menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường Qatar, Oman, Bahrain: Hướng đi mới cho DN Việt Nam

10:15 12/12/2011
Tìm kiếm thị trường mới nhằm đa dạng hóa các kênh phân phối thực sự là bước đi cần thiết cho các DN xuất khẩu của Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng nợ ở châu Âu ngày càng nghiêm trọng và nhiều thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đang có dấu hiệu bão hòa. Oman, Qatar, Bahrain được nhìn nhận sẽ là những thị trường tiềm năng.

Tìm kiếm thị trường mới nhằm đa dạng hóa các kênh phân phối thực sự là bước đi cần thiết cho các DN xuất khẩu của Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng nợ ở châu Âu ngày càng nghiêm trọng và nhiều thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đang có dấu hiệu bão hòa. Oman, Qatar, Bahrain được nhìn nhận sẽ là những thị trường tiềm năng.

Xuất khẩu thấp, tiềm năng cao

Thực tế cho thấy trong thời gian qua hàng hóa của Việt Nam tới các thị trường Oman, Qatar, Bahrain còn bỏ ngỏ và chưa được các DN chú ý tới. Trong 8 tháng đầu năm 2011, xuất khẩu của Việt Nam sang Qatar đạt gần 11 triệu USD với các mặt hàng hải sản, đồ gỗ, sản phẩm gốm sứ,… Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Oman, Bahrain cũng chỉ đạt lần lượt là 18 triệu USD và 4,3 triệu USD. Đây thực sự là những con số nhỏ bé.

Qatar, Oman, Bahrain đều là thành viên của khối GCC, thuộc các quốc gia vùng vịnh Arabian, chế độ chính trị, văn hóa, tôn giáo (đạo Hồi), khí hậu tương đồng và có tính đặc thù cao, dân số ít. Các quốc gia này phải nhập khẩu hầu hết lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng, sản phẩm công nghiệp vì nền công, nông nghiệp kém phát triển, nhưng thặng dư tài chính lớn, thu nhập cao do giàu tài nguyên, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt. Các yếu tố trên đây phù hợp với nhu cầu hợp tác đầu tư, nhập khẩu, xuất khẩu của Việt Nam.

Oman, quốc gia được coi là cửa ngõ của vịnh Arabian và là điểm hội tụ tiếp giáp giữa châu Á với châu Phi trong vùng Ấn Độ Dương, có chính sách mở, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư tư nhân và tự do thu hồi, chuyển đổi tiền tệ. Đây là những điều kiện thuận lợi cho các DN Việt Nam tiến hành các hoạt động hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực khai thác chế biến dầu khí, quặng kim loại và nhập khẩu trực tiếp từ Oman các sản phẩm dầu thô, khí gaz, các chế phẩm dầu mỏ, hóa chất, kim loại màu, chất dẻo nguyên liệu, nguyên liệu dược phẩm, đá dùng trong xây dựng.

Trong kế hoạch 2010-2015, mục tiêu của Oman nhằm xây dựng các cảng biển, sân bay quốc tế cỡ lớn, các khu công nghiệp, hệ thống giao thông đường bộ hiện đại và hệ thống thông tin viễn thông đạt trình độ quốc tế với các dự án lớn hàng tỷ USD. Đây là cơ hội cho các đối tác Việt nam tham gia đấu thầu,hợp tác, đầu tư, xuất khẩu vật liệu xây dựng,cung cấp thiết bị …

Bên cạnh đó, Qatar, với GDP bình quân đầu người là $ 76.000, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, Qatar là một trong những nước giàu nhất thế giới và không có bất cứ biểu hiện nào về tình trạng bong bóng trong kinh tế tài chính vì ngay cả trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu, kinh tế suy giảm chạm đáy mà GDP của Qatar vẫn đạt tỷ lệ tăng trưởng cao trên 13% năm 2010. Theo các chuyên gia, với sự ổn định như vậy các dự án công trình công cộng lớn của Qatar như là một cổng mới kích thích các nhà đầu tư, nhất là khi Qatar cũng sẽ là nước chủ nhà bóng đá World Cup 2022, sự kiện lớn này sẽ bao gồm việc chi tiêu đáng kể cho xây dựng cơ sở hạ tầng.

Ngoài ra, các quốc gia này có rất nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp ven biển là điều kiện thuận lợi cho Viêt Nam hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực du lịch.

Khai thác hiệu quả

Theo Thương vụ Việt Nam tại Kuwait kiêm nhiệm Qatar, Oman, để mở rộng thị trường và phát triển thương mại với Oman, Qatar và Bahrain, cả Chính phủ và các DN phải cùng hành động và phối hợp với nhau.

Chính phủ tăng cường phối hợp hơn nữa với khối GCC và từng nước kể trên nhằm thiết lập, hoàn thiện môi trường pháp lý chung tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hai bên tiến hành các hoạt động đầu tư, thương mại, văn hóa, du lịch. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng chiến lược thị trường, mặt hàng dài hạn phù hợp với đặc thù tôn giáo, văn hóa của các thị trường này.

Cụ thể, nâng cao năng lực cạnh tranh thương mại quốc tế của doanh nghiệp, khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Chú trọng các sản phẩm nông nghiệp, hàng hóa dân dụng có thế mạnh của Việt Nam nhưng phù hợp với nhu cầu của thị trường như gạo, cà phê, hạt tiêu, thực phẩm chế biến, rau củ quả, may mặc, giày dép, điện tử và đồ điện...

Đối với các sản phẩm lương thực, thực phẩm, bánh kẹo xuất khẩu vào thị trường Hồi giáo phải đạt tiêu chuẩn và có chứng chỉ HALAL (cần nghiên cứu bài bản để đáp ứng đúng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng sở tại, mọi chiêu thức kinh doanh thời vụ, hớt váng, nhất thời sẽ không thành công tại các thị trường này)

Riêng đối với mặt hàng vật liệu xây dựng, đồ gỗ, để có thể xuất khẩu vào thị trường Oman, Qatar, Barain với kim ngạch lớn, doanh nghiệp Việt Nam phải đảm bảo đủ khả năng thắng thầu các công trình xây dựng của bạn khi được Nhà nước chỉ định tham gia theo các thỏa thuận chính phủ.

Tin rằng với những bước đi cụ thể và thiết thực của cả Chính phủ và các DN xuất khẩu, việc khai thác và mở rộng thị trường tại Qatar, Bahrain, Oman sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các DN nói riêng cũng như sự phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung.

ttnn.com.vn

Nguồn:Vinanet