menu search
Đóng menu
Đóng

Dự thảo chính sách GSP mới của EU

15:23 21/06/2011
Dự thảo GSP mới của EU - Proposal for a REGULATION OF THE EUROPEAN PARLIAMENT AND OF THE COUNCIL applying a scheme of generalised tariff preferences sẽ được Hội đồng các Bộ trưởng và Nghị viện châu Âu xem xét, sửa đổi, bổ sung và thông qua sao cho Quy định mới về GSP của EU sẽ được áp dụng từ ngày 01/01/2014.

Ngày 10/5/2011, Uỷ ban châu Âu (EC) đã trình Hội đồng các Bộ trưởng và Nghị viện châu Âu xem xét Dự thảo GSP mới của EU - Proposal for a REGULATION OF THE EUROPEAN PARLIAMENT AND OF THE COUNCIL applying a scheme of generalised tariff preferences. Dự thảo này sẽ được Hội đồng các Bộ trưởng và Nghị viện châu Âu xem xét, sửa đổi, bổ sung và thông qua sao cho Quy định mới về GSP của EU sẽ được áp dụng từ ngày 01/01/2014.

Từ năm 1971, EU đã có các quy tắc đảm bảo hàng hóa xuất khẩu từ các nước đang phát triển chỉ phải chịu mức thuế thấp hơn trên một số hoặc tất cả những gì họ bán cho EU. Điều này cho phép các nước đang phát triển cơ hội tiếp cận thị trường EU, góp phần vào sự tăng trưởng nền kinh tế của họ. Đề án này được gọi là " Hệ thống Ưu đãi Thuế quan (GSP)". Hệ thống này bao gồm ba chế độ ưu đãi khác biệt, đó là:

Ưu đãi chung (GSP) hiện đang cấp cho 176 nước đang phát triển và vùng lãnh thổ.

Ưu đãi đặc biệt (GSP+) dành cho các nước đang phát triển dễ bị tổn thương và thực hiện các công ước quốc tế trong các lĩnh vực phát triển bền vững và quản trị tốt.

Ưu đãi đặc biệt dành cho các nước kém phát triển nhất- Tất cả mọi thứ trừ vũ khí (EBA).

Sau một thời gian dài thực hiện, EU nhận thấy rằng trong vài ba chục năm gần đây đã xuất hiện một số nước đang nổi lên, phát triển tiên tiến và có sức cạnh tranh toàn cầu. Chính các nước này hiện đang được hưởng lợi nhiều nhất từ GSP (chiếm khoảng 40% tổng ưu đãi nhập khẩu). Ngược lại, nhiều nước nghèo đang bị tụt hậu, họ bị ảnh hưởng bởi cạnh tranh từ các quốc gia tiên tiến đang nổi lên và phải hứng chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Tóm lại, có sự cạnh tranh đáng kể giữa các đối tượng được hưởng GSP. Do đó cần tập trung ưu đãi cho những nước cần chúng nhất, đó là các quốc gia có thu nhập thấp và thấp hơn trung bình. Cao ủy Thương mại EU Karel De Gucht đã nói: “Cán cân kinh tế toàn cầu đã thay đổi rất nhiều trong những thập niên gần đây. Nếu chúng ta cấp ưu đãi thuế quan trong môi trường cạnh tranh này, các nước cần ưu đãi nhất phải được hưởng nhiều lợi ích nhất. Thương mại và phát triển luôn đồng hành và ưu đãi thuế quan là một phần nhỏ trong chương trình nghị sự rộng lớn hơn của chúng ta để giúp các nền kinh tế nghèo hơn tăng cường sự hiện diện của họ trong "thị trường toàn cầu”. Tư tưởng này đã được thể hiện rất rõ trong Dự thảo của EC: Giảm số lượng nước được hưởng GSP, EC sẽ gạt một số nước ra khỏi danh sách được hưởng ưu đãi thuế quan, đó là:

Các nước đã được Ngân hàng Thế giới xếp hạng là có thu nhập bình quân đầu người cao hay trên trung bình trong ba năm trước thời điểm xem xét lại danh sách được hưởng GSP (trước 01/01 hàng năm). Theo quy định này thì các nước như: Kuwait, Saudi Arabia, Nga, Qatar…sẽ không được hưởng GSP nữa.

Các nước đã được hưởng ưu đãi vào thị trường EU theo các thoả thuận khác có mức thuế nhập khẩu vào EU bằng hoặc thấp hơn mức thuế GSP thì cũng không hưởng GSP nữa. Các nước này là các nước đã có Hiệp định về Thương mại tự do (FTA), Hiệp định về Đối tác Kinh tế (EPA) hoặc chế độ thương mại đặc biệt như đối với các nước trên bán đảo Balcan.

Theo tính toán của EC, nếu các quy định trong Dự thảo được áp dụng vào thời điểm hiện tại thì chỉ còn khoảng 80 quốc gia và vùng lãnh thổ được hưởng GSP của EU.

Để tập trung hơn nữa cho các nước “cần được hưởng GSP”, Dự thảo có một số sửa đổi về cơ chế “trưởng thành”. ‘Trưởng thành - graduation’ có nghĩa là việc nhập khẩu vào EU các sản phẩm thuộc một “Mục -section” nào đó của Biểu thuế có xuất xứ từ một nước được hưởng ưu đãi GSP sẽ không được hưởng ưu đãi GSP nữa, nếu tổng nhập khẩu hàng hóa vào EU thuộc mục đó của quốc gia đó vượt quá tỷ lệ do EU ấn định so với tổng nhập khẩu hàng hóa tương tự được hưởng GSP của EU. Theo quy định hiện tại thì hàng hóa thuộc một trong 21 mục của Biểu thuế có xuất xứ từ một nước được hưởng ưu đãi GSP sẽ bị coi là “đã trưởng thành” (và không được hưởng ưu đãi GSP nữa) nếu tổng nhập khẩu hàng hóa vào EU thuộc mục đó của quốc gia đó vượt quá 15% (12,5% đối với hàng dệt may) tổng nhập khẩu hàng hóa tương tự được hưởng GSP của EU. Theo quy định trong Dự thảo thì số mục trong Biểu thuế sẽ tăng lên thành 32, còn tổng hàng hóa của một quốc gia để bị coi là “đã trưởng thành” sẽ là 17,5% (14,5% với hàng dệt may). Như vậy, mặc dù tổng hàng hóa để bị coi là “đã trưởng thành” đã được nâng từ 15% lên 17,5% (từ 12,5% lên 14,5% đối với hàng dệt may), nhưng với việc phân nhỏ mục hàng (từ 21 lên 32) và giảm số lượng nước được hưởng GSP (chỉ còn khoảng 80- và là các nước không có nhiều hàng hóa nhập khẩu vào EU) thì các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam vào EU sẽ rất dễ bị coi là “đã trưởng thành” và không được hưởng ưu đãi GSP nữa.

Bên cạnh việc giảm số lượng nước được hưởng GSP, Dự thảo cũng đưa ra nhiều thay đổi về GSP+.  Để thúc ép một số nước tăng cường thực hiện các công ước quốc tế về nhân quyền, lao động, môi trường và quản lý công, EU sẽ cấp nhiều ưu đãi hơn cho các nước tham gia GSP +. Cụ thể: mở rộng hơn "tiêu chí dễ bị tổn thương"; có thể xem xét cho một quốc gia nào đó hưởng GSP+ vào bất kỳ thời điểm nào thay vì 1,5 năm/lần như hiện nay; hàng hóa của quốc gia được hưởng GSP+ sẽ không bị “tốt nghiệp”, tránh phải cạnh tranh với hàng hóa từ các nền kinh tế mới nổi …Đổi lại, để được hưởng GSP+ nước muốn được hưởng phải  cam kết hợp tác hiệu quả và toàn diện với các tổ chức quốc tế trong việc thực hiện 27 công ước quốc tế, nước thụ hưởng GSP+ phải chứng minh họ đang thực hiện nghĩa vụ của mình. EU sẽ tăng cường giám sát và kiểm tra đồng thời có cơ chế dừng cho hưởng GSP+ ngay khi EU cho là cần thiết.

Đối với các nước kém phát triển nhất, chính sách “Tất cả mọi thứ trừ vũ khí” của EU không thay đổi. Các nước kém phát triển nhất tiếp tục được hưởng các ưu đãi về thuế quan, hạn ngạch đối với hàng hóa nhập khẩu vào EU. Mặc dù Việt Nam không phải (và không thể) là nước kém phát triển nhất, nhưng chính sách của EU dành cho các nước kém phát triển nhất lại rất quan trọng đối với nước ta vì hai nước láng giềng gần gũi nhất của ta là Lào và Căm-pu-chia đang và sẽ tiếp tục được hưởng ưu đãi này, nếu tận dụng tốt các cơ hội của bạn ta sẽ vừa giúp bạn phát triển, đồng thời được hưởng lợi từ chính sách này của EU.

Dự thảo còn bao gồm một số quy định nhằm tăng cường khả năng dự báo, minh bạch và ổn định.Theo đó, Hệ thống Ưu đãi Thuế quan này của EU khi có hiệu lực sẽ được thực hiện không bị giới hạn về thời gian (chứ không phải xem xét lại ba năm một lần như hiện nay). Quy định này làm cho nó dễ dàng và hấp dẫn các nhà nhập khẩu EU khi mua hàng từ các nước thụ hưởng GSP hơn. Ngoài ra, thủ tục sẽ trở nên minh bạch hơn, với các nguyên tắc pháp lý và tiêu chí khách quan được xác định rõ ràng hơn.

Mặc dù Dự thảo Quy chế GSP này sẽ còn được Hội đồng châu Âu và Nghị viện Châu Âu thảo luận (có thể có những sửa đổi, bổ sung) và sẽ được thông qua sao cho nó có hiệu lực thi hành vào ngày 01/01/2014, nhưng có thể sơ bộ dự đoán tác động đối với xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào thị trường EU như sau:

Đến năm 2014- khi Quy chế GSP mới của EU có hiệu lực thi hành- Việt Nam sẽ vẫn nằm trong danh sách được hưởng ưu đãi GSP của EU. Tuy nhiên, cơ chế “trưởng thành” mới sẽ khiến một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ta không được hưởng ưu đãi GSP nữa (như hiện nay đối với Mục XII – chủ yếu là giày dép).

Như vậy, chỉ còn khoảng 30 tháng nữa chính sách mới của EU về GSP sẽ được áp dụng. Đế xuất khẩu của Việt Nam vào EU, nhất là đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ta, không bị tác động xấu bởi chính sách mới về GSP này, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu vào thị trường EU cần chủ động, khẩn trương thực hiện một số biện pháp, như:

Không ngừng nâng cao chất lượng hàng hóa, đa dạng hóa sản phẩm, giảm chi phí, hạ giá thành nhằm tăng cường sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam; 

Mở rộng, đa dạng hóa hơn nữa thị trường xuất khẩu, tránh tập trung xuất khẩu vào một thị trường;

Các hiệp hội ngành hàng, nhất là những ngành có tỷ trọng xuất khẩu vào EU cao - có khả năng bị coi là “trưởng thành” không được hưởng ưu đãi nữa, cần sớm thông tin, tuyên truyền để các doanh nghiệp thành viên của hiệp hội nhận thức rõ những khó khăn sẽ phải vượt qua, cùng các doanh nghiệp thành viên thảo luận, đề xuất, áp dụng những biện pháp cần thiết đem lại hiệu quả cao nhất cho từng doanh nghiệp và cho cả ngành hàng.

(TTNN)

Nguồn:Tin tham khảo