menu search
Đóng menu
Đóng

Xuất khẩu hàng công nghệ cao tăng mạnh trong 7 tháng năm 2013

15:45 16/08/2013
Tháng 7, xuất khẩu ước đạt 11,2 tỷ USD, tăng 1,7% so với tháng 6 và tăng 9,8% so với tháng 7 năm 2012. Kết cục, 7 tháng xuất khẩu ước đạt 72,74 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ...

Tháng 7, xuất khẩu ước đạt 11,2 tỷ USD, tăng 1,7% so với tháng 6 và tăng 9,8% so với tháng 7 năm 2012. Kết cục, 7 tháng xuất khẩu ước đạt  72,74 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ, trong đó: Xuất khẩu của Khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt hơn 43,96 tỷ USD, tăng 26,3%, tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao và đóng góp lớn vào xuất khẩu của cả nước.

 Điểm nổi bật là qua 7 tháng, cơ cấu hàng xuất khẩu đã đa dạng hơn và tăng dần tỷ trọng hàng công nghệ cao. Điện thoại và linh kiện trở thành mặt hàng có giá trị lớn, 7 tháng đạt 11,6 tỷ USD, vượt qua các mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam như dệt may, dầu thô, giày dép, tiếp tục  duy trì ngôi đầu trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Cộng với mặt hàng máy tính và linh kiện, hai mặt hàng này đạt kim ngạch 17,3 tỷ USD chiếm trên 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. 

Nhóm nông, lâm, thuỷ sản ước đạt gần 11,23 tỷ USD, giảm 8,6% và chiếm tỷ trọng 15,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Sự sụt giảm của những mặt hàng đầu vị trong nhóm, như: cà phê giảm 22,8%; gạo giảm 13,1%; sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 22,4%; cao su giảm 17,6%, khiến cả nhóm sụt giảm. Dù trong nhóm này có một số mặt hàng có tăng như: rau quả tăng 28,2%; nhân điều tăng 5,3%; hạt tiêu tăng 17,1%, nhưng vì kim ngạch nhỏ, không thể bù đắp được.

 Nhóm nhiên liệu, khoáng sản ước đạt gần 5,76 tỷ USD, giảm 15,0% và chiếm tỷ trọng 7,9%, với sự sụt giảm của 3/4 mặt hàng trong nhóm là: than đá giảm 15,5%; dầu thô giảm 9,1%; xăng dầu các loại giảm 39,5%.Vì thế sự tăng trưởng của quặng và khoáng sản khác kim ngạch quá nhỏ không kéo lại được sự sụt giảm của cả nhóm..

 Nhóm hàng công nghiệp chế biến luôn giữ vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung, ước đạt 50,55 tỷ USD, tăng 25,8% và chiếm tỷ trọng khoảng 69,5%. Như trên đã nói, trong nhóm này sự tăng trưởng mạnh của các mặt hàng công nghệ cao như điện thoại và linh kiện (tăng 87%), máy tính và linh kiện (tăng 40%), vốn dã cómkim ngạch lớn, nên đóng vai trò chủ chốt cho sự tăng trưởng cũng như nâng cao vị thế của nhóm mặt hàng này trong xuất khẩu của Việt Nam. Các mặt hàng khác có kim ngạch lớn cũng tăng mạnh như: hóa chất tăng 16,0%; túi sách, vali, mũ, ô dù tăng 23,3%; gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 11,6%; hàng dệt và may mặc tăng 16,3%; xơ, sợi dệt các loại tăng 13,2%; giày dép các loại tăng 15,6%; nguyên phụ liệu, dệt may, da giày tăng 17,5%; đá quý và kim loại quý tăng 29,0%; sắt thép các loại tăng 13,6%; sản phẩm từ sắt thép tăng 12,4%; kim loại thường khác và sản phẩm tăng 33,5%, phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 12,1%. Sự sụt giảm của một số mặt hàng như: phân bón giảm 26,2%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện giảm 20,4%, cũng không làm đảo lộn hình thế của nhóm. 

Nhóm hàng hóa khác gồm những măt hàng nhỏ lẻ, chưa thành danh tính đạt 5,2 tỷ USD, tăng 18,4% và đóng góp 7,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

 Sự suy giảm kim ngạch của một số mặt hàng nói trên là do giá tiếp tục giảm như nhân điều giảm 7,9%; giá hạt tiêu giảm 4,8%; gạo giảm 3,6%; cao su giảm 17,5%; than đá giảm 20,4%; dầu thô giảm 4,8%; xăng dầu các loại giảm 6,6%; quặng và khoáng sản khác giảm 49,9%; sắt thép các loại giảm 5,6%,...Cũng may là trong các mặt hàng nói trên, số lượng của nhân điều, hạt tiêu tăng hơn cùng kỳ chút đỉnh, nên đã hạn chế “độ sâu“ của sự sụt giảm của nhóm nông lâm thủy sản. Riêng Quặng và khoáng sản khác, số lượng tăng tới 110% nhưng trị giá chỉ tăng 5%, giá suy giảm tới một nửa, nên càng phải suy tính đến việc tiếp tục xuất khẩu loại tài nguyên thô này.

 Việc xuất khẩu của cả nước tăng được phản ảnh qua việc xuất khẩu vào các khu vực thị trường đều tăng. Xuất khẩu sang thị trường Châu Á tăng 11,4% chiếm tỷ trọng trên 51,0% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; sang thị trường Châu Âu tăng 25,7%, chiếm tỷ trọng trên 20,9%, trong đó EU tăng 26,9% và chiếm tỷ trọng 19,0%; sang thị trường Châu Mỹ tăng 17,8%, chiếm tỷ trọng gần 21,0%; sang thị trường Châu Phi tăng 9,7%, chiếm tỷ trọng 1,6%; sang thị trường Châu Đại Dương tăng 12,5%, chiếm tỷ trọng 2,7%. Nhóm thị trường chưa phân tổ chiếm tỷ trọng 2,8%.

 Nhập khẩu tiếp tục được kiểm soát

Tháng 7, nhập khẩu hàng hoá ước đạt 11,0 tỷ USD, tăng 2,6% so với tháng 6 và tăng 11,6% so với tháng 7 năm 2012.

 Tổng hợp 7 tháng, nhập khẩu ước đạt trên 73,47 tỷ USD, tăng 15,0% so với cùng kỳ, trong đó: kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước ước đạt 32,14 tỷ USD, tăng 5,2%, chiếm tỷ trọng 43,7%; kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 41,33 tỷ USD, tăng 24,0% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 56,3% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.

 Nhóm hàng cần nhập khẩu ước đạt trên 64,63 tỷ USD, tăng 14,8% và chiếm tỷ trọng 88,0%. Nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu ước đạt 2,59 tỷ USD, tăng 4,3% và chiếm tỷ trọng 3,5%. Nhóm hàng hạn chế nhập khẩu ước đạt 3,36 tỷ USD, tăng 15,7% và chiếm tỷ trọng 4,6%. Nhóm hàng hóa khác ước đạt 2,89 tỷ USD, tăng 29,8%, chiếm tỷ trọng 3,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu. Điều đó chứng tỏ chủ trương quản lý nhập khẩu đang được thực thi, đang phát huy tác dụng.

 Việc tăng nhập khẩu trên bình diện chung thể hiện qua các khu vực thị trường. Nhập khẩu từ Châu Á tăng 17,0%, chiếm tỷ trọng 80,8% tổng kim ngạch nhập khẩu. Châu Âu tăng 17,3% và chiếm tỷ trọng 8,8%, trong đó EU tăng 20,1%, chiếm tỷ trọng 7,5%; Châu Mỹ tăng 5,1% và chiếm tỷ trọng 6,5%; Châu Phi chiếm tỷ trọng 0,4%; Châu Đại Dương chiếm tỷ trọng 1,5% và thị trường khác chiếm tỷ trọng 2,1%.

 Nhập siêu vẫn trong tầm kiểm soát

Sau mấy tháng gần đây liên tục nhập siêu, thì tháng 7, cả nước xuất siêu 200 triệu USD, bằng 1,79% tổng kim ngạch xuất khẩu, đã làm cho việc nhập siêu 7 tháng bớt căng thẳng. Kết cục cán cân thương mại hàng hóa từ đầu năm đến hết tháng 7 được thu hẹp xuống chỉ còn 733 triệu USD, bằng 1,0% kim ngạch xuất khẩu. Tuy vậy, vẫn có cần quan tâm vì vẫn có diễn biến trái chiều. Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) xuất siêu 2,6 tỷ USD; nếu kể cả dầu thô xuất siêu 6,913 tỷ USD. Nhập siêu chủ yếu ở Khu vực doanh nghiệp có vốn trong nước. 7 tháng Khối này nhập siêu 7,646 tỷ USD.

 Nỗ lực hoàn thành kế hoạch cả năm

Chiêm nghiệm những năm qua, xuất khẩu các tháng cuối năm luôn cao hơn những tháng đầu năm. Do đó, dự kiến kim ngạch xuất khẩu năm 2013 sẽ đạt 128 tỷ USD, tăng khoảng gần 2 tỷ USD so với kế hoạch; kim ngạch nhập khẩu năm 2013 dự kiến ở mức 133 tỷ USD. Khả năng nhập siêu khoảng 5 tỷ USD, bằng 3,9% kim ngạch xuất khẩu (mục tiêu 8,0%).

 Vì vậy, các tháng còn lại, cần tập trung mọi nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp thảo gỡ khó khăn, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tranh thủ các thuận lợi thông qua các cam kết quốc tế để đẩy mạnh xuất khẩu.

 Rà soát, điều chỉnh các chính sách quản lý các mặt hàng nhập khẩu phù hợp với tình hình thực tế tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh; kiểm soát, giám sát chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu đảm bảo đúng quy định, tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và phù hợp với cam kết quốc tế; phối hợp rà soát bổ sung, sửa đổi tăng thuế nhập khẩu phù hợp với cam kết hội nhập quốc tế đối với các mặt hàng trong Danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được.

(Theo Vietrade)

Nguồn:Vinanet