menu search
Đóng menu
Đóng

Tạo đòn bẩy thông thương hàng hoá

14:20 04/09/2008
Cũng như quốc gia láng giềng phía bắc, nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào hàng hoá qua các cảng biển và cảng hàng không. Tuy nhiên phát triển trong mảng này vẫncòn kém. Việt Nam đang đối mặt với những thách thức lớn, không chỉ nền kinh tế vĩ mô gặp khó khăn ngắn hạn mà còn có các vấn đề trong triển khai cơ sở hạ tầng logistics (giao nhận, kho vận), điều tiên quyết để hiện thực hoá tiềm năng kinh tế.

Gạo hay cà phê hiện đang mất thế thượng phong trong xuất khẩu nhường lại vị trí dẫn đầu cho sản phẩm dệt may, dầu khí và giày dép. Một chi tiết cũng cần chú ý là khoảng 75% các mặt hàng xuất khẩu rời Việt Nam bằng đường hàng không, cụ thể là dệt may chiếm 39%, giày dép 25%, thủ công mỹ nghệ 10%. Điều này phải chăng là do sự quá tải của các cảng tại Việt Nam?

Dọc hơn 3.200 km bờ biển, Việt Nam có 114 cảng biển  với 14 cảng có quy mô lớn, giữ vai trò chủ đạo trong việc phát triển kinh tế. Tuy nhiên, cơ sở vật chất tại các cảng này và dịch vụ hỗ trợ còn kém.

Theo đánh giá của các chuyên gia nước ngoài, hạ tầng logistics của Việt Nam chỉ được xếp vào hàng “tạm được” so với các nước trong khu vực ASEAN, mặc dù đánh giá về 4 mặt: Cảng, sân bay, đường sắt, đường bộ, Việt Nam ngang bằng hoặc có phần nhỉnh hơn so với Philippin, Indonesia. Hiện nay, 3 nước mạnh về logistics là Thái Lan, Malaixia và Xingapo.

Chính những giới hạn về cơ sở vật chất tại các cảng và dịch vụ hỗ trợ còn kém đã làm cho việc vận chuyển hàng hoá đi các thị trường lớn như Mỹ, EU có thêm công đoạn trung chuyển hàng tại các cảng lớn hơn trong khu vực như Hồng Công (Trung Quốc) hay Xingapo. Việc chuyển hàng từ tàu này sang tàu khác sẽ làm phát sinh thêm nhiều chi phí. Một trong những điểm thuận lợi của Việt Nam là chi phí nhân công rẻ hơn các thị trường khác. Tuy nhiên, việc trung chuyển hàng hoá này sẽ phần nào giảm bớt tính cạnh tranh khi quyết định đầu tư sản xuất tại Việt Nam. So sánh phí vận chuyển hàng hoá từ các cảng khác nhau tới Los Angeles (Mỹ), chi phí vận chuyển từ Việt Nam cao hơn hẳn.

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, mặc dù trong hai năm qua, Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành tựu kinh tế tích cực và đã thể hiện hình ảnh của mình một cách thuyết phục trong con mắt của các nhà đầu tư, đặc biệt là sau khi gia nhập WTO. Tuy nhiên, cũng giống như Ấn Độ, một trong những thử thách mà các nhà đầu tư nước ngoài xem xét cũng là bài toàn nan giải cho các công ty, tập đoàn hiện đang hoạt động tại Việt Nam chính là vấn đề cơ sở hạ tầng logistics tại Việt Nam không phát triển theo kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Khi việc sản xuất ở Trung Quốc đang trở nên đắt đỏ hơn, Việt Nam đã trở thành một thay thế ngày càng phổ biến.

Theo nhận định của giới kinh doanh, những năm gần đây, Việt Nam đã nhanh chóng trở thành nước nhận đầu tư nước ngoài lớn nhất từ các công ty Mỹ. Nhờ những chính sách thuận lợi cả Chính phủ, lực lượng lao động được đào tạo tốt và mối lo ngại của các nhà đầu tư ở Trung Quốc về chi phí  ngày càng  tăng, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng lên đáng kể. Các công ty này xem Việt Nam thực sự là một lựa chọn hàng đầu cho chiến lược “Trung Quốc cộng một” - khoảng 70% sản xuất tại Trung Quốc và 25-30% còn lại được sản xuất tại Việt Nam.

Và vì thế, lần đầu tiên, một hội nghị quy mô quốc tế lớn “Vietnam Logistics Summit” đã được tổ chức tại Tp.HCM ngày 27/8/2008 nhằm tạo cơ hội chia sẻ kinh nghiệm , thảo luận các giải pháp ngắn hạn và dài hạn từ kinh nghiệm thực tế và cập nhật thông tin mới nhất liên quan về logistics ở Việt Nam.

Hội nghị này thu hút hơn 100 giám đốc quản lý cấp cao của các công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, bán lẻ, phân phối đến từ trong nước và cả quốc tế, với các vấn đề “nóng” được đưa ra thảo luận như: Vai trò của hệ thống xe lửa trong quản lý chuỗi cung ứng tại Việt Nam; kế hoạch dài hạn cho ngành logistics tại Việt Nam; ngành logistics Việt Nam đang chuyển mình; chiến lược cho thị trường logistics và giao thông vận tải ở Việt Nam; các vấn đề về luật trong cơ sở hạ tầng gây ảnh hưởng như thế nào cho ngành logistics....

 

Nguồn:Thông tấn xã Việt Nam