menu search
Đóng menu
Đóng

5 vấn đề cần lưu ý khi giao dịch với Chilê và các doanh nghiệp nước ngoài.

14:37 23/03/2009
Để có thể xuất khẩu hàng hóa của ta vào các thị trường mới như Chi Lê nói riêng, hoặc các thị trường khác nói chung, việc khởi đầu giao dịch với khách hàng nước ngoài là một nghệ thuật, quyết định sự thành công hay thất bại cho các doanh nghiệp của Việt Nam.

Dưới đây là 5 vấn đề cần lưu ý khi giao dịch với Chilê và các doanh nghiệp nước ngoài:

1) Người ký tên giao dịch lần đầu: Các anh chị Lãnh đạo doanh nghiệp nên ký tên gửi cho Chủ tịch Hội đồng quản trị/Tổng Giám đốc/Giám đốc doanh nghiệp nước ngoài. Khi thiết lập mối quan hệ, người đứng đầu doanh nghiệp nước ngoài rất chú ý đối tác ký tên giao dịch là ai. Các anh chị có thể thông báo trong thư giao dịch cho bạn biết sau này sẽ uỷ quyền cho Trưởng phòng/Phó phòng hoặc nhân viên A, B, C v.v…của mình giao dịch với họ, để họ cử cấp giao dịch tương đương.

2)    Hình thức giao dịch lần đầu: Các doanh nghiệp nước ngoài nói chung, Chi Lê nói riêng, rất chú trọng đến chữ ký của người đứng đầu đối tác của mình và con dấu trong thư giao dịch. Nếu các đối tác lần đầu thiết lập mối quan hệ bằng email, sẽ ít được chú ý so với hình thức gửi bằng thư thông thường (letter), hoặc gửi qua fax. Do hàng ngày họ nhận được rất nhiều email, chưa tính đến các thư rác (spam). Nếu doanh nghiệp của ta lần đầu giao dịch bằng email, họ chưa biết đối tác là ai, nên thường hay bỏ qua các email này không đọc. Việc giao dịch bằng email rất tiện lợi và nhanh chóng, nhưng trên cơ sở các anh chị đã xác lập được mối quan hệ với họ, thông thường nên giao dịch từ lần thứ hai trở đi.

3)  Giao dịch trực tiếp với doanh nghiệp nước ngoài: Nếu các doanh nghiệp Việt nam khi được các Thương vụ giới thiệu, hoặc đã có địa chỉ của doanh nghiệp nước sở tại, các anh chị Lãnh đạo doanh nghiệp nên chỉ đạo nhân viên thảo thư hoặc email, duyệt nội dung, để gửi trực tiếp cho đối tác theo phân cấp. Thông thường các Doanh nghiệp nước ngoài rất thích các doanh nghiệp của ta giao dịch trực tiếp với họ, không muốn nhờ bên thứ ba hỏi hộ những vấn đề mà hai bên có thể tự liên hệ được với nhau.

4)  Website của doanh nghiệp: Doanh nghiệp nước ngoài rất chú ý đến website của các đối tác, họ muốn xem hàng hoá qua ảnh trước khi giao dịch chính thức với doanh nghiệp của các anh chị. Trong thời gian qua, một số doanh nghiệp của ta khi gửi email cho các doanh nghiệp Chi Lê, chỉ giới thiệu chung chung: “Doanh nghiệp của chúng tôi có thể xuất khẩu các mặt hàng A, B, C v.v…với kim ngạch rất cao vào các thị trường D, E, F v.v…Doanh nghiệp chúng tôi rất có uy tín trên thị trường quốc tế cũng như Việt nam…”. Khi doanh nghiệp nước ngoài không thấy doanh nghiệp của ta có trang web, họ coi doanh nghiệp của các anh chị không phải là doanh nghiệp có uy tín, hoặc chỉ là doanh nghiệp “MÔI GIỚI – BROKER”. Các doanh nghiệp như vậy, sẽ ít có cơ hội kinh doanh thành công tại thị trường Chi Lê nói riêng, hoặc các thị trường khác trên Thế giới nói chung.

5) Mẫu hàng: Với những hàng hoá thông dụng, doanh nghiệp nước ngoài nói chung, Nam Mỹ nói riêng đặc biệt quan tâm đến mẫu hàng. Nếu đối tác sau khi chào giá và gửi cho họ mẫu hàng, khả năng giao dịch thành công sẽ cao hơn, so với việc không gửi mẫu. Với những mẫu hàng có trị giá không cao, các anh chị có thể không tính giá trị tiền hàng, nhưng yêu cầu doanh nghiệp bạn chịu tiền cước phí gửi hàng. Hiện nay một số hãng dịch vụ vận chuyển hàng không (ví dụ DHL) chấp nhận dịch vụ thu cước sau (Collect) của người nhận hàng.

 

Nguồn:Vinanet