menu search
Đóng menu
Đóng

Tăng hợp tác để kết nối doanh nhân Ba Lan-Việt Nam

21:13 19/12/2013
Thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm kinh tế lớn, do đó hai bên cần tăng cường hợp tác để kết nối doanh nhân Ba Lan và Việt Nam, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh, tạo tiền đề thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng, phát triển mối quan hệ hợp tác, đầu tư.
Ngày 19/12, tại buổi làm việc giữa Phó Chủ tịch Hạ viện Ba Lan Jerzy Wenderlich với Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC), ông Jerzy Wenderlich nhận định, Thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm kinh tế lớn, do đó hai bên cần tăng cường hợp tác để kết nối doanh nhân Ba Lan và Việt Nam, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh, tạo tiền đề thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng, phát triển mối quan hệ hợp tác, đầu tư.
 
 Bà Phó Nam Phượng, Giám đốc ITPC cho biết, ITPC có thể tiến hành các chương trình xúc tiến, đưa đoàn doanh nhân Việt Nam đến Ba Lan, cũng như tạo điều kiện để Hiệp hội doanh nhân Ba Lan có thể sang thăm, tổ chức hội thảo, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung.
 
 Đặc biệt, khi các doanh nghiệp Ba Lan đến đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh, ITPC sẽ hỗ trợ, giúp đỡ về thủ tục, giấy phép đầu tư, mở văn phòng, đồng thời tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp Ba Lan yên tâm đầu tư tại Việt Nam.
 
 Hiện nay, mới chỉ có một doanh nghiệp Ba Lan mở văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh là Công ty COMARCH, hoạt động trong lĩnh vực phần mềm và máy tính.
 
 Theo ông Jerzy Wenderlich, Hiệp hội doanh nhân Ba Lan rất lớn, họ rất muốn đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Ba Lan hiện chủ yếu đầu tư vào các tỉnh phía Bắc của Việt Nam.
 
 Trong thời gian tới, Ba Lan sẽ quan tâm, hỗ trợ các doanh nhân Ba Lan tìm kiếm cơ hội đầu tư vào khu vực phía Nam, trong đó đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh.
 
 Tại buổi làm việc, đại diện ITPC đã giới thiệu về tình hình kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh năm 2013; những tiềm năng, cơ hội để các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào thành phố.
 
 Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, có sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất với khoảng 17 triệu lượt hành khách/năm, có các văn phòng đại diện, ngân hàng của trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ đặt tại đây.
 
 Trên địa bàn thành phố có hơn 100 trường cao đẳng, đại học với 700.000 sinh viên, là nguồn nhân lực dồi dào cho phát triển kinh tế.
 
 Dự kiến đến năm 2020, thành phố sẽ có 24 khu công nghiệp, khu chế xuất, đây là một thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Thành phố Hồ Chí Minh./.
(Theo Vietnamplus)