menu search
Đóng menu
Đóng

Thương mại Việt Nam – Liên bang Nga sau hiệp định EEUV – FTA

15:22 25/06/2015

Việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á-Âu (EEUV-FTA) gồm 5 nước Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan giúp cho mục tiêu kim ngạch song phương đạt 10 tỷ USD vào năm 2020 sớm thành hiện thực.

(VINANET) – Việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á-Âu (EEUV-FTA) gồm 5 nước Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan giúp cho mục tiêu kim ngạch song phương đạt 10 tỷ USD vào năm 2020 sớm thành hiện thực.

EEUV - FTA đã chính thức được ký kết sau hơn 2 năm đàm phán. Theo Bộ Tài chính, lợi ích Việt Nam có được từ FTA này là Liên minh cam kết xóa bỏ ngay thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thuỷ sản, cá chế biến, ngũ cốc, rau quả chế biến; gạo (lượng hạn ngạch thuế quan 10.000 tấn) và các loại hoa quả nhiệt đới… sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Những thuận lợi này cũng mở ra cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt vào Nga.

Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho biết, Nga là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn của thế giới nên đây là cơ hội xuất khẩu của Việt Nam.

Theo số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ Việt Nam, thương mại Việt Nam – Liên bang Nga 5 tháng 2015, với kim ngạch 735,5 triệu USD, giảm 26,5% so với 5 tháng 2014. Trong đó, xuất khẩu sang Nga là 503,4 triệu USD, giảm 23,31% và nhập khẩu 232,1 triệu USD giảm 32,7% so với cùng kỳ.

Trong 5 tháng 2015, nhóm hàng nông sản xuất khẩu sang Nga chiếm 23,6% thị phần, đạt kim ngạch 119,1 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu gạo có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất, tăng 19,64%, mặc dù chỉ đạt 9,2 triệu USD, ngược lại xuất khẩu hàng rau quả lại giảm mạnh, giảm tới 33,46%.

Mặt hàng chủ lực xuất sang Nga trong thời gian này là điện thoại các loại và linh kiện, chiếm 44,5% tổng kim ngạch, với kim ngạch 224,1 triệu USD, tuy nhiên tốc độ xuất khẩu mặt hàng này lại giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước, giảm 6,35%.

Thống kê sơ bộ từ TCHQ về tình hình xuất khẩu sang Nga 5 tháng 2015 – ĐVT: USD

Mặt hàng
XK 5T/2015
XK 5T/2014
+/- (%)
Tổng KNXK
503.448.617
656.489.124
-23,31
Điện thoại các loại và linh kiện
224.144.288
239.337.499
-6,35
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện
45.624.444
28.361.245
60,87
Cà phê
37.635.779
51.789.609
-27,33
Hàng thủy sản
32.281.005
26.300.336
22,74
Hàng dệt may
27.051.035
52.506.557
-48,48
Giày dép các loại
24.045.993
37.045.274
-35,09
Hàng rau quả
10.810.280
16.246.931
-33,46
Gạo
9.203.925
7.692.831
19,64
Hạt tiêu
9.124.070
15.832.796
-42,37
Chè
8.831.699
8.063.640
9,52
Túi xách, ví, vali, mũ và ô dù
7.358.874
9.776.611
-24,73
Hạt điều
7.345.561
15.998.179
-54,09
Máy móc, tbi, dụng cụ phụ tùng khác
7.282.248
6.499.869
12,04
Sản phẩm từ chất dẻo
3.401.155
4.765.751
-28,63
Sắt thép các loại
2.753.808
7.138.970
-61,43
Gỗ và sản phẩm gỗ
2.018.717
4.037.008
-49,99
Cao su
1.864.124
2.926.059
-36,29
Bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc
1.671.416
3.683.925
-54,63
Đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận
1.620.035
3.464.480
-53,24
Quặng và khoáng sản
1.124.166
1.100.220
2,18
Sản phẩm gốm, sứ
623.707
1.992.333
-68,69
Sản phẩm mây,tre, cói thảm
342.021
1.552.395
-77,97
Xăng dầu các loại
175.950
19.432.334
-99,09

Ngược lai, Việt Nam cũng nhập khẩu từ thị trường Nga các mặt hàng như quặng và khoáng sản, than đá, phân bón, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng… trong đó phân bón là mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu cao nhất tới 72,6 triệu USD, kế đến là than đá 19,2 triệu USD và máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng đạt 17,2 triệu USD….

Trưởng Đại diện thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam, ông Maxim Golikov, cho biết, nếu trong những năm 2005-2009, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt - Nga trung bình vào khoảng 1,1 tỷ USD/năm, thì trong giai đoạn 2010-2014, con số này đã tăng gấp 3 lần và đạt gần 3,5 tỷ USD.

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) nhận định, thương mại Việt Nga sẽ tăng trưởng nhanh trong thời gian tới khi Hiệp định này được ký kết và vượt 10 tỷ USD vào năm 2020.

Phía doanh nghiệp cũng kỳ vọng rất lớn vào thị trường Nga. Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Chế biến Lâm sản Việt Nam cho hay, hiện nay xuất khẩu đồ gỗ sang thị trường Nga chỉ khoảng 40-50 triệu USD nhưng khi EEUV - FTA ký kết, thị trường Nga được đánh giá là thị trường XK lớn thứ 3 của đồ gỗ sau Mỹ, EU.

Với ngành thủy sản, Hiệp định này vừa giúp các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi về thuế vừa đem lại một loạt các thỏa thuận thương mại về kiểm tra chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch sản phẩm (SPS). Khi EEUV - FTA có hiệu lực, các hàng rào kỹ thuật này sẽ được thống nhất trên nguyên tắc minh bạch, đúng với thông lệ quốc tế. Với những quy tắc như thế, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ tránh được rất nhiều rủi ro về các yêu cầu an toàn thực phẩm xuất khẩu.

Tuy nhiên, dù Nga là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn của thế giới tạo cơ hội xuất khẩu  cho Việt Nam, nhưng không ít những thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý khi xuất khẩu sang thị trường này. Trước hết, tiềm năng của thị trường Nga rất lớn nhưng thông tin thị trường còn ít do doanh nghiệp Việt Nam hướng tập trung vào thị trường khác có sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh. Vấn đề nữa là thuế của Nga rất cao. Một thách thức khác cho doanh nghiệp Việt Nam là vấn đề thanh toán làm cản trở thương mại hai nước, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và chất lượng với hàng nông, lâm, thủy sản cũng đang là thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam.

Hương Nguyễn

Nguồn: Vinanet/Báo Hải quan

 

 

 

 

Nguồn:Vinanet