menu search
Đóng menu
Đóng

Thương mại Việt Nam-Đức năm 2009

15:35 14/01/2010
Theo thống kê sơ bộ, năm 2009 lượng hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào Đức chiếm 19% tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam vào 27 nước EU.

Quan hệ hai nước tiếp tục phát triển tốt trên nhiều phương diện: chính trị, kinh tế - thương mại, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, giáo dục - đào tạo. Trong năm 2009 đã có gần 50 đòan Việt Nam sang Đức (cao nhất do Bộ trưởng dẫn đầu) và hơn 10 đòan Đức sang Việt Nam (cao nhất do Thứ trưởng dẫn đầu). Hơn một nửa số đòan sang thuộc lĩnh vực kinh tế - thương mại và khoa học kỹ thuật. Năm 2010 sẽ đánh dấu 35 năm ngày thiết lập quan hệ chính thức giữa hai nước. Hai Nhà nước đã nhất trí gọi năm 2010 là “Năm Đức tại Việt Nam“ và “Năm Việt Nam tại Đức“, trong đó quy mô và số lượng các họat động, sự kiên nhằm phát triển quan hệ song phương tăng lên vượt bậc.

Đức ngày càng quan tâm hơn đến hợp tác với Việt Nam là một nước có dân số tương đối đông của thế giới, chính trị ổn định, kinh tế năng động. Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 trở thành một nước công nghiệp, Việt Nam có nhu cầu lớn về phát triển những lĩnh vực và ngành mà Đức có lợi thế về công nghệ và chất lượng so với nhiều nước công nghiệp phát triển khác. Tuy đầu tư của Đức vào Việt Nam đang ở mức rất khiêm tốn so với tiềm năng, với 139 dự án với tổng vốn đăng kí 778 triệu USD, đứng thứ 22 trong tổng số hơn 80 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, tình hình này đang được cải thiện rõ rệt trong những tháng gần đây với việc hai bên thúc đẩy các dự án mới thuộc các lĩnh vực công nghiệp, bảo vệ môi trường, sản xuất năng lượng sạch.

Đức là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam tại Châu Châu và là nước nhập khẩu lớn nhất đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Châu Âu. Theo thống kê sơ bộ, năm 2009 lượng hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào Đức chiếm 19% tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam vào 27 nước EU. Mặc dù Vỉệt Nam nhập siêu trong trao đổi thương mại với thế giới, Việt Nam vẫn xuất siêu đối với Đức theo tỷ lệ xuất/nhập trung bình là 2/1. Các mặt hàng chủ yếu Việt Nam xuất khẩu sang Đức theo thứ tự tổng trị giá là: giày dép, hàng dệt may, cà phê hạt, đồ gỗ, thủy sản, đồ da, .v.v…, tương tự như xuất khẩu sang các nước khác thuộc EU. Đức là nước nhập khẩu hàng đầu thế giới đối với cà phê hạt và hạt tiêu đen của Việt Nam. Các hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam từ Đức chủ yếu là máy móc, thiết bị.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tính theo đầu người của Đức là 35 000 USD/năm (gấp gần 13 lần so với Việt Nam). Đức nhập khẩu hàng hóa không những cho tiêu dùng nội địa của một nước có dân số 82 triệu người, mà còn để trung chuyển sang các nước Châu Âu và thế giới. Vì vậy sức mua của Đức rất lớn. Tổng trị giá nhập khẩu của Đức năm 2008 là 1,5 nghìn tỷ USD, một con số khổng lồ so với tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam sang Đức (3,5 tỷ USD năm 2008). Xuất khẩu của Đức dẫn đầu thế giới trong nhiều năm từ 2007 trở về trước. Con số này của 2008 là 1,35 nghìn tỷ USD,  đứng thứ 2 thế giới sau Trung Quốc, và 2009 bị giảm khỏang trên 10%, .

Trao đổi thương mại hai nước năm 2009 bị sụt giảm so với 2008 do ảnh hưởng chung của suy thóai kinh tế tòan cầu. Tuy nhiên mức sụt giảm càng về cuối năm càng ít hơn. Xuất khẩu của Việt Nam sang Đức các tháng đầu năm 2009 giảm 15 – 17%, nhưng các tháng cuối năm chỉ còn giảm khỏang 9 – 11%. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 11 tháng năm 2009 Việt Nam đã xuất khẩu sang Đức 1,65 tỷ USD, chiếm 3,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và giảm 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu 1,34 tỷ USD chiếm 2,1% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước và tăng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về hàng hoá xuất khẩu , 11 tháng đầu năm 2009, Việt Nam đã xuất khẩu 23 mặt hàng sang thị trường Đức như: cà phê, điều, chè, hạt tiêu, giày dép, hàng dệt may… trong đó mặt hàng dệt may đạt kim ngạch cao nhất với 352,8 triệu USD tăng 0,2% so với cùng kỳ; đứng thứ hai là mặt hàng giày dép với kim ngạch 266,5 triệu USD, giảm 24,34% so với cùng kỳ. Việt Nam cũng nhập khẩu từ Đức 29 mặt hàng như: dây điện và cáp điện, sắt thép các loại, chất dẻo nguyên liệu, thuốc trừ sâu, máy móc thiết bị phụ tùng, ôtô, ….trong các mặt hàng nhập khẩu thì mặt hàng máy móc thiết bị, phụ tùng đạt kim ngạch cao nhất với 693,5 triệu USD nhưng giảm 11% so với cùng kỳ.

            Tổng trị giá trao đổi thương mại hai nước cả năm 2009 sẽ đạt tối đa 4,6 tỷ USD - giảm 8% so với 2008, trong đó xuất khẩu của VN sang Đức đạt tối đa 3,2 tỷ USD - giảm hơn 8% so với 2008 (ước bằng một nửa mức giảm xuất khẩu 2009 của Việt Nam vào EU27), và nhập khẩu đạt gần 1,4 tỷ USD - giảm gần 7% so với 2008.

Dự báo tổng trị giá trao đổi thương mại giữa hai nước nước năm 2010 có khả năng đạt 5,0 – 5,1 tỷ USD, tăng 9 – 11% so với 2009, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Đức sẽ đạt 3,5 - 3,6 tỷ USD, tăng 6 – 9% so với 2009 (bằng hoặc vượt con số trước suy thoái 2008), và nhập khẩu của Việt Nam từ Đức sẽ đạt khỏang 1,5 tỷ USD (bằng năm 2008).

Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Đức năm 2009

 Tháng

Kim ngạch (triệu USD)

Tháng 1

177,2

Tháng 2

130,9

Tháng 3

130,2

Tháng 4

128,2

Tháng 5

165,6

Tháng 6

161,6

Tháng 7

164,7

Tháng 8

143,3

Tháng 9

130,6

Tháng 10

154,9

Tháng 11

155,2

Tháng 12

 

Nguồn:Vinanet