menu search
Đóng menu
Đóng

Cơ hội nhập khẩu trực tiếp bông từ châu Phi

09:38 23/08/2011
Ngày 19/8, tại Hà Nội, Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á, Bộ Công Thương phối hợp Hiệp hội Dệt may, Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Chuỗi giá trị và Minh bạch thị trường - Thúc đẩy xuất khẩu bông của các nước Đông và Nam Phi sang Việt Nam”.
Ngày 19/8, tại Hà Nội, Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á, Bộ Công Thương phối hợp Hiệp hội Dệt may, Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Chuỗi giá trị và Minh bạch thị trường - Thúc đẩy xuất khẩu bông của các nước Đông và Nam Phi sang Việt Nam”.
Theo Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, trong năm 2010, Việt Nam đã nhập khoảng trên 300.000 tấn bông. Các nước cung cấp chính cho Việt Nam là Hoa Kỳ với 130.000 tấn, chiếm 35%, tiếp đến Ấn Độ 120.000 tấn (32%), châu Phi 72.000 tấn (19%) và các thị trường khác 39.000 tấn (14%).
Năm 2010, Việt Nam đã mua bông từ 22 nước châu Phi với tổng trị giá là 164 triệu USD. Những nước cung cấp bông chủ yếu cho Việt Nam là Tanzania 11.529 tấn, trị giá 44,7 triệu USD; Bờ Biển Ngà 6.569 tấn, đạt 32,2 triệu USD; Mali 8.407 tấn, đạt 24,1 triệu USD; Benin 3.771 tấn, đạt 14,6 triệu USD; Burkina Faso 2.607 tấn, đạt 14,5 triệu USD và Cameroon 2.128 tấn, trị giá 11,8 triệu USD.
Theo các DN Việt Nam, bông châu Phi có chất lượng khá tốt, giá thành hợp lý, phù hợp với yêu cầu sản xuất của trong nước. Trong những năm tới, khi mà sản xuất bông trong nước chưa thể đáp ứng được nhu cầu của ngành dệt may, thị trường bông châu Phi vẫn là lựa chọn của nhiều DN.
Mặc dù nhập khẩu bông từ châu Phi có số lượng lớn, nhưng đến thời điểm này, hầu hết các DN của ta đều phải nhập qua trung gian (chủ yếu là các công ty thương mại của Pháp và Thụy Sỹ), chứ không mua trực tiếp từ nhà sản xuất. Thực tế này gây không ít khó khăn cho DN của cả hai bên. DN phải bỏ ra một khoản chi phí cho trung gian dẫn đến giá thành mua nguyên liệu đầu vào cao so với nhập khẩu trực tiếp.
Một vấn đề khác nữa là do nhập khẩu qua trung gian nên việc phản hồi chất lượng bông đến nhà sản xuất phức tạp và mất thời gian, bởi việc khiếu nại hoặc thắc mắc phải thực hiện qua bên thứ ba. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch sản xuất và giao hàng của nhà nhập khẩu.
Ngoài ra, DN Việt Nam còn gặp phải một số khó khăn khi mua bông từ châu Phi như thiếu hệ thống ngân hàng hỗ trợ giao dịch, thiếu hệ thống logistic phù hợp, chi phí vận chuyển cao, tình trạng lừa đảo thương mại, không tôn trọng hợp đồng đôi khi vẫn xảy ra.
Chính vì vậy, hội thảo lần này là cơ hội cung cấp thông tin về thị trường bông khu vực Đông và Nam Phi, góp phần tạo điều kiện cho các nhà sản xuất, xuất khẩu bông châu Phi tiếp cận trực tiếp các nhà nhập khẩu bông Việt Nam.
Đồng thời, giúp cho các nhà kéo sợi Việt Nam tiếp cận trực tiếp nguồn bông châu Phi chất lượng tốt, giá rẻ. Qua đó, thúc đẩy mối quan hệ buôn bán, hợp tác giữa các DN dệt may Việt Nam với các đối tác châu Phi, giảm dần khâu trung gian.
Tại hội thảo, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, với nhu cầu nhập bông lớn từ phía Việt Nam, các nhà sản xuất bông từ Đông Phi và Nam Phi cần cung cấp đầy đủ, minh bạch, rõ ràng các thông tin về trữ lượng bông, mùa vụ, chất lượng, giá cả, phương thức bán hàng, thời gian giao hàng, phương thức thanh toán,…
Đặc biệt, các tham tán thương mại tại những nước khu vực châu Phi cần thường xuyên cập nhật thông tin giúp DN hai bên có thể gặp gỡ trực tiếp, nắm bắt nhu cầu cụ thể của nhau nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác bền vững, giảm dần giao dịch qua khâu trung gian với mục tiêu chi phí hợp lý nhưng vẫn mua được bông chất lượng tốt.
Bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục ủng hộ những sáng kiến, những hành động thiết thực để thúc đẩy hợp tác giữa cộng đồng DNhai bên trong lĩnh vực bông sợi.
Bộ sẽ phối hợp với Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Bông sợi Việt Nam thường xuyên tổ chức các đoàn DN đi khảo sát trực tiếp tại các nhà máy sản xuất tại châu Phi nói chung, Đông Phi và Nam Phi nói riêng. Qua đó, giúp DN 2 bên trực tiếp hợp tác, làm ăn với nhau.
Báo Đối ngoại (VEN)

Nguồn:Vinanet