menu search
Đóng menu
Đóng

Xuất khẩu giầy da cần chuẩn bị cho cuộc điều tra chống bán phá giá sắp xảy ra

15:12 11/07/2008
Các nhà sản xuất giầy da châu Âu đang tập hợp thông tin để đưa ra một cuộc “phản công” đối với các DN sản xuất giầy từ VN và TQ. Khả năng về một cuộc điều tra chống phá giá (CBPG) là khó tránh khỏi. Chính vì vậy các DN VN cần phải chuẩn bị ngay từ bây giờ.
Đó là khuyến nghị của luật sư Fabrizio Di Gianni (Công ty luật Hỗ trợ những vấn đề pháp lý liên quan đến xuất khẩu giầy da của VN vào EU) trong một buổi làm việc về chống bán phá giá giày da tại Tp HCM do Hiệp hội Da giầy và Cục Cạnh tranh của Bộ Công Thương tổ chức.
Theo Bộ Công Thương, ANCI (Hiệp hội các nhà sản xuất giầy của Italia) đang có kế hoạch yêu cầu EU gia hạn thuế chống bán phá giá mới cho các loại giầy da non-athletic có xuất xứ từ TQ và VN nhập vào khối EU (sẽ hết hạn vào ngày 7/10/2008).
Theo phân tích của Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công Thương có hai khả năng xảy ra nếu yêu cầu rà soát chống bán phá giá của các nhà sản xuất giầy da châu Âu được Ủy ban Châu Âu (EC) chấp nhận: Có thể EC sẽ tiếp tục kéo dài việc áp thuế CBPG hiện hành nhưng cũng có khả năng mức thuế CBPG mới có thể tăng hoặc giảm so với mức hiện nay (Mức áp thuế CBPG hiện tại đối với VN là 10%). Luật sư Fabrizio Di Gianni cũng khẳng định: có thể xẩy ra khả năng thay đổi mức thuế CBPG nếu EC tiến hành rà soát giữa kỳ. Khi đó mức thuế CBPG sẽ không được tính theo biên độ thiệt hại mà sẽ bị tính theo biên độ phá giá, như vậy các DN thiệt hại rất nhiều.
Để chuẩn bị vượt qua rào cản này, Luật sư Fabrizio Di Gianni khuyến nghị các DN sản xuất giầy hãy chuẩn bị ngay từ bây giờ mọi thông tin cần thiết cho cuộc điều tra CBPG. Đặc biệt là các tiêu chí về quy chế đối xử kinh tế thị trường (MET), trong đó các tiêu chí về đánh giá quyền tự chủ sản xuất kinh doanh và sổ sách kế toán phù hợp với tiêu chuẩn kiểm toán quốc tế cần phải được xem xét một cách cẩn trọng vì đây là những rào cản chính để EC công nhận DN đủ điều kiện hưởng MET.
Sẽ có khoảng 80-90 công ty được yêu cầu nộp hồ sơ để kiểm tra, sau đó khoảng 10-15 công ty sẽ được lựa chọn điều tra mẫu và EC sẽ cử người tới xác minh tại chỗ. Theo kế hoạch, đến ngày 7/7/2008 các nhà sản xuất giầy phải yêu cầu EU gia hạn mức thuế này và EU có 12-15 tháng kể từ ngày hết hạn (7/10/2008) để thực hiện cuộc điều tra chống bán phá giá. EC đã có công bố rà soát các DN VN là những DN sẽ phải cung cấp những thông tin về sản xuất kinh doanh trong 10-15 tháng trước thời gian có thông tin về rà soát giữa kỳ.
Việc EU công bố từ ngày 1/1/2009 chính thức loại giày da VN ra khỏi các nước được hưởng ưu đãi thuế quan (GSP) đã đặt các DN da giầy VN vào tình thế khó khăn và hiện nay các DN xuất khẩu giầy da lại tiếp tục đứng trước thử thách về chống bán phá giá. Tuy nhiên, mặc dù phải chịu thuế CBPG nhưng xuất khẩu giầy dép của VN vào thị trường EU năm 2007 vẫn có mức tăng đáng kể. Theo số liệu của EC, tổng kim ngạch xuất khẩu giầy dép của VN vào EU năm 2007 đạt 2,17 tỷ USD, tăng 10,6% so với 2006. Theo ước tính của Bộ Công Thương, xuất khẩu da giầy của VN năm 2008 sẽ đạt 4,5 tỷ USD, tăng 12,7%, trong đó riêng xuất khẩu vào EU tăng 7-8%.
“Các DN trong ngành áp dụng đồng bộ các phương pháp quản lý mới nhằm tiết giảm chi phí, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường mới, coi đây như là giải pháp cần thiết để duy trì khả năng cạnh tranh trong điều kiện thị trường EU gặp khó khăn như hiện nay” – Đó là một trong những nội dung khuyến nghị của Hiệp hội da giầy VN đối với các DN xuất khẩu da giầy. Để vượt qua những rào cản mới, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội cho biết: Hiệp hội sẽ chủ động cùng với công ty Luật sư, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp. Các DN cần chủ động hơn và phối hợp tốt hơn để dành thắng lợi./.

Nguồn:Internet