menu search
Đóng menu
Đóng

Nam Định: hạt nhân phát triển của Tiểu vùng Nam đồng bằng sông Hồng

10:57 07/07/2008
Từ nay đến năm 2020, Nam Định cần khoảng 296.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội để trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của Tiểu vùng Nam đồng bằng sông Hồng.

Tỉnh Nam Định sẽ phát triển tương xứng với vị trí, vai trò đối với Tiểu vùng Nam đồng bằng sông Hồng

Theo Quyết định ngày 3/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của tỉnh đến năm 2010 khoảng 12%/năm và tăng đến 13%/năm giai đoạn 2011 - 2015.

Trước mắt, đến năm 2010, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm cao nhất, khoảng 39%; dịch vụ chiếm 36%, nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 25%.

Thu nhập bình quân đầu người sẽ đạt 12,5 triệu đồng vào năm 2010, 26 triệu đồng năm 2015, 50 triệu đồng năm 2020 (tính theo giá thực tế).

Tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh sản xuất lúa đặc sản ở các huyện phía Nam, mở rộng sản xuất lúa chất lượng cao ở các huyện phía Bắc; ổn định diện tích 2 vụ lúa khoảng 70 - 75 nghìn ha, năng suất 13 - 14 tấn/ha/năm, sản lượng khoảng 900 - 950 nghìn tấn.

Nam Định sẽ đầu tư mạnh vào các doanh nghiệp đóng tàu như Nhà máy đóng tàu Thịnh Long để đóng mới tàu biển với công suất thiết kế tải trọng 6.500 - 15.000 DWT. Hình thành thêm một số khu công nghiệp tàu thủy: Nam Định, Xuân Kiên, Mỹ Lộc, Nghĩa Bình, Thịnh Long.

Bên cạnh chất lượng, số lượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ tăng nhanh, làm chỗ dựa cho phát triển ngành nghề nông thôn tại địa phương.

Nhịp độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp phấn đấu bình quân giai đoạn 2006 - 2010 là 25%/năm, giai đoạt 2011 - 2015 đạt 17%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 đạt 15%/năm.

Du lịch sẽ được phát triển thành ngành kinh tế quan trọng, theo đó, sẽ nghiên cứu xây dựng khu du lịch biển Rạng Đông, phát triển khu du lịch biển Thịnh Long, Quất Lâm...

Đáng chú ý, theo Quy hoạch, Nam Định sẽ trở thành Trung tâm giao dịch chứng khoán của Nam đồng bằng sông Hồng để huy động vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Về mạng lưới quốc lộ, đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình qua địa bàn tỉnh với chiều dài khoảng 21 km, sau đó tiếp tục nâng cấp toàn tuyến từ Pháp Vân - Ninh Bình lên 6 làn xe. Xây dựng đường quốc lộ ven biển với quy mô cấp II đồng bằng, đoạn Thanh Hóa - Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh sau năm 2010.

 

(TTĐT Chính phủ)

Nguồn:Vinanet