menu search
Đóng menu
Đóng

Giới thiệu thị trường xi măng Tây Phi

10:32 22/06/2011
Việc tiêu thụ xi măng tại Tây Phi tăng trưởng trung bình mỗi năm 12%. Trong mấy năm qua, thị trường này trải qua cuộc khủng hoảng do việc sốt giá, thiếu xi măng và sản xuất không đủ tại nhiều nước trong tiểu vùng.

Việc tiêu thụ xi măng tại Tây Phi tăng trưởng trung bình mỗi năm 12%. Trong mấy năm qua, thị trường này trải qua cuộc khủng hoảng do việc sốt giá, thiếu xi măng và sản xuất không đủ tại nhiều nước trong tiểu vùng.

Burkina Faso có một nhà máy sản xuất xi măng duy nhất với công suất 400.000-600.000 tấn năm, cho phép đáp ứng 70% nhu cầu trong nước (khoảng 750.000 tấn). Trong năm 2008-2009, thị trường xi măng Burkina Faso bị rối loạn do tình trạng thiếu xi măng trầm trọng. Nhiều người kinh doanh mặt hàng này đã buộc phải đóng cửa. Tại thủ đô Ougadougou, các doanh nghiệp giải thích tình hình này bắt nguồn từ việc Chính phủ thực hiện các công trình xây dựng lớn.

Trong số nhiều tập đoàn xi măng nước ngoài mới đến hoạt động tại thị trường Tây Phi có Holcim/Cibema (Thụy Sĩ-Tây Ban Nha), Dangote Cement (Nigeria và Xê-nê-gan), Vicat (Pháp), Scancem/Heidelberg (Na Uy/Đức), Amida (Pháp), Lafarge (Pháp), Stucky (Thụy Sĩ), CBMC (Trung Quốc) và MCM/Africa (Nga).

Tình hình xuất khẩu xi măng của Việt Nam sang châu Phi

Ngành công nghiệp xi măng là một lĩnh vực đầy triển vọng nhất là những nước có trữ lượng và mỏ đá vôi lớn ở Tây Phi. Giá trị gia tăng và ảnh hưởng về mặt kinh tế-xã hội của ngành này là rất rõ ràng.

AST-Togo là công ty công nghiệp và các công trình công cộng của Togo, đồng thời là đối tác của tập đoàn Ấn Độ Wacem mong muốn mở rộng hoạt động sang các nước Tây Phi, nhất là tại Mali. Tại Togo, hai nhà máy sản xuất xi măng là Cimtogo và Wacem có công suất mỗi tháng là 105.000 tấn và mức tiêu thụ trung bình của Togo từ 45.000 đến 50.000 tấn. Mặc dù vậy, theo người tiêu dùng nước này, giá bán xi măng đã tăng mạnh thời gian qua do hiện tượng đầu cơ.

Mali cũng là một thị trường tiềm năng, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là trong lĩnh vực xây dựng các nhà máy tích hợp (khai thác và nghiền xi măng). Mali tiêu thụ khoảng 1-1,2 triệu tấn xi măng mỗi năm với chi phí xấp xỉ 100 tỷ FCFA (215 triệu USD). Việc nhập khẩu xi măng chủ yếu từ Bờ Biển Ngà, Xê-nê-gan, Burkina Faso và Togo.

Nigertiêu thụ khoảng 300.000 tấn xi măng/năm trong khi Công ty Xi măng quốc gia Niger (SNC) chỉ sản xuất được 80.000 tấn. Benin và Togo là hai nước cung cấp đến 70% nhu cầu xi măng hàng năm của Niger. Công ty SNC đã đề nghị Ngân hàng thế giới cho vay tiền để nâng công suất xi măng hàng năm lên 250.000 tấn. Hiện sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu. Thời gian qua, khối lượng xi măng của Niger nhập khẩu từ Togo và Benin  đã giảm do cầu nội địa tại hai nước này tăng mạnh.

Ngay cả tại Benin, nước sản xuất nhiều xi măng thì giá bán vật liệu này cũng tăng cao. Giá chính thức là 148 USD/tấn, còn trên thực tế, con số này có thể tăng gấp đôi.

Tại Bờ Biển Ngà, hai công ty sản xuất xi măng là Socimat và Sca khẳng định bị lỗ nặng từ vài năm nay do việc tăng liên tục giá nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là clinker. Từ tháng 10/2007, các công ty này đã đề nghị Bộ Thương mại có những biện pháp ưu đãi cho nhà sản xuất, người dân và cho chính Nhà nước nữa.

Xê-nê-gan là quốc gia sản xuất xi măng nhiều hơn nhu cầu thực tế trong nước. Hai nhà máy xi măng chính có kế hoạch nâng công suất lên 5.500.000 tấn trong năm 2011. Tập đoàn Dangote của Nigeria cũng rất quan tâm đến thị trường Xê-nê-gan. Trong một phân tích mới đây, SFI - công ty đã đầu tư vào lĩnh vực xi măng Tây Phi từ 25 năm nay ước tính sản lượng xi măng dư thừa tại Xê-nê-gan vào khoảng 40%, đạt 2,9 triệu tấn trong đó 600.000 tấn được xuất khẩu sang Mali.

Theo thông tin từ Bộ Xây dựng Việt Nam, năm 2011 cả nước ước tính có thêm 12 nhà máy xi măng với tổng công suất 10,8 triệu tấn đi vào hoạt động. Như vậy, sản lượng toàn ngành sẽ sản xuất trong năm nay ước đạt khoảng 60 triệu tấn. Trong khi đó, dự báo về nhu cầu tiêu thụ xi măng trong năm 2011 sẽ chỉ tăng khoảng 10% so với năm ngoái và đạt mức 55 - 56 triệu tấn. Như vậy, sản lượng dư thừa này sẽ khiến các doanh nghiệp phải mở rộng thị trường tiêu thụ và đặt ra mục tiêu xuất khẩu dài hạn.

Trước thực tế này, một số doanh nghiệp xi măng nội đã tiến hành việc xuất khẩu nhưng mới dừng lại ở số lượng nhỏ. Tuy nhiên, việc tìm kiếm thị trường cho xuất khẩu xi măng không hề đơn giản, bởi lẽ những thị trường nhập khẩu xi măng lớn đòi hỏi rất khắt khe không chỉ về chất lượng mà còn nhiều yếu tố khác như dây chuyền công nghệ, việc bảo vệ môi trường nơi sản xuất; nhà máy phải có công suất lớn và đặc biệt là khả năng tập kết hàng với số lượng lớn trong thời gian ngắn...

Công ty Xi măng Thăng Long cho biết, hồi tháng 1/2011, công ty đã xuất khẩu lô hàng 25.000 tấn xi măng đầu tiên sang châu Phi. Đến tháng 5/2011, công ty này tiếp tục xuất khẩu 33.000 tấn xi măng sang lục địa đen. Theo kế hoạch năm 2011, Xi măng Thăng Long sẽ xuất khẩu 300.000 tấn xi măng bao và 200.000 tấn xi măng rời sang thị trường các nước Châu Phi, Trung Đông, Châu Mỹ, Singapore và Bruney.

Theo lãnh đạo công ty này, sở dĩ Xi măng Thăng Long chọn Châu Phi là thị trường xuất khẩu trong năm nay bởi lẽ đây được coi là thị trường tiềm năng do cơ sở hạ tầng còn thiếu và nhu cầu xây dựng cao.

Trước Công ty Xi măng Thăng Long, vào tháng 3/2009, tại Quảng Ninh, Nhà máy xi măng Cẩm Phả (thuộc Vinaconex) đã xuất khẩu lô hàng 12.5000 tấn xi măng sang thị trường Mozambique (Châu Phi). Đây là lần đầu tiên một nhà máy xi măng của Việt Nam xuất khẩu số lượng lớn ra thị trường nước ngoài. Song song với việc tiêu thụ trong nước, thương hiệu ximăng Cẩm Phả đã được giới thiệu tại một số thị trường như châu Âu, Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ. Công ty này đã ký kết được một số hợp đồng như hợp đồng xuất khẩu ximăng sang thị trường Nam Phi và vùng lân cận với đối tác Pionaire Finance Limite, sản lượng 40.000 tấn/tháng.

 (TTNN)

Nguồn:Tin tham khảo