menu search
Đóng menu
Đóng

Doanh nghiệp cần biết: Xuất khẩu các mặt hàng sang thị trường Nga

09:40 04/07/2012
Nga có diện tích đất trồng nông nghiệp rất lớn. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp của Nga chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng những năm 1990 sau khi Liên minh Xô viết tan rã.

Tổng quan về thị trường nông sản Nga

Nga có diện tích đất trồng nông nghiệp rất lớn. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp của Nga chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng những năm 1990 sau khi Liên minh Xô viết tan rã. 

Tình trạng sở hữu trang trại không ổn định, thiếu trợ cấp của chính phủ, giá nhiên liệu tăng lên cùng với thiết bị và công nghệ lạc hậu đã khiến cho hầu hết các nông trang của Nga không sinh lời trong nhiều năm. Hiện nay Nga nhập khẩu ngày càng nhiều các mặt hàng thực phẩm thiết yếu. Nga có tiềm năng ngành nông nghiệp rất lớn và có thị trường nội địa lớn và đang phát triển, nhưng hiện tại đang chịu phụ thuộc vào các mặt hàng nhập khẩu. Đây chính là một trong những vấn đề mà chính phủ Nga coi là vấn đề cần được ưu tiên giải quyết. 

Ngành chăn nuôi gia súc là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề. Trong những năm 1990, đàn gia súc của Nga giảm khoảng 40 triệu con. Năm 2002, giảm còn 12 triệu con, đến năm 2010 tăng lên thành 22 triệu con. Hiện nay số lượng gia súc của Nga vào khoảng 20 triệu con (Nguồn: Cơ quan thống kê của Nga, ngày 1 tháng 2 năm 2011). Tuy nhiên, số lượng gia súc lấy thịt chỉ có khoảng 0,5 triệu con. Ngành sản xuất thịt của Nga vẫn còn rất kém phát triển. 

Hiện nay, ngành nông nghiệp chiếm chưa đến 6% GDP (theo USDA, chỉ chiếm 4,7%). Tuy nhiên, ngành này lại chiếm tới khoảng 16% (theo BMI là 10%) lượng lao động. Đặc trưng của ngành nông nghiệp của Nga là thiếu vốn và phụ thuộc nhiều vào trợ cấp của nhà nước. Đầu tư nước ngoài cho ngành này rất được khuyến khích (có một vài hành lang pháp lý) và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong sự phát triển của ngành thực phẩm và nông nghiệp của Nga.

Để phát triển ổn định các triển vọng kinh tế của ngành nông nghiệp Nga, năm 2006, chính phủ Nga đã thông qua Dự án ưu tiên quốc gia cho sự phát triển của ngành nông nghiệp. Chương trình này hướng tới việc khuyến khích phát triển quản lý vật nuôi và các chương trình chăn nuôi cũng như khuyến khích phát triển các trang trại nông nghiệp quy mô nhỏ. 

Các ngân hàng thương mại đã bắt đầu cung cấp các nguồn tín dụng dài hạn cho các trang trại nông nghiệp, trong đó Ngân hàng nông nghiệp Nga (Rosselkhozbank) và Ngân hàng Sberbank là hai ngân hàng đi đầu. Các nguồn ngân sách của chính phủ nhằm hỗ trợ nông dân mua con giống được phân bổ thông qua các khoản vay của Rosselkhozbank và Rosagroleasing. Nông dân có thể mua con giống qua các công ty được uỷ quyền hoặc thuê qua Rosagroleasing với nhiều khả năng sẽ được mua lại sau. 

Nhờ có các biện pháp này và các hoạt động đầu tư tăng lên, ngành chăn nuôi gia cầm, cừu và lợn đã có những tiến triển rõ rệt. Theo Bộ nông nghiệp Nga, năm 2009, ngành sản xuất thịt trong nước đã tăng 14%. Tuy nhiên, ngành sản xuất thịt bò vẫn giảm do ngành không tạo ra lợi nhuận. 

Tháng 1 năm 2010, Tổng thống Medvedev đã ký "Học thuyết an ninh lương thực" hướng đến việc đảm bảo cung cấp 85% nhu cầu về thịt và 90% nhu cầu về sữa trước năm 2020. 

Năm 2010, chính phủ Nga đã lên kế hoạch đầu tư hơn 400 tỷ rub vào việc phát triển ngành nông nghiệp trong nước. Ngân hàng Rosselkhozbank lên kế hoạch tăng các khoản vay lên 34%, đạt 19,3 tỷ euro năm 2010. 

Cơ hội thị trường

Cơ hội cho các nhà xuất khẩu và đầu tư nước ngoài trên thị trường Nga bao gồm các lĩnh vực sau:

- Cung cấp con giống, chủ yếu là gia súc, đặc biệt là bò, kể cả bò lấy sữa. Các giống bò được ưa chuộng trên thị trường này bao gồm Hereford, Angus và Holstein - Frisian. Ngoài ra, cừu lấy thịt giống Merino, Dorset, Suffolk, Border Leicester và một vài giống khác. Và dê lấy sữa giống Saanen (cơ hội ít hơn).

- Cung cấp giống của các loại bò có năng suất cao, có tiềm năng cung cấp phôi thai động vật

- Công nghệ thụ tinh nhân tạo và cấy ghép phôi thai động vật

- Các loại hạt, cơ sở hạ tầng và dịch vụ

- Công nghệ và dịch vụ quản lý trang trại

- Các dịch vụ tư vấn nông nghiệp (ví dụ phát triển các đồng cỏ)

- Hợp tác giữa các viện nghiên cứu khoa học

- Đầu tư vào các vùng đang phát triển, bao gồm cả đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp.

 Thách thức trên thị trường

- Nga có các quy định về chứng nhận nguồn gốc động thực vật. Theo các quy định pháp lý của Nga, chứng nhận nguồn gốc động vật nên có các thông tin về ba thế hệ giống bố mẹ. Tại Nga, những gia súc không có giấy chứng nhận nguồn gốc sẽ bị xếp vào danh mục hàng gia súc. Các khoản tín dụng và trợ cấp chính phủ chỉ được dành cho những gia súc có chứng nhận nguồn gốc. Đây là một trong những thách thức đối với nhà xuất khẩu gia súc sang thị trường này.

- Người nông dân thiếu chuyên môn trong việc chăm sóc gia súc có thể dẫn đến việc làm giảm chất lượng của vật nuôi.

- Ghép các chuyến hàng. Rất ít các trang trại vừa và nhỏ sẵn sàng mua gia súc với số lượng từ 100 đến 400 con.

- Cạnh tranh mạnh mẽ từ các nhà cung cấp quốc tế khác.

Nguồn: Vietrade

Nguồn:Vinanet