menu search
Đóng menu
Đóng

Nhu cầu nhập khẩu bạch tuộc thế giới tiếp tục tăng trong thời gian tới

11:41 19/09/2014
Theo tính toán của ITC dựa trên số liệu công bố mới nhất của Bộ Thương mại các nước thì trong nửa đầu năm nay, 3 thị trường NK bạch tuộc lớn nhất thế giới là: Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ đều gia tăng cả khối lượng và giá trị NK mặt hàng này với mục đích chủ yếu tiêu dùng trong nước.

Theo tính toán của ITC dựa trên số liệu công bố mới nhất của Bộ Thương mại các nước thì trong nửa đầu năm nay, 3 thị trường NK bạch tuộc lớn nhất thế giới là: Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ đều gia tăng cả khối lượng và giá trị NK mặt hàng này với mục đích chủ yếu tiêu dùng trong nước. Do đó, trong thời gian này, cơ cấu XK mặt hàng mực, bạch tuộc của Việt Nam cũng có nhiều thay đổi, trong đó, giá trị XK bạch tuộc đã tăng gần 5% so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến hết tháng 7/2014, tổng giá trị XK mặt hàng nhuyễn thể chân đầu của Việt Nam đạt 264,4 triệu USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cơ cấu XK của nhóm mặt hàng này càng ngày càng trở nên cân bằng. Cách đây 3 năm, giá trị XK mặt hàng bạch tuộc chỉ chiếm khoảng 30-35% tổng giá trị XK, tuy nhiên, cho đến nay giá trị XK mặt hàng này đã chiếm gần 41% tổng giá trị XK của nhóm.

Theo thống kê của ITC, 6 tháng đầu năm nay, Hàn Quốc đang là thị trường NK hàng đầu mực, bạch tuộc trên thế giới cũng gia tăng NK bạch tuộc. Trong đó, mặt hàng bạch tuộc đông lạnh, khô, muối hoặc ngâm nước muối (mã HS 030759) chiếm từ 46-52% tổng giá trị NK. Kể từ tháng 3-6/2014, giá trị NK bạch tuộc (HS030759) của nước này tăng từ 10-12%/tháng và tăng từ 15-25% so với cùng kỳ năm trước. Có thể nói, cả nhu cầu tiêu thụ và NK của nước này đều tăng nhanh trong nửa đầu năm nay.

Đứng thứ 2 thế giới về NK mực, bạch tuộc là thị trường Nhật Bản trong nửa đầu năm nay cũng có xu hướng tương tự. Giá trị NK trong quý II của Nhật Bản cũng tăng trung bình từ 26-33%. Bạch tuộc đông lạnh, khô, muối hoặc ngâm nước muối (mã HS 030759) chiếm từ 31-64% tổng giá trị NK. Trong hai quý đầu năm, giá trị NK bạch tuộc đông lạnh, khô muối của nước này cũng tăng từ 3-12% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mặc hàng bạch tuộc Việt Nam mới chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn từ 4,5-5% tổng giá trị NK bạch tuộc (HS 030759) của Nhật Bản, trong khi đó, 3 nước cạnh tranh lớn nhất là Morocco, Trung Quốc và Mauritania đang chiếm đến 65-75% thị phần tại Nhật Bản.

Tại thị trường Mỹ, mặc dù, bạch tuộc đông lạnh, khô, muối hoặc ngâm nước muối đứng vị trí thứ 2 (sau mực đông lạnh, khô, muối hoặc ngâm nước muối (HS 030749) nhưng giá trị NK mặt hàng này trong 6 tháng đầu năm nay cũng tăng trung bình hàng tháng từ 17-33%. Tuy nhiên, mặt hàng bạch tuộc của Việt Nam rất khó cạnh tranh được các đối thủ lớn tại thị trường Mỹ như: Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Indonesia, Philipines, Trung Quốc, Thái Lan. Hiện nay, các DN XK của các quốc gia này “hiểu” rất rõ thị trường Mỹ và cung cấp số lượng lớn ổn định và giá cả khá tốt cho khách hàng Mỹ.

Mặc dù, đã tăng bạch tuộc trong cơ cấu XK mực, bạch tuộc trong 6 tháng đầu năm nay nhưng tiềm năng, nhu cầu tiêu thụ trên thế giới vẫn lớn. Điều khó nhất với các DN Việt Nam tại thời điểm hiện tại là cạnh tranh thu mua nguyên liệu gay gắt không kém giành giật thị phần XK. Khi nguồn cung cấp nguyên liệu bạch tuộc chính của các DN hải sản Việt Nam là Ấn Độ cũng đang phải đối phó với việc nguyên liệu không còn dồi dào như xưa. Và chính họ cũng đang chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các nước có nguồn tài nguyên lớn như: Morocco, Senegal, Mauritania… Dự báo, nhu cầu NK bạch tuộc của thế giới sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới.

 Nguồn: VASEP

Nguồn:Vasep