menu search
Đóng menu
Đóng

Doanh nghiệp Mỹ tìm mua hàng may mặc Việt Nam

16:31 09/11/2012
Hiện có nhiều doanh nghiệp Mỹ đang tìm nguồn hàng may mặc từ các thị trường ASEAN, đặc biệt từ Việt Nam, vì không muốn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung Trung Quốc.

Hiện có nhiều doanh nghiệp Mỹ đang tìm nguồn hàng may mặc từ các thị trường ASEAN, đặc biệt từ Việt Nam, vì không muốn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung Trung Quốc.

Theo thông tin từ văn phòng đại diện của công ty TigerTrade Service tại Việt Nam, hiện có 128 doanh nghiệp từ Mỹ đang tìm kiếm nhà máy sản xuất cung cấp sản phẩm may mặc từ Việt Nam sang Mỹ trong thời gian tới. Doanh nghiệp Mỹ có nhu cầu về nhiều loại quần, áo, thực hiện theo hình thức gia công (CMT) hay mua nguyên liệu bán thành phẩm (FOB).

TigerTrade Service đang thực hiện việc kết nối này. Hôm 8-11 đã có hai trong số 128 doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam và đi thăm một số nhà máy sản xuất hàng may mặc, trong đó có nhà máy ở Bình Dương.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, cố vấn về thương mại trong lĩnh vực dệt may, da giày, của TigerTrade Service, cho biết phần lớn các doanh nghiệp Mỹ này chưa từng làm việc với doanh nghiệp Việt Nam.

Họ muốn chuyển dịch hợp đồng từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á, nhưng Việt Nam lại được các doanh nghiệp này quan tâm hơn các nước khác, như Thái Lan, Indonesia, ông Hùng nói.

Ngoài ra, vào tháng 12-2012, công ty này cũng hỗ trợ một đoàn gồm 6 doanh nghiệp Mỹ sang Việt Nam tìm kiếm các doanh nghiệp sản xuất da giày để xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong năm tới.

Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), Mỹ hiện là thị trường lớn nhất cho hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam, với kim ngạch nhập khẩu dệt may từ Việt Nam trong 9 tháng đầu năm nay đạt 5,6 tỉ đô la Mỹ, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việt Nam là nước cung cấp hàng may mặc lớn thứ hai vào Mỹ, sau Trung Quốc. Trong tám tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch hàng dệt may nhập khẩu vào thị trường Mỹ đạt trên 68 tỉ đô la Mỹ, giảm 0,36% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, hàng dệt may từ Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ có kim ngạch 26,2 tỉ đô la Mỹ, tăng 0,28% so với cùng kỳ năm ngoái, và có số lượng tăng 2,38%. Hiện đơn giá hàng dệt may của Trung Quốc xuất khẩu sang thị trường Mỹ thấp hơn đơn giá trung bình của hàng dệt may nhập vào Mỹ, và giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, tám tháng đầu năm nay, hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đạt trên 5 tỉ đô la Mỹ, tăng 8,18% so với cùng kỳ năm ngoái, và có số lượng giảm 1,19%, nhưng có đơn giá trung bình cao gấp 1,5 lần so với đơn giá trung bình của Trung Quốc, tăng 8,48% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguồn:Thị trường tài chính tiền tệ