menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường Đức - cơ hội cho hàng Việt

10:13 09/01/2015

Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khối EU, với kim ngạch thương mại hai chiều tăng khoảng 15%/năm và Việt Nam liên tục xuất siêu sang Đức. 11 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Đức đạt khoảng 7 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất sang Đức trên 4,6 tỷ USD, tăng 8,36% so với cùng kỳ năm 2013.

(VINANET) - Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Đức cho biết, Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại EU với kim ngạch thương mại hai chiều tăng khoảng 15%/năm, dư địa của thị trường Đức còn rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khối EU, với kim ngạch thương mại hai chiều tăng khoảng 15%/năm và Việt Nam liên tục xuất siêu sang Đức. 11 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Đức đạt khoảng 7 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất sang Đức trên 4,6 tỷ USD, tăng 8,36% so với cùng kỳ năm 2013.

Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Đức bao gồm: điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt may, giày dép, cà phê, máy vi tính, thủy sản, máy móc thiết bị… Trong đó, mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện chiếm thị phần lớn, chiếm 27% thị phần, tương đương với 1,2 tỷ USD, giảm 14,27%; kế đến là hàng dệt may, đạt 685,9 triệu USD, tăng 20,02%; giày dép các loại đạt 524 triệu USD, tăng 34,76%... Nhìn chung, 11 tháng 2014, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Đức đều tăng trưởng ở khắp các mặt hàng, số mặt hàng có tốc độ tăng trưởng dương chiếm 62% và xuất khẩu mặt hàng máy ảnh, máy quay phim và linh kiện có tốc độ tăng trưởng vượt trội, tăng 350,67%, mặc dù chỉ đạt kim ngạch 9,3 triệu USD.

Cơ cấu xuất khẩu hàng hóa sang Đức 11 tháng 2014 – ĐVT: %

(Nguồn số liệu: Thống kê sơ bộ của TCHQ Việt Nam)

Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Đức cũng cho biết, nếu FTA Việt Nam- EU được ký kết, hàng rào thuế quan gần như được xóa bỏ hoàn toàn, khi đó chất lượng hàng hóa trở thành yếu tố cạnh tranh chính. Và do Đức là thị trường khó tính, các tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn cho sản phẩm nhập khẩu luôn được cập nhật, bổ sung, một thị trường phát triển ở trình độ cao nên các hệ thống kiểm soát về quy chuẩn và tiêu chuẩn hàng hóa tại thị trường rất phức tạp. Đây chính là rào cản lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Đức.

Năm 2015 là năm Việt Nam và Đức sẽ kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Do vậy, ngay từ năm 2014, Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Đức đã tổ chức rất nhiều hoạt động XTTM: Diễn đàn doanh nghiệp nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh; Diễn đàn XTTM song phương tại Berlin, nhân chuyến thăm chính thức của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng; tổ chức sự kiện Những ngày hàng Việt, Tuần hàng Việt Nam tại Đức... thu hút sự quan tâm của nhiều công ty nhập khẩu của Đức, đông đảo người tiêu dùng, khách thăm quan, mua hàng, tạo cơ hội cho hàng hóa của Việt Nam được quảng bá trực tiếp đến người tiêu dùng Đức, đồng thời tạo ra kênh giao thương trực tiếp giữa nhà sản xuất của Việt Nam với người tiêu dùng châu Âu.

Thị trường Đức cũng như các nước EU, mặc dù chấp nhận giá rất cao, nhưng cũng có những yêu cầu sức khắt khe về chất lượng sản phẩm, nhằm bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường. Muốn đặt chân vững chắc tại thị trường nước này, các doanh nghiệp Việt Nam cần có sự thay đổi sâu sắc trong nhận thức và hành động, chuyển mình một cách mạnh mẽ từ cạnh tranh về giá sang cạnh tranh về chất lượng.

Để có thể tăng cường xuất nhập vào thị trường Đức, các doanh nghiệp Việt Nam nên tập trung sản xuất những mặt hàng chuyên biệt và có chất lượng, tạo được nguồn hàng lớn với giá cả cạnh tranh, đồng thời chú ý đến việc đầu tư xây dựng thương hiệu. Nhiều sản phẩm của Việt Nam chất lượng không thua kém các nước khác nhưng vẫn luôn bị ép giá hoặc muốn bán được phải lấy thương hiệu của nước khác.

Thị trường Đức cũng như các nước EU mặc dù chấp nhận giá rất cao, nhưng cũng có những yêu cầu hết sức khắt khe về chất lượng sản phẩm nhằm bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường. Hơn thế, muốn đặt chân vững chắc tại thị trường Đức, các doanh nghiệp Việt Nam cần có sự thay đổi sâu sắc trong nhận thức và hành động, chuyển mình một các mạnh mẽ từ cạnh tranh về giá sang cạnh tranh về chất lượng.

Năm 2015, Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Đức sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động XTTM truyền thống như: Tham gia hội thảo, hội chợ quốc tế, tiếp xúc với các nhà phân phối, mở các phòng trưng bày, chương trình khuyến mại, dùng thử sản phẩm, chương trình quảng cáo trên các phương tiện truyền thông… có tính đến các phương tiện quảng cáo có tính phổ cập tại thị trường, văn hóa kinh doanh, tiêu dùng, tính đến cộng đồng 125.000 người Việt đang sinh sống tại Đức, sự hợp tác với các cơ quan Chính phủ và phi chính phủ của cả Đức và Việt Nam.

NG.Hương

Nguồn: Vinanet/Báo công thương điện tử

Nguồn:Vinanet