menu search
Đóng menu
Đóng

Kỳ vọng những lợi ích lớn từ FTA Việt Nam - EU

09:25 10/04/2013
Ngày 22/4 tới, phiên đàm phán thứ ba Hiệp định Thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu EU (EVFTA) sẽ diễn ra tại Hà Nội. Dự kiến, EVFTA sẽ được ký kết vào năm 2014. Ước tính, khi FTA được ký kết, khoảng 90% dòng thuế của EU cho hàng hóa của Việt Nam sẽ được giảm xuống ở mức rất thấp, thậm chí chỉ còn 0%. Phóng viên Kinh tế Việt Nam đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan về những cơ hội Việt Nam kỳ vọng đạt được từ hiệp định này.

Ngày 22/4 tới, phiên đàm phán thứ ba Hiệp định Thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu EU (EVFTA) sẽ diễn ra tại Hà Nội. Dự kiến, EVFTA sẽ được ký kết vào năm 2014. Ước tính, khi FTA được ký kết, khoảng 90% dòng thuế của EU cho hàng hóa của Việt Nam sẽ được giảm xuống ở mức rất thấp, thậm chí chỉ còn 0%. Phóng viên Kinh tế Việt Nam đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan về những cơ hội Việt Nam kỳ vọng đạt được từ hiệp định này.

Thưa bà, Việt Nam đang tích cực triển khai đàm phán FTA với EU. Theo bà, Việt Nam và EU có những thuận lợi như thế nào khi tiến hành đàm phán hiệp định này?

Theo tôi, có một số thuận lợi cơ bản khi khởi động đàm phán FTA giữa EU và Việt Nam, trước hết là giữa hai bên có những điểm tương đồng khá lớn. Đây là nền tảng hết sức cơ bản để hai bên có thể thỏa thuận. Thứ hai, quan hệ Việt Nam - EU đã có lịch sử lâu năm. Suốt những thập kỷ qua, quan hệ này luôn được nâng dần từng bước. EU là khu vực đầu tiên có Hiệp định Khung hợp tác Việt Nam - EC năm 1995, khi Việt Nam mới cải cách được vài năm, đồng thời cũng đã ký với Việt Nam Hiệp định Đối tác và hợp tác toàn diện  (PCA). Đó cũng là yếu tố khởi động cho chuỗi đàm phán Hiệp định FTA.

Bên cạnh đó, các DN của Việt Nam và EU cũng đã có thời gian làm việc với nhau từ rất lâu và những mặt được trong mối quan hệ cũng thấy khá rõ, ví dụ như lượng xuất khẩu từ Việt Nam sang EU liên tục tăng trưởng và EU cũng đã mở cửa cho thị trường Việt Nam. DN EU có thiện cảm tốt với DN Việt Nam. Người châu Âu cũng đã quen thuộc với hàng hóa Việt Nam. Thị trường EU rộng lớn và đa dạng do đây là liên minh của 27 nền kinh tế khác nhau nhưng cũng có sự chênh lệch chung về thị trường phát triển. Như vậy sẽ tạo sự đa dạng về thị trường để DN Việt Nam thuận lợi hơn khi kinh doanh với thị trường này. Chính vì vậy, Hiệp định FTA được kỳ vọng có thể đạt kết quả vào năm 2014 nhằm mang lại lợi ích cho cả hai nền kinh tế và cộng đồng DN hai bên.

Bên cạnh những thuận lợi đó, đâu là những cản trở đến quá trình đàm phán Hiệp định này, thưa bà?

Điểm bất lợi lớn nhất là Việt Nam luôn ở tư thế là một nước đang phát triển với trình độ khá thấp. Sự chênh lệch về trình độ phát triển từ kinh tế - xã hội, khoa học - kỹ thuật đến hệ thống thể chế đang được hình thành luôn luôn tạo ra khoảng cách giữa 2 bên. Theo đó, dù có những thuận lợi trong đàm phán và kinh nghiệm của 2 bên cũng đã có nhưng khoảng cách không dễ dàng hóa giải được, đặc biệt trong hoàn cảnh EU luôn đòi hỏi mức tiêu chuẩn ngày một cao hơn.

Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn ở tư thế của một nước nghèo hơn, lợi nhuận mà DN thu được thường dựa trên lao động giá rẻ và tài nguyên thiên nhiên. DN lại chưa tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu một cách vững chắc, chính vì vậy đòi hỏi các DN Việt Nam phải có nỗ lực rất lớn để vươn lên.

Mặt khác, phía châu Âu cũng thừa nhận rằng những hàng rào kinh tế của họ luôn luôn cao và phức tạp, đó mới là thách thức lớn mà DN khó mà khỏa lập được. Một mặt, hai bên có thể kỳ vọng về việc FTA có thể giúp miễn giảm thuế, nhưng trong kinh doanh, những câu chuyện bất lợi còn nằm ở môi trường kinh doanh. Yếu tố này đôi khi còn cản trở hơn rất nhiều so với rào cản về thuế, đó là bất lợi mà cả hai bên đang gặp phải, đòi hỏi họ phải cải thiện môi trường kinh doanh để cả hai bên có thể yên tâm hơn khi đầu tư vào quốc gia của nhau.

EU và Việt Nam đều đang gặp nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế. Vậy lựa chọn thời điểm này để đàm phán FTA có thực sự hợp lý, thưa bà?

Hiện nay thì cả 2 bên đều đang gặp khó khăn. Nếu tính từ khi đổi mới đến giờ thì có lẽ những năm 2011, 2012 và có thể cả năm 2013 là những năm khó khăn nhất trong thời kì phát triển của chúng ta. Liên minh châu Âu cũng đang trong giai đoạn khó khăn của họ. Nhưng khó khăn không có nghĩa là phải dừng lại.

Trong điều kiện này, theo tôi, cả hai bên đều cần nỗ lực để có những cải cách để vượt qua được tình trạng khó khăn. Việc đàm phán Hiệp định FTA cũng có thể góp chung vào những nỗ lực cải cách của cả hai bên. Liên minh châu Âu cũng phải tìm đường để cho các DN của họ có thể phát triển được thuận lợi hơn và tìm kiếm những thị trường mới. Do đó, việc nâng cấp quan hệ với những thị trường như Việt Nam hoặc khu vực ASEAN là chọn lựa chiến lược đúng đắn của họ, không phải chỉ có ý nghĩa về lâu dài mà ngay trước mắt cũng có thể giúp cho họ phần nào vượt qua khó khăn. Đối với Việt Nam cũng vậy, rõ ràng là điều kiện hiện nay rất thách thức, những chương trình về tái cơ cấu kinh tế đã được đưa ra, đổi mới mô hình tăng trưởng đã được nói đến rất nhiều, nhưng khởi động của các chương trình này vẫn còn rất chậm chạp. Nhưng chính vào thời điểm khó khăn này lại làm cho chúng ta quyết tâm hơn, mạnh dạn hơn và thấy rõ đàm phán các Hiệp định với các đối tác nước ngoài là nhu cầu cấp bách, đòi hỏi phải nhanh chóng được tiến hành để đưa nước ta nhanh chóng hội nhập, từ đó đưa nền kinh tế vượt qua tình trạng khó khăn trì trệ hiện nay để đi lên bước phát triển mới.

FTA Việt Nam – EU dự kiến sẽ được ký kết vào năm 2014. Theo bà, thời điểm này sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với kinh tế Việt Nam?

Tôi cho rằng đạt được thỏa thuận vào năm 2014 là hợp lý bởi vì đây là thời điểm rất quan trọng để cả hai bên có thể nắm bắt được những thời cơ mới cũng như cơ hội mới để có thể đối phó được với thách thức. Đặc biệt, về phía Việt Nam, đến năm 2015, FTA giữa ASEAN và Trung Quốc sẽ được hình thành tương đối đầy đủ và bắt đầu đi vào thực hiện. Do đó, Việt Nam sẽ phải giảm thuế hàng loạt cho hàng hóa Trung Quốc. Nếu chúng ta không sớm có được điều kiện thuận lợi hơn để phát triển kinh tế với các nước khác thì sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho DN Việt Nam./.

Xin cảm ơn bà!

Ngày 26/6/2012, tại trụ sở Ủy ban châu Âu ở Bruxelles (Bỉ), Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng và Cao Ủy Thương mại EU Karel De Gucht đã chính thức tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Sự kiện này đánh dấu việc Việt Nam trở thành nước thứ ba ở khu vực ASEAN tiến hành đàm phán FTA với EU, sau SingaporeMalaysia.

Hiện nay, EU là khu vực thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và là đối tác lớn thứ tư (sau ASEAN, Trung Quốc và Hàn Quốc) cung cấp hàng hoá cho nước ta. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá năm 2012 của Việt Nam sang thị trường EU đạt 20,3 tỷ USD, tăng 22,7% (tương ứng tăng 3,76 tỷ USD) so với cùng kỳ và chiếm 17,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước ra thị trường thế giới.

(TTXVN)

Nguồn:Internet