menu search
Đóng menu
Đóng

Doanh nghiệp cần biết: Tham dự hội chợ quốc tế hàng quà tặng Tokyo nên mang sản phẩm nào

10:15 19/03/2008
Hội chợ quốc tế hàng quà tặng Tokyo diễn ra từ ngày 2/9 đến 5/9/2008 tại Trung tâm triển lãm quốc tế Tokyo. Là hội chợ thường niên lớn nhất tại Nhật Bản được tổ chức vào mùa thu và đã trải qua 65 lần, năm 2008 là lần thứ 66 với diện tích trưng bày trên 86.400 m2, theo dự kiến sẽ có khoảng 24.000 công ty tham dự và thu hút khoảng 200.000 khách tham quan là các nhà nhập khẩu, nhà phân phối, nhà bán buôn, bán lẻ, các chuỗi siêu thị.Đây là cơ hội cho các nhà sản xuất hàng thủ công mỹ, hàng tiêu dùng tìm kiếm khách hàng, đối tác để đẩy mạnh xuất khẩu.

Thực hiện Chương trình Xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia năm 2008 được bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt và giao Cục xúc tiến thương mại tổ chức đoàn DN tham gia hội chợ nhằm thúc đẩy tăng cường xuất khẩu mặt hàng thủ công mỹ nghệ và quà tặng sang thị trường Nhật Bản; giúp các DN Việt Nam nắm bắt được xu hướng mẫu mã thị hiếu của thị trường Nhật Bản; nâng cao kinh nghiệm giao dịch, đàm phán và tham gia hội chợ tại thị trường Nhật Bản; Giới thiệu tiềm năng thế mạnh DN trong ngành của Việt Nam Quảng bá hình ảnh quốc gia, hình ảnh DN Việt Nam.

Và để hỗ trợ DN tham gia hội chợ đạt được hiệu quả tốt Nhà nước sẽ có những chi phí hỗ trợ bao gồm: 100% chi phí gian hàng: gồm thuê mặt bằng, dàn dựng, chi phí trang trí tổng thể khu vực gian hàng Việt Nam tại hội chợ; 70% đối với các chi phí tuyên truyền xuất khẩu, bao gồm chi phí mời các DN Nhật Bản đến giao dịch, tuyên truyền, quảng bá trên tạp chí lớn của Nhật Bản, thiết kế biên tập, in ấn đĩa CD, catalog, tờ rơi, áp phích, giấy mời thăm quan…;

Tham gia triển lãm kỳ này, Việt Nam sẽ tạo khu trưng bày (Việt Nam Pavilion) rộng khoảng 63 m2 (7 gian hàng tiêu chuẩn) và hàng hóa đem đến hội chợ là những mặt hàng thủ công mỹ nghệ: đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, chạm bạc, khắc đồng, vải lụa, thổ cẩm, đá và các mặt hàng thủ công khác… và mặt hàng quà tặng.

Tuy nhiên để tiếp cận được khách hàng, thiết lập mối quan hệ bạn hàng Nhật Bản cũng như quốc tế tại hội chợ và về lâu dài để thâm nhập thành công vào thị trường hàng thời trang và đồ trang trí nội thất Nhật Bản, ông Setsuko Okura -chuyên gia Jetro đã có nhiều lời khuyên bổ ích.

Trước hết các DN cần hiểu và nắm vững khái niệm quà tặng là những mặt hàng gì? Đó là, đồ dùng cá nhân như hàng thời trang phụ nữ: giày dép, túi xách, ví, đồng hồ, kính, bút, vòng cổ, mũ; Đồ dùng gia đình như đồ trang trí nội thất (giường tủ, chăn ga gối đệm, bàn ghế; đồ dùng gia đình để bàn (bát đĩa cốc chén; đồ dùng gia đình cố định như đèn bàn, đồng treo tường…; đồ dùng trong nhà tắm có thể dùng để làm quà tặng và được có khả năng chiếm lĩnh thị trường bán lẻ, siêu thị, các cửa hàng đặc biệt, các nhà bán buôn, bán qua Catalogue và Internet.

Tiếp đến là nắm bắt được xu thế tiêu dùng tại Nhật Bản; thông thường người Nhật ưa chuộng hàng hóa kiểu truyền thống Nhật Bản; có lợi cho sức khỏe, bảo vệ môi trường và an tòan. Ngoài ra cần quan tâm phong cách sống của người tiêu dùng Nhật Bản, phong cách sống của họ thường thay đổi bốn mùa, không gian sống nhỏ và chịu ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông để từ đó xây dựng chiến lược kinh doanh và lên kế hoạch lựa chọn kênh bán hàng tốt nhất cho sản phẩm của mình, hoặc hướng sản xuất sản phẩm theo những phương thức như gia công cho các tập đoàn thương mại và các công ty lớn, xuất khẩu thông qua đại lý tại Nhật Bản, xuất khẩu trực tiếp tới các nhà bán lẻ Nhật Bản.

Trước khi có mặt ở hội chợ cần chuẩn bị những tài liệu cần thiết như: danh thiếp, mẫu và bảng giá sản phẩm đơn đặt hàng và hợp đồng mua bán, tờ rơi giới thiệu công ty, phiên dịch Nhật -Việt, nghiên cứu về luật pháp, những hạn chế về xuất khẩu tại nước sở tại, những hạn chế về nhập khẩu tại Nhật Bản; Công ước Washington (công ước quốc tế về bảo vệ các loài động thực vật hoang dã) an toàn thực phẩm cho các sản phẩm liên quan đến thực phẩm ví dụ như khăn trải bàn.

Các quy định liên quan khác. Trong thời gian tham gia hội chợ cũng cần biết tận dụng cơ hội tham dự hội chợ quốc tế hàng quà tặng Tokyo khảo sát và nghiên cứu thị trường Nhật Bản và những hàng hóa sản xuất tại Nhật Bản tại khu vực triển lãm (Tokyo Big Sight) những cửa hàng gần đó như Odaiba, Venus những khu mua sắm tại shibuya, Roppongi và Ginza; Trưng bày giới thiệu sản phẩm của mình tại gian hàng kết hợp với quảng bá hình ảnh đất nước mình.

(Thương mại)

Nguồn:Vinanet