menu search
Đóng menu
Đóng

Cần đổi mới toàn diện vấn đề xúc tiến xuất khẩu

17:02 08/05/2008
Rất nhiều ý kiến cho rằng, chương trình xúc tiến thương mại (XTTM) của VN chưa phục vụ cho công tác đẩy mạnh xuất khẩu (XK) hàng hóa. Hoạt động XTTM chỉ ở dạng nửa vời, không đáp ứng được yêu cầu trong thời kỳ mới.
Theo Cục XTTM, năm 2006 có 155 chương trình XTTM trọng điểm quốc gia được phê duyệt với kinh phí 144,77 tỷ đồng. Thực tế, chỉ có 131 chương trình thực hiện (đạt 85%). Năm 2007, có 159 chương trình được phê duyệt, kinh phí 176 tỷ đồng, nhưng thực hiện chỉ đạt 70%. Đến năm 2008, kinh phí cho XTTM giảm còn khoảng 120 tỷ đồng nhưng chưa chắc đã giải ngân hết. Kinh phí hỗ trợ cho chương trình XTTM trọng điểm quốc gia hàng năm  khoảng 400-500 tỷ đồng nhưng chưa năm nào được phê duyệt vượt 200tỷ! Nghịch lý đã xảy ra, các DN luôn “kêu gào” về chuyện “đói” thông tin và thiếu những kết nối cơ hội thị trường cho XK nhưng tiền nhà nước lại rơi vào tình trạng tiêu không hết?
 
Xài tiền từ chương trình XTTM như thế nào cho hiệu quả? Bà Vũ Kim Hạnh, nguyên Giám đốc Trung tâm XTTM và Đầu tư TPHCM cho rằng, nhà nước hãy đầu tư ngân sách để mua thông tin thị trường cơ bản của các nước và các ngành, mua cả dịch vụ phân tích tư vấn, theo hướng nghiên cứu chuyên ngành và đặt hàng cho các công ty chuyên nghiên cứu thị trường thế giới.
 
Việc này rất tốn tiền, chắc chắn DN không thể làm được! Bộ Công thương cần tổ chức một bộ phận, một trung tâm thông tin thị trường có chuyên môn, kỹ năng cập nhật và phân tích, tư vấn cho các hội, cho DN, cho các địa phương. Bởi lẽ, có thông tin đã là khó, nhưng giải mã thông tin và ứng dụng lại cũng không phải dễ.
 
Về vấn đề kết nối thị trường, ta có hàng và thế giới luôn có người muốn mua nhưng làm sao “mang” người bán lại với người mua? Đây là công việc cần chuyên môn sâu, phải chịu khó theo đuổi, nhưng các cơ quan XTTM của nhà nước thường chỉ kết nối 1 lần, được chăng hay chớ, không tiếp tục thắt chặt và nâng cấp mối quan hệ.
 
Nói đến hoạt động XTTM, phải nói đến việc tổ chức hội chợ triển lãm quốc tế. Theo nhận định, khoản chi này đang gây lãng phí lớn. Lâu nay, Bộ Công thương vẫn tổ chức cho các DN đi dự hội chợ quốc tế theo dạng “chia đều tiền thừa kế cho đám con nhà nghèo”. Còn nhà tổ chức lại chỉ định công ty tổ chức đoàn tham gia hội chợ, nơi bán vé máy bay…. mà chẳng lưu ý gì đến những yếu tố khác như giúp DN xác định rõ các tiêu chí về mục đích, thông tin thị trường, khách hàng mục tiêu, các chi phí cần đầu tư cho việc tham dự... Với cách làm như hiện nay, việc xài tiền nhà nước cho XTTM rất lãng phí nhưng không hiệu quả. Nếu chúng ta không nhanh chóng đổi mới cách thực hiện, vẫn theo cơ chế ban phát, chia của, thì mục đích XTTM sẽ bị biến dạng.
 

Tập trung vào sản phẩm có giá trị gia tăng cao

 
Xuất khẩu của ta trong những năm qua và 3 tháng đầu năm 2008 vẫn trên đà tăng trưởng khá. Nhưng theo các chuyên gia, thị phần XK của VN trong những năm qua gần như không thay đổi. Hàng XK của chúng ta chủ yếu bao gồm tài nguyên thiên nhiên, các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp nhẹ thâm dụng lao động. Giá trị gia tăng trong giỏ sản phẩm XK gần như không có. Nhìn vào danh sách “câu lạc bộ hàng xuất khẩu tỷ USD” thì số lượng các mặt hàng khai thác từ tài nguyên và những mặt hàng có thâm dụng lao động chiếm hơn 90%. Điều này cho thấy, hàng XK của chúng ta chưa có tính ổn định và bền vững. Việc gia tăng giá trị cho hàng XK vẫn còn quá thấp.
 
Bên cạnh đó, việc XK một số mặt hàng của VN đang tồn tại nhiều nghịch lý. Ở mặt hàng than, thị trường chủ yếu vẫn là Trung Quốc. Họ mua than của ta để cung ứng cho các nhà máy sản xuất ra điện rồi bán điện sang VN với giá rất cao (cần nhớ, tài nguyên thiên nhiên rất khó có thể tái tạo, do vậy việc khai thác phải hợp lý và sử dụng nó như thế nào cho hiệu quả nhất cũng là vấn đề cần phải tính toán). Tương tự, mặc dù sản lượng XK dầu thô năm 2007 giảm nhẹ nhưng kim ngạch vẫn đứng đầu bảng do giá tăng cao. Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng, giá XK dầu thô vẫn rất thấp so với giá xăng. Một đất nước có lợi thế về dầu thô nhưng khai thác bao nhiêu lại đem XK bấy nhiêu trong khi vẫn phải nhập khẩu xăng 100% (khoảng 12-13 triệu tấn/năm) với giá rất cao là vô cùng lãng phí.
 
Trước thực trạng trên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhiều lần cảnh báo, mô hình tăng trưởng XK của chúng ta hiện nay chủ yếu dựa vào việc khai thác tài nguyên và vẫn còn tư duy hiện vật và chủ nghĩa thành tích. Đã đến lúc nhanh chóng thay đổi mô hình tăng trưởng cho phù hợp với các điều kiện toàn cầu hóa, theo hướng chuyển sang việc xuất khẩu sản phẩm tinh, có hàm lượng chất xám cao để đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng đến XK.
 
Vậy ngay từ bây giờ nhà nước cần đầu tư nhiều mặt: công nghệ, thiết kế, tiếp thị và xây dựng thương hiệu… Các DN cũng phải đặc biệt chú ý chuyển hướng sản xuất hàng hóa có giá trị cao thay vì sản xuất theo kiểu đại trà như hiện nay. Đây là vấn đề rất nan giải, cần phải có thời gian nhưng nếu chúng ta không thực hiện thì một ngày không xa, tài nguyên cạn kiệt, khi đó tính cạnh của sản phẩm VN sẽ bằng 0. Hệ quả tất yếu là nhập siêu sẽ tiếp tục tăng.

Nguồn:Vinanet