về lượng so với tháng 5/2008. Nâng tổng lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường này 5 tháng đầu năm lên 1,38 triệu tấn với 752,37 triệu USD, tăng 32,64% về lượng và tăng 29,67% về trị giá so với 5 tháng cùng kỳ năm 2008. Thị trường này vẫn là một trong những khách hàng lớn nhất của Việt Nam đã thông báo sẽ mua thêm khoảng 700.000 tấn gạo kể từ tháng 7, nâng tổng số gạo quốc gia này nhập khẩu từ Việt Nam lên đến 2,2 triệu tấn.
Tiếp đến là thị trường Cu Ba, một thị trường xuất khẩu gạo mới của nước ta. Lượng gạo Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này trong tháng là 73,55 nghìn tấn đạt kim ngạch 32,23 triệu USD, tăng mạnh cả về lượng và trị giá so với tháng trước cụ thể tăng 226,89% về lượng và 224,85% về trị giá. Tính chung 5 tháng đầu năm, lượng gạo xuất khẩu sang đây đạt 211,65 nghìn tấn với 89,18 triệu USD.
So với tháng 5/2008, trong tháng 7 năm nay, thị trường có mức tăng mạnh là Singapore đạt 32,52 tấn với kim ngạch 13,15 triệu USD, tăng 1.843,51% về lượng và tăng 949,29% về trị giá, tăng nhẹ 9,74% về lượng và 5,79% về trị giá so với tháng trước. Ngược lại, thị trường có mức giảm đáng kể là Malaysia đạt 27,58 nghìn tấn với 12,42 triệu USD, giảm 72,68% về lượng và 71,74% về kim ngạch so với tháng 4/2009, giảm 71,51% về lượng và 81,69% về kim ngạch so với tháng 5/2008.
Một số thị trường xuất khẩu gạo trong 5 tháng đầu năm 2009
Thị trường
5T/2009
So 5T/2008
Lượng (tấn)
Kim ngạch (1000 USD)
Lượng (%)
Trị giá (%)
Philippine
1.383.609
752.373
32,64
29,67
Cuba
211.650
89.183
 
 
Singapore
119.285
50.678
465,12
366,19
Malaysia
295.560
128.802
43,90
0,5
Đài Loan
58.217
23.785
247,81
185,0
Nam Phi
30.073
12.995
707,76
670,44
Hồng Kông
10.726
4.629
539,98
342,17
Ucraina
22.041
9.368
503,86
419,94
Nga
41.421
17.960
51,71
29,81
Tây Ban Nha
3.914
1.523
 
 
Bỉ
6.968
2.580
 
 
Pháp
1.775
826
-38,5
-52,07
Australia
2.747
1.787
230,17
185,99
Nhật Bản
4.142
1.708
-62,51
-59,65
Hà Lan
632
354
-78,3
-76,83
UAE
2.631
1.170
 
 
Ba Lan
4.163
1.764
27,27
2,49
 
Về chủng loại xuất khẩu: gạo 25% tấm vẫn là chủng loại được xuất khẩu nhiều nhất trong tháng 5 vừa qua, với lượng đạt trên 253,9 nghìn tấn với kim ngạch đạt 137,39 triệu USD, giảm 25,08% về lượng và 26,07% về trị giá so với tháng trước. Còn so với cùng kỳ năm ngoái, thì giảm nhẹ 1,35% về lượng và 35,21% về trị giá. Tính chung 5 tháng đầu năm, chủng loại gạo này đã đạt 1,41 triệu tấn với kim ngạch 694,79 triệu USD, tăng 47,65% về lượng và 29,65% về trị giá so với 5 tháng năm 2008.
Tiếp đến là gạo 15% tấm, lượng gạo xuất khẩu đạt gần 246,95 nghìn tấn với kim ngạch 123,69 triệu USD, tăng trưởng đáng kể so với tháng trước, đứng ở mức 390,4% về lượng và 472,47% về trị giá. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 5/2009, chủng loại gạo này chỉ xuất được 520,23 nghìn tấn, tương ứng kim ngạch 233,67 triệu USD, tuy tăng 60,7% về lượng song vẫn giảm nhẹ 0,79% về trị giá so với 5 tháng đầu năm 2008.
Về doanh nghiệp xuất khẩu: Trong tháng này có khoảng 86 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo, tăng khoảng 9 doanh nghiệp so với tháng trước. Có đến 23 doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu trên 1 triệu USD trở lên. Dẫn đầu vẫn là TCT lương thực miền Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 222,714 triệu USD sang một số thị trường như: Philippine, Malaysia, Kenya… Tiếp đến là Tcty lương thực miền Bắc đạt 32,94 triệu USD sang Cuba, Nga…
Một số doanh nghiệp khác cũng đạt kim ngạch cao như: Cty TNHH xuất nhập khẩu Kiên Giang (8,74 triệu USD), Cty cổ phần xuất nhập khẩu An Giang (4,97 triệu USD), Cty du lịch thương mại Kiên Giang (4,83 triệu USD)….
 

Nguồn:Vinanet