menu search
Đóng menu
Đóng

Nhu cầu tiêu thụ hoa của thị trường Nhật Bản

10:39 22/10/2009
Do nhu cầu, sở thích thay đổi, dường như hoa Nhật Bản đã không còn làm thỏa mãn người dân nước này, bởi phong lan Thái, tuylip Hà Lan, cúc Đài Loan, sen Việt Nam, cẩm chướng Colombia hay hồng Iran... đã chinh phục họ.

Với điều kiện tự nhiên tương đối phù hợp, Nhật Bản có thể tự trồng và đáp ứng mọi nhu cầu về hoa trong nước. Nhưng vì nhu cầu ấy hay thay đổi, chi phí nhân công đắt đỏ, cộng thêm chi phí cho các nguyên liệu đầu vào khá lớn, nên hoa nhập khẩu đã trở thành thượng sách.

Vào các dịp lễ Tết, chơi hoa và tặng hoa cho nhau là một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Nhật Bản. Nhu cầu chơi hoa đã trở nên phổ biến trong mỗi gia đình. Lúc đó, người ta còn có thói quen mua hoa để tặng người thân, bạn bè và đồng nghiệp. Vì vậy, vào các ngày giỗ tổ (tháng 3), ngày của Mẹ (tháng 5), Noel và năm mới ở Nhật, nhu cầu về hoa thường tăng mạnh. Ngoài ra, thói quen tặng hoa chúc mừng vào ngày khai trương, kỷ niệm, thành lập công ty... cũng rất phổ biến.

Theo thống kê, ngoài lượng hoa mà thị trường nội địa cung cấp, hàng năm Nhật Bản còn nhập khoảng 500 triệu USD hoa ngoại. Con số này được dự báo sẽ còn tăng mạnh trong những năm tới (khoảng từ 5-7%). Hoa nhập khẩu chủ yếu là những loại không được trồng phổ biến ở Nhật hoặc rất khó trồng vào vụ Thu - Đông, như: phong lan Thái và Singapore, protea và hoa sáp ong New Zealand và Australia, cúc Đài Loan, loa kèn và tuylip của Hà Lan...

Mặt hàng hoa là gọi chung tất cả các chủng loại hoa cắt, nụ hoa lá, cành, cây cỏ, rêu, cây sống, hoa khô. Do tính chất đặc thù, hầu hết các loại hoa nhập khẩu vào Nhật đều theo đường hàng không. Thông thường, cách này mất khoảng 4 ngày kể từ khi xuất hàng đến khi bày bán tại các cửa hàng bán lẻ. Tại Tokyo có tới 16 chợ hoa bán buôn, trong đó Ohata (chiếm 30% thị phần phân phối hoa tại Nhật Bản) và Setagaya là 2 chợ hoa lớn nhất.

Việc nhập nhẩu hoa phải tuân thủ các quy định của Luật Bảo vệ thực vật và công ước Washington. Theo đó, các loại thực vật khi nhập khẩu vào Nhật Bản phải qua kiểm dịch để ngăn chặn sự lây lan của bệnh và cá loài sâu hại. Do đó, trước khi xuất khẩu, người xuất khẩu phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp và được Nhật Bản công nhận.

Hàng nhập khẩu được lấy mẫu để kiểm tra ngay tại cảng và sân bay của Nhật Bản. Nếu phát hiện thấy côn trùng có hại, hàng hóa sẽ bị khử nhiễm, hủy bỏ hoặc trả lại nước xuất khẩu tùy theo mức độ và loại sâu bệnh.

Một điểm đáng lưu ý: tất cả các loại thuộc họ xương rồng và phong lan đều phải được kiểm tra khi nhập khẩu theo Công ước Washington. Các loài hoa nhập khẩu vào Nhật chịu thuế suất 0%; riêng các loại cành, cây khô có mức thuế là 3%.

Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu cần đàm phán với nhà nhập khẩu về tiêu chuẩn và vật liệu đóng gói hàng, vì các loại nguyên liệu này có thể sản sinh ra một số loại côn trùng có hại cho sức khỏe con người. Một điểm nữa phải lưa ý; nhà xuất khẩu nên thống nhất trước về cảng nhập khẩu cụ thể, vì chỉ một số cảng Nhật Bản có đủ phương tiện và thiết bị cần thiết để kiểm dịch hoa.

Vấn đề thời vụ cũng đặc biệt quan trọng: nhu cầu về hoa của Nhật Bản thường giảm vào cuối tháng 1 đến hết tháng 2 và từ tháng 6 đến tháng 7, vì có rất ít ngày lễ trong 2 thời điểm này.

Nguồn:Internet