menu search
Đóng menu
Đóng

Những điều cần biết khi xuất khẩu sang thị trường EU

16:40 03/04/2012
Liên minh châu Âu (EU) là thị trường XK chính của Việt Nam, nhất là đối với các sản phẩm mũi nhọn như dệt may, da giày, thủy sản, nông sản... Giá trị kim ngạch XK vào thị trường này chiếm tỉ trọng cao trong tổng kim ngạch XK của cả nước. Tuy nhiên, đây là thị trường có những đòi hỏi khắt khe, yêu cầu cao với hàng hóa NK.

Liên minh châu Âu (EU) là thị trường XK chính của Việt Nam, nhất là đối với các sản phẩm mũi nhọn như dệt may, da giày, thủy sản, nông sản... Giá trị kim ngạch XK vào thị trường này chiếm tỉ trọng cao trong tổng kim ngạch XK của cả nước. Tuy nhiên, đây là thị trường có những đòi hỏi khắt khe, yêu cầu cao với hàng hóa NK.

Ông Trần Ngọc Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) cho biết, EU là thị trường với 942 triệu người tiêu dùng có thu nhập cao, khoảng 34.000 USD/người/năm. Tổng thu nhập quốc dân của EU đạt trên 16.524 tỉ USD, đứng đầu thế giới, chiếm 23,5% tổng GDP của cả thế giới, chiếm 1/4 tổng giá trị thương mại và gần 1/3 luồng đầu tư trực tiếp toàn cầu… nên thị trường này có nhu cầu hướng đến những mặt hàng có chất lượng cao. EU là thị trường được quốc tế hóa và đa dạng về văn hóa nên có thể chấp nhận hàng hóa từ nhiều vùng miền khác nhau. Điều này đã mở ra cơ hội XK nhiều loại hàng hóa của DN Việt Nam vào thị trường EU như: Dệt may, da giày, thủy sản, nông sản…

Từ năm 2000 đến năm 2011, kim ngạch thương mại Việt Nam - EU đã tăng 5,9 lần, từ mức 4,1 tỉ USD năm 2000 lên 24,29 tỉ USD năm 2010, trong đó, XK của Việt Nam vào EU đạt 16,7 tỉ USD. Tuy nhiên, theo ông Jos Shellaars, Tổng lãnh sự Hà Lan tại TP.HCM, EU là thị trường XK mục tiêu không chỉ của Việt Nam mà còn nhiều nước khác, nhất là trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu như hiện nay khiến sự cạnh tranh tại EU ngày càng gay gắt.

Ngoài ra, theo một số chuyên gia kinh tế, trong những năm gần đây, an toàn và sức khỏe người tiêu dùng đã trở thành một vấn đề quan trọng trong ngoại thương. Cơ quan quản lý và người dân EU rất nhạy cảm trước những tác động tiêu cực từ việc sử dụng hàng hóa. Hiện tại EU đã áp dụng quy định về hóa chất, yêu cầu phải đăng kí hóa chất và có nghiên cứu tác động của hóa chất đến sức khỏe của người dân, hay quy định về truy nguyên hàng hóa. Theo quy định của EU nếu trong vòng một năm phát hiện 5 vụ vi phạm về chất lượng sản phẩm thì hàng hóa đó sẽ bị cấm NK vào EU.

Đây là những yêu cầu khắt khe không phải DN nào cũng có thể đáp ứng được. Chẳng hạn với thủy sản, nhiều yêu cầu dư lượng thậm chí một vài phòng xét nghiệm cũng không thực hiện được và hàng năm EU phải duyệt danh sách DN được phép XK thủy sản vào thị trường này.

Hiện tại, hàng rau quả của Việt Nam XK vào EU nhất là nhóm hàng rau thơm đang bị EU theo dõi vì EU phát hiện có sinh vật, bọ trong sản phẩm XK.

Ông Trần Ngọc Quân cho biết thêm, chính sách của EU đối với Việt Nam dù đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn kém ưu đãi hơn chính sách đối với các nước phát triển như Singapore, Thái Lan, Indonesia… Hơn nữa khi khủng hoảng thì chủ nghĩa bảo hộ sẽ gia tăng và khả năng vận động kiện chống bán phá giá tăng. Do vậy, các DN Việt Nam khi XK phải nâng cao chất lượng sản phẩm trước yêu cầu ngày càng khắt khe của EU để tăng sức cạnh tranh hàng hóa tại thị trường tiềm năng này. DN Việt Nam không nên kinh doanh theo hướng ngắn hạn hay gian lận, phải tự bảo vệ mình và bảo vệ lợi ích của Việt Nam.

Bên cạnh đó, bà Bruna Santarelli, Trưởng đại diện Thương vụ Italia, Đại sứ quán Italia tại Việt Nam cho biết, hình thức kinh doanh sản phẩm tại EU chủ yếu đang phát triển theo hình thức chuỗi. Vì vậy các DN XK cần thâm nhập được vào chuỗi phân phối của EU, có những sản phẩm thích ứng với thị hiếu tiêu dùng mới của EU. Các yêu cầu về nhãn mác thay đổi tùy theo chủng loại sản phẩm nhưng phải tuân thủ các yêu cầu của EU một cách nghiêm ngặt.

Theo đại diện một số DN Việt Nam, khi XK sang thị trường EU, cần kiểm tra kĩ đối tác, nhất là về khả năng thanh toán và tài chính. Bởi do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, thời gian qua, một số DN XK vào EU đã gặp tình trạng bị đối tác trả chậm tiền hàng, thậm chí đối tác tuyên bố phá sản.

 

Nguồn:Hải quan Việt Nam