menu search
Đóng menu
Đóng

Những hoạt động của Thương vụ Việt Nam tại thị trường ngoài nước năm 2007

11:40 20/02/2008

Ngày 20/2/2008 Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị Tham tán năm 2008 tại Hà Nội. Đây là Hội nghị Tham tán đầu tiên do Bộ Công thương tổ chức sau khi được thành lập trên cơ sở hợp nhất hai Bộ Công nghiệp và Thương mại theo sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Hội nghị đã tổng kết những hoạt động của Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài năm 2007 và đưa ra định hướng công tác thời gian tới.

Kết quả của các hoạt động xuất nhập khẩu trong những năm qua nói chung và năm 2007 nói riêng chứng tỏ nền kinh tế Việt Nam đang phát triển một cách năng động, phù hợp với xu thế đổi mới và họi nhập trong quan hệ kinh tế đối ngoại. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với trên 165 nước và vùng lãnh thổ; là thành viên tích cực của nhiều tổ chức quốc tế và khu vực. Các Hiệp định và thoả thuận song phương và đa phương đã tạo nên các khuôn khổ pháp lý quan trọng cho hoạt động của các doanh nghiệp, cũng như thể hiện sự hợp tác có độ tin cậy cao giữa Việt Nam với các nước. Đạt được những kết quả như vậy có sự đóng góp to lớn của Thương vụ Việt Nam tại thị trương nước ngoài.

Hiện nay Việt Nam đã có một hệ thống gồm 55 Thương vụ tại các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và 07 chi nhánh Thương vụ tại Tổng Lãnh sự quán các khu vực thị trường Châu Âu, Châu Á – Thái Bình Dương, Châu Phi – Tây Nam Á và Châu Mỹ - Mỹ La Tinh.

Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Đề án sắp xếp tổ chức, biên chế các Cơ quan Đại diện Việt Nam ở nước ngoài theo hướng tinh giản và hiệu quả, trong đó cho Bộ Công Thương xem xét trình Chính phủ việc lập thêm 01 Thương vụ tại Châu Âu, 4 Thương vụ tại Châu Phi – Trung Đông và 01 thương vụ tại châu Mỹ.

Hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài hiện nay được phân bổ như sau:

-Châu Âu: 19 Thương vụ phụ trách thị trường 19 nước và 21 nước kiêm nhiệm với 53 người.

-Châu Á-Thái Bình Dương: 15 Thương vụ phụ trách thị trường 15 nước, vùng lãnh thổ và kiêm nhiệm với 44 người.

-Châu Mỹ-Mỹ Latinh có 7 Thương vụ phụ trách thị trường 7 nước và kiêm nhiệm với biên chế 17 người.

-Châu Phi-Tây Nam Á có 7 Thương vụ tại Châu Phi và 6 Thương vụ tại Tây Nam Á với biên chế 19 người (trong đó 2 Thương vụ chưa được triển khai là I ran và Liban vì lý do an ninh).

Các Thương vụ hiện nay hoạt động trên cơ sở Pháp lệnh về Cơ quan Đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Quyết định số 0653/2004/QĐ-BTM ngày 26 tháng 5 năm 2004 của Bộ Thương Mại về Quy chế làm việc của Thương vụ. Với mục tiêu chủ yếu là phát triển thị trường cao và bền vững, thu hẹp nhập siêu, các Thương vụ đã triển khai thực hiện một số công việc như:

-Tham gia tạo dựng môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển, mở rộng thị trường nước ngoài được coi là nhiệm vụ trọng tâm của Thương vụ. Nhiều Thương vụ đã tham gia nghiên cứu, tổ chức, tham gia đoàn đàm phán ký kết các Hiệp định, thoả thuân thương mại với các đối tác; tham gia chuẩn bị cho các khoá họp của Uỷ ban liên Chính phủ về hợp tác thương mại giữa Việt Nam với các nước đối tác.

-Cung cấp thông tin thị trường cho các doanh nghiệp, tìm đối tác, tổ chức giao thương hỗ trợ có hiệu quả các doanh nghiệp trong tiếp cận, thâm nhập thị trường sở tại và các thị trường kiêm nhiệm.

-Nắm vững các thủ tục và luật pháp liên quan về các tranh chấp thương mại với các nước đối tác trong khuôn khổ giải quyết tranh chấp của WTO, của EU, giúp đỡ các doanh nghiệp giải quyết có hiệu quả các vụ tranh chấp, hạn chế thiệt hại về mặt kinh tế của các vụ tranh chấp đó gây ra.

-Tích cực tham gia công tác xúc tiến thương mại góp phần mở rộng thị trường để tăng xuất khẩu; coi công tác xúc tiến thương mại là công tác trọng tâm; phối hợp với các cơ quan, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp trong và ngoài nước thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia đặc biệt chương trình khảo sát tìm thị trường mới, mặt hàng mới.

-Tham gia với ý thức trách nhiệm cao và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao nhằm phục vụ tốt các cuộc đi thăm chính thức của Lãnh đạo cấp cao của đảng, Nhà nước và Chính phủ sang các địa bàn sở tại.

-Tích cực hỗ trợ các đoàn công tác của Bộ Công Thương và các bộ, ngành khác, các doanh nghiệp, các địa phương sang công tác tại địa bàn sở tại…

Năm 2008 và thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài với nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường, góp phần thúc đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng có tiềm năng phát triển không bị hạn chế về khả năng sản xuất, sử dụng nhiều nguyên liệu trong nước như: hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm cao su, hàng thực phẩm chế biến, hoá mỹ phẩm, sản phẩm cơ khí, dịch vụ phần mềm....; Kết hợp xúc tiến thương mại với xúc tiến đầu tư và hợp tác công nghiệp; tìm kiếm, vận động các đối tác nước ngoài tham gia phát triển công nghiệp phụ trợ, sản xuất nguyên liệu thay thế nhập khẩu và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ xuất khẩu; chủ động và phối hợp với trong nước phát hiện nhu cầu hàng hoá, khả năng thu hút đầu tư từ bên ngoài và triển khai đầu tư từ trong nước trên thị trường nước sở tại, đề xuất với Bộ cơ chế, chính sách phù hợp với pháp luật của Việt Nam và của địa bàn nước ngoài phục vụ phát triển sản xuất và xuất khẩu....

 

Nguồn:Vinanet