menu search
Đóng menu
Đóng

Đăng ký nhãn hiệu quốc tế theo Nghị định thư Madrid

17:04 03/04/2008
Hệ thống đăng ký nhãn hiệu quốc tế hiện đang vận hành song song theo 2 văn bản là Thoả ước Madrid và Nghị định thư Madrid, trong đó trình tự, thủ tục đăng ký nhãn hiệu theo quy định của Nghị định thư linh hoạt và đơn giản hơn. Vì vậy, nhiều DN trên toàn thế giới đã “đổ xô” đăng ký nhãn hiệu. Tuy nhiên, các DN Việt Nam hình như... đứng ngoài xu thế này.

Tính đến tháng 3/2008, số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế theo Madrid của các DN nước ngoài chỉ định vào Việt Nam là 58.916, trong khi đó Việt Nam chỉ có 162 đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế được nộp cho WIPO. Con số này thể hiện Việt Nam là một thị trường khá hấp dẫn các DN nước ngoài. Tuy nhiên nó cũng chứng tỏ sự quan tâm của các DN Việt Nam đối với việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài trong tương quan so sánh với các DN nước ngoài còn rất hạn chế. Tuy nhiên, một dấu hiệu đáng mừng là theo số liệu thống kê, số đơn xin đăng ký nhãn hiệu của nước ngoài vào Việt Nam tăng 10%/năm, trong khi đó, lượng đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của DN Việt Nam ra nước ngoài đã tăng 50%. (Số liệu của Cục Sở hữu trí tuệ và Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới - WIPO).

Việt Nam chính thức nộp Văn kiện gia nhập Nghị định thư Madrid vào ngày 11/4/2006 và nghị định này chính thức có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 11/7/2006. Tuy nhiên, đến nay, số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế của các DN Việt Nam vẫn còn quá khiêm tốn.

Với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp đơn, hệ thống đăng ký nhãn hiệu quốc tế theo Madrid giúp DN giản lược hoá thủ tục và tiết kiệm tối đa thời gian, chi phí khi đăng ký nhãn hiệu. Một lưu ý cho các DN là khi tiến hành thủ tục đăng ký, trong trường hợp đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế theo Nghị định thư Madid có chỉ định Cộng đồng Châu Âu - EC, thì đơn đó sẽ được thẩm định tại EC theo thủ tục như đối với Nhãn hiệu cộng đồng - CTM. Do vậy, để tránh tình trạng nhãn hiệu bị từ chối ở 27 nước thành viên EC vì lý do không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ ở một nước thành viên EC bất kỳ, người nộp đơn không nên chỉ định chung thành viên EC trong đơn đăng ký quốc tế theo mà nên chỉ định riêng từng nước thành viên EC mà cũng là thành viên độc lập của Thoả ước hoặc Nghị định thư Madrid.

Cần phải làm gì để Việt Nam có tên trong danh sách các quốc gia dẫn đầu theo thống kê của WIPO về số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế? Để trả lời câu hỏi này cần có sự tham gia của nhiều ngành, nhiều cơ quan chức năng liên quan, trong đó, sự quan tâm của DN đối với việc bảo hộ tài sản của chính mình là một yếu tố không thể thiếu.

* Kể từ ngày 1/9/2008, các quốc gia vừa là thành viên của Thoả ước vừa là thành viên của Nghị định thư sẽ áp dụng thống nhất các quy định trong Nghị định thư.

* Theo số liệu thống kê mới nhất do WIPO - Tổ chức SHTT thế giới công bố, năm 2007, WIPO đã tiếp nhận tổng số 39.945 đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế theo Thoả ước Madrid, tăng 9,5% so với năm 2006. Hệ thống đăng ký nhãn hiệu quốc tế theo Madrid cho phép một nhãn hiệu được bảo hộ ở trên 80 quốc gia thành viên và người nộp đơn chỉ phải nộp 1 đơn và thanh toán một lần phí.

* Các DN, các tập đoàn kinh tế lớn của các quốc gia phát triển sử dụng hệ thống đăng ký nhãn hiệu quốc tế theo Madrid như sự lựa chọn tốt nhất. Tập đoàn Henkel của Đức là tập đoàn dẫn đầu về số lượng nhãn hiệu quốc tế được bảo hộ theo hệ thống Madrid với 2.567 nhãn hiệu, tiếp đó là Janssen Pharmaceutica (Bỉ), Novartis (Thụy Sĩ), LOréal (Pháp), Unilever (Hà Lan), Nestlé (Thụy Sĩ), Sanofi-Aventis (Pháp), Siemens (Đức), Richter Gedeon (Hungary)… Richter Gedeon (dược phẩm) cũng là tập đoàn có số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế nộp nhiều nhất trong năm 2007.

* Năm 2007, số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế của các nước đang phát triển tăng 10,5% so với năm 2006, trong đó phải kể đến Cộng hoà Dân chủ nhân dân Triều tiên với 330 đơn (tăng 73,7%). Các DN Trung Quốc là những DN dẫn đầu trong danh sách các DN có số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế lớn nhất năm 2007 thuộc các nước đang phát triển.

* Năm 2007 là năm thứ 3 liên tiếp Trung Quốc dẫn đầu về số lượng đơn chỉ định bảo hộ tại quốc gia mình với 16.676 lượt chỉ định, tăng 5,5% so với năm 2006, tiếp đó là Mỹ với 14.618 lượt chỉ định (tăng 4,5%), Nhật Bản với 12.296 lượt (tăng 3,8%). Châu Âu năm 2007 đã nhận 12.744 lượt đơn chỉ định (tăng 19,8% so với năm 2006) và đứng vị trí thứ 5 trong danh sách các quốc gia có số lượng đơn chỉ định nhiều nhất.

 

Nguồn:Internet