menu search
Đóng menu
Đóng

Cộng đồng kinh tế ASEAN- Định hướng cho doanh nghiệp Hà Nội

12:28 08/10/2014
Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) dự kiến sẽ được thành lập vào cuối năm 2015, đang được coi là một bước ngoặt đánh dấu sự hòa nhập toàn diện các nền kinh tế Đông Nam Á.
Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) dự kiến sẽ được thành lập vào cuối năm 2015, đang được coi là một bước ngoặt đánh dấu sự hòa nhập toàn diện các nền kinh tế Đông Nam Á.

Khái quát về Cộng đồng kinh tế Asean (AEC)

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) dự kiến sẽ được thành lập vào cuối năm 2015, đang được coi là một bước ngoặt đánh dấu sự hòa nhập toàn diện các nền kinh tế Đông Nam Á. AEC sẽ hòa trộn nền kinh tế của 10 quốc gia thành viên thành một khối sản xuất thương mại và đầu tư, tạo ra thị trường chung của một khu vực có dân số 600 triệu người và GDP hàng năm khoảng 2.000 tỉ USD. Dòng chảy hàng hóa, dịch vụ, tiền tệ, đầu tư, chuyên gia và những động thái hợp tác khu vực sẽ được tự do khơi thông. Các hiệp định và thỏa thuận trong Asean đã được ký kết: Hiệp định khung về khu vực đầu tư Asean ký năm 1992; Hiệp định khung về chương trình hợp tác công nghiệp Asean ký năm 1996; Hiệp định khung Asean về dịch vụ ký năm 1995; Hiệp định khung E-asean ký năm 2000; Hiệp định về chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) ký năm 1992; Hiệp định khung ASEAN về hội nhập các ngành ưu tiên; Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN năm 2009; Bên cạnh đó là những thỏa thuận, hợp tác song phương giữa Việt Nam và các nước Asean. Thời gian qua, ASEAN liên tục thuộc nhóm các thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng. Cán cân thương mại của Việt Nam với khối ASEAN đã có sự thay đổi rõ rệt.

Nếu như năm 2011, kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam sang khối các nước ASEAN tương ứng là 13,5 tỷ USD và 20,9 tỷ USD thì con số này của năm 2013 là 18,4 tỷ USD và 21,3 tỷ USD. Điều này thể hiện khoảng cách giữa xuất và nhập của Việt Nam đã được rút ngắn và con số xuất khẩu cũng tăng vọt. Đối với Hà Nội, kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội vào Asean thường chiếm khoảng 20-25% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội; kim ngạch nhập khẩu chiếm 19-27 % trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Hà Nội. Kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu của Hà Nội vào Asean tăng qua các năm (năm 2011 kim ngạch xuất khẩu là 1,9 tỷ USD, nhập khẩu 4,8 tỷ USD; năm 2013 lần lượt là 2,4 tỷ USD và 6,3 tỷ USD).

Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Hà Nội

AEC ra đời mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Hà Nội nói riêng thông qua việc mở ra một thị trường rộng lớn, bình đẳng cho các DN. Các DN có cơ hội mở rộng trao đổi thương mại, thu hút đầu tư dựa trên lợi thế của một không gian thị trường mở. Các rào cản thuế quan, phi thuế quan được tháo gỡ sẽ giúp các DN đẩy mạnh xuất khẩu, cắt giảm chi phí nhập khẩu, hạ giá thành sản phẩm. Thương mại nội khối cũng sẽ được củng cố và tạo điều kiện phát triển. Nhằm tiến tới tự do hóa hoàn toàn về thuế quan, ASEAN đã thống nhất sẽ xóa bỏ toàn bộ thuế quan, đối với ASEAN 6 (gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan) vào năm 2010 và với các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam) vào năm 2015 với một số dòng thuế linh hoạt đến 2018 (khoảng 7% tổng số dòng thuế). Như vậy, dự kiến từ tháng 1 năm 2015 sẽ có trên 1.700 dòng thuế được cắt giảm xuống 0%.

Từ cuối năm 2015 các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng được hưởng ưu đãi thuế quan 0% khi xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand (các thị trường ASEAN đã ký các Hiệp định thương mại tự do). Môi trường đầu tư thuận lợi sẽ đẩy mạnh dòng FDI từ các đối tác vào ASEAN trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi lớn các DN cũng sẽ phải đối mặt với thách thức không nhỏ khi AEC có hiệu lực. Trong đó đáng chú ý là sức ép từ hàng hóa nhập khẩu, cạnh tranh về dịch vụ đầu tư của các nước ASEAN dẫn đến một số ngành, một số sản phẩm phải thu hẹp sản xuất, thậm chí rút khỏi thị trường do việc 1.720 số dòng thuế cắt giảm xuống 0% vào 2015 sẽ tác động mạnh góp phần gia tăng kim ngạch nhập khẩu, trong khi kim ngạch xuất khẩu không có nhiều cơ hội gia tăng đột biến dưới tác động của tự do hóa thuế quan do các nước ASEAN 6 đã cắt giảm hoàn toàn thuế quan dành cho Việt Nam xuống 0% từ năm 2010. Các cam kết ngày càng cao về thực hiện lộ trình AEC, những yêu cầu ngày càng cao đối với hàng xuất khẩu sẽ là thách thức không nhỏ với các DN, đặc biệt trong bối cảnh các biện pháp về phòng vệ thương mại đang có xu hướng gia tăng. Định hướng cho doanh nghiệp Hà Nội Từ các cơ hội và thách thức nêu trên, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ trong việc điều chỉnh cơ chế, chính sách để phù hợp với tiến trình hội nhập, các DN cần chủ động tốt hơn nữa các cơ hội trước mắt để tận dụng được những lợi ích khi AEC chính thức được thành lập.

Theo đó, các DN cần chủ động xây dựng các chiến lược kinh doanh, phát triển sản xuất để có thể cạnh tranh với hàng hóa từ các nước trong khu vực ngay cả trong thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu. Đồng thời, cần khai thác tốt những thế mạnh của mình để tận dụng những lợi thế về thuế quan cũng như chủ động đón đầu sức ép cạnh tranh. Chủ động xây dựng năng lực sản xuất, kinh doanh, cải thiện chất lượng, mẫu mã sản phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh và xây dựng thương hiệu. Nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa trong nước với hàng ngoại nhập trên cơ sở các doanh nghiệp cần đảm bảo chất lượng sản phẩm, giá cả cạnh tranh, làm tốt dịch vụ hậu mãi, bảo hành, … để lấy được niềm tin của người tiêu dùng. Đảm bảo các tiêu chí về quy tắc xuất xứ để được hưởng các ưu đãi về thuế quan. Tăng nhanh tỉ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu và giảm thiểu phụ thuộc và các nhà cung cấp nước ngoài trên cơ sở tăng cường đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, đầu tư vào các vùng trồng nguyên liệu, phát triển mối quan hệ hợp tác với các nhà sản xuất nước ngoài có công nghệ tiên tiến, quan tâm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường, xây dựng chiến lược liên kết nội khối tạo chuỗi sản xuất lớn để có khả năng nhận những đơn hàng lớn.

Bên cạnh đó, nhận thức và đảm bảo các tiêu chuẩn, các hàng rào kĩ thuật nhất là tại các thị trường phát triển, mở rộng thị trường XK dựa trên các cam kết và lợi thế so sánh, tham gia sản xuất kinh doanh theo phân khúc, theo mạng, cụm, chuỗi. Đặc biệt các DN phải chuyển dần từ cách thức cạnh tranh bằng giá sang chú trọng cạnh tranh phi giá gắn với tiêu chuẩn, mẫu mã giao dịch. Cần theo dõi sát sao các thông tin, lộ trình cam kết về AEC, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)... từ đó đưa ra định hướng đúng, xây dựng chiến lược kinh doanh hợp lý.

Nguồn: Sở Công thương Hà Nội